Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố bầu cử sớm
- Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
- Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Những mũi tên mới
- Ván bài kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Quyết định giải tán Hạ viện được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra trong buổi họp báo được phát trên sóng truyền hình quốc gia hôm 25-9. Ông Abe nêu rõ quan điểm, cần thêm thời gian để tiếp tục thực hiện các kế hoạch về an sinh phục vụ toàn xã hội, bổ sung lại Hiến pháp và duy trì quan điểm cứng rắn hơn nữa với CHDCND Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa bay qua không phận Nhật Bản.
“Nước cờ” khôn khéo hay mạo hiểm?
Giới quan sát chính trị thế giới đánh giá, động thái này của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một “nước cờ” rất khôn khéo sau cuộc cải tổ nội các hồi đầu tháng 8 vừa qua. Tỷ lệ tín nhiệm đối với ông Abe trong thời điểm này đã lên 50% so với con số lao dốc 30% của hồi tháng 7 do hai cáo buộc về thiên vị người bạn lâu năm là nhà quản lý trường Kake Educational Institution và nhà quản lý trường tư MoritomoGakuen.
Khảo sát cuối tuần qua thực hiện bởi Nikkei cũng cho thấy 44% cử tri dự kiến sẽ bầu cho đảng Dân chủ tự do (LDP) do ông Abe đứng đầu, trong khi đảng Dân chủ đối lập chỉ ở mức 8%. Rõ ràng, trong bối cảnh người Nhật đang rất quan ngại về các vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên thì những phát ngôn cứng rắn cùng các hành động thực tế như triển khai bốn hệ thống đánh chặn tên lửa phòng không PAC-3 đã giúp ông Abe ghi điểm trong mắt công chúng. Một cuộc bầu cử sớm không chỉ giúp ông Abe tận dụng sự hỗn loạn của đảng Dân chủ đối lập mà còn giảm bớt thách thức từ liên minh đang hình thành giữa Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike và một cựu nghị sĩ của LDP.
Ông Abe tuyên bố giải tán Hạ viện và đưa ra ba trọng tâm cho đợt bầu cử sớm. Ảnh: Getty |
Mặc dù vậy, một nguồn tin từ bộ phận đối ngoại của đảng LDP cho biết, khi Thượng và Hạ viện Nhật Bản triệu tập một cuộc họp bất thường vào ngày 28-9 tới, khả năng Thủ tướng Abe sẽ phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt từ các đảng đối lập là điều không thể tránh khỏi. “Chính phủ có thể sẽ lại trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận và tỷ lệ tín nhiệm sẽ sụt giảm”, nguồn tin tiết lộ.
Theo giới chuyên gia, các đảng đối lập tại nước này chưa sẵn sàng cho cuộc bỏ phiếu sắp tới, đặc biệt là khi đảng Dân chủ đối lập chưa lấy lại vị thế sau khi có lãnh đạo mới là Chủ tịch Seiji Maehara. Không những vậy, thời gian vừa qua, một loạt nghị sỹ cũng nộp đơn xin ra khỏi đảng này và dự định gia nhập một đảng mới.
Ngoài ra, nếu vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch giải tán Hạ viện, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất 2/3 số ghế để chiếm “đa số tuyệt đối”, khiến mục tiêu sửa đổi Hiến pháp nhằm làm rõ vai trò quân đội của ông gặp khó khăn.
Ba mấu chốt trong cuộc bầu cử của ông Abe
Mới đây, trong cuộc gặp với lãnh đạo liên minh cầm quyền (LDP và đảng Công minh Komeito), ông Shinzo Abe đã đưa ra ba mấu chốt trong cuộc tổng tuyển cử lần này là: cân nhắc lại cách chi tiêu với nguồn thu từ việc tăng thuế giá trị gia tăng; tăng cường áp lực đối với CHDCND Triều Tiên và sự hiện diện của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong Hiến pháp Hòa bình.
Hiện nay, vấn đề gây tranh cãi lớn nhất tại Nhật Bản là việc thực hiện chế độ an sinh phục vụ toàn xã hội thay cho chế độ an sinh ưu tiên chủ yếu dành cho người cao tuổi. Kể từ tháng 10-2019, thời điểm tăng thuế tiêu thụ (từ 8% lên 10%), khoảng 45 tỷ USD, nguồn thu có được từ việc tăng sẽ được sử dụng để hỗ trợ phát triển giáo dục, nuôi dạy trẻ em, thanh, thiếu niên và người có thu nhập thấp.
Bằng cách này, Nhật Bản sẽ đạt được mục tiêu xây dựng thế hệ công dân mới, thay vì sử dụng phần lớn để trả nợ công. Mấu chốt thứ hai liên quan đến việc gia tăng sức ép với CHDCND Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tiếp có các hành động mang tính khiêu khích như thử tên lửa và hạt nhân. Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để gia tăng áp lực tối đa đối với CHDCND Triều Tiên, nhưng các đảng đối lập lại thiên về biện pháp đối thoại vì cho rằng Bình Nhưỡng đã quá thạo khoản lách các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, ông Abe cho biết sẽ vẫn kiên trì quan điểm của mình.
Vấn đề cuối cùng là việc thúc đẩy các cuộc thảo luận nhằm tiến tới bổ sung một số nét cơ bản về Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong Hiến pháp Hòa bình vào năm 2020. Mặc dù liên minh cầm quyền hiện đang chiếm đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện của quốc hội, nhưng đảng Komeito trong liên minh cầm quyền lại tỏ ý thận trọng, nhất là khi chưa thể chắc chắn rằng phe cầm quyền tiếp tục chiếm đa số sau cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới.
Bên cạnh đó, nhiều người dân Nhật Bản luôn phản đối những động thái có thể gây kích động chiến tranh. Tóm lại, trước khi giải tán Hạ viện để thực hiện kế hoạch bầu cử sớm, ông Shinzo Abe sẽ còn phải đau đầu đưa ra lời giải thích và thuyết phục cử tri, cũng như các đảng đối lập về hai vụ bê bối thiên vị cá nhân.