Dũng mãnh, hoang dã lễ hội của những "sát thủ thảo nguyên"

Thứ Hai, 12/03/2018, 20:19
Cứ mỗi độ xuân về, người dân Mông Cổ lại hào hứng chờ đón lễ hội truyền thống đặc biệt có tên gọi "Đại bàng Vàng". Đây không chỉ là dịp để những chú đại bàng - vẫn được coi là những "sát thủ thảo nguyên" tranh tài gay cấn, mà còn góp phần quảng bá nét văn hóa độc đáo của người Kazakh.

Lễ hội Đại bàng Vàng thường được tổ chức hai lần vào mùa xuân và mùa thu mỗi năm. Năm nay, lễ hội được tổ chức vào đầu tháng 3 tại thủ đô Ulan Bator. Diễn ra chỉ trong 2 ngày, lễ hội mùa xuân năm 2018 là cuộc so tài của 20 thợ săn có lứa tuổi từ 14 cho tới 86.

Mông Cổ là cái nôi của nghệ thuật săn bắn bằng những chú đại bàng vàng với lịch sử săn bắn kéo dài hơn 1000 năm. Truyền thống săn bắn độc đáo này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi bộ tộc du mục Kazakh.

Được coi là bộ tộc duy nhất trên thế giới có thể đi săn với đại bàng, người Kazakh coi lễ hội Đại bàng Vàng như một phần văn hóa biểu trưng cho sức mạnh của họ. Tại lễ hội, những chú đại bàng vàng được huấn luyện đặc biệt sẽ thi tài săn bắt các loài thú nhỏ như cáo, thỏ.

Nếu như những chú đại bàng được chấm điểm dựa trên tốc độ, sự nhanh nhạy và chuẩn xác, thì những người thợ săn lại được đánh giá bởi khả năng huấn luyện tài tình và sự thấu hiểu "người cộng sự" của mình. Trang phục cũng là một điểm cộng cho những thí sinh tham dự lễ hội thường niên này.

Thợ săn làm thân với đại bàng từ việc cho chúng ăn bằng tay, nhằm xây dựng niềm tin cho chúng. Để có thể giúp những chiến binh của mình đủ điều kiện tham gia cuộc thi, những người thợ săn xứ Kazakh đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức huấn luyện cho những chú đại bàng vàng, hay còn có tên địa phương là Berkut.

Một trong những thợ săn tham gia lễ hội năm nay, Aisholpan Nurgaibv từ lâu đã góp phần gìn giữ và phát triển truyền thông săn bắn bằng đại bàng. Cô kể lại, từ khi cô mới 13 tuổi, cha đã dạy cô cách đi săn trên lưng ngựa cùng những chú đại bàng vàng, cùng rượt đuổi trong những cuộc đi săn truyền thống.

Những cuộc đi săn thường diễn ra vào lúc trời còn đang giá lạnh, khi các dấu chân cáo và động vật hiện rõ trên nền tuyết trắng. Đại bàng sẽ đứng trên mỏm đá nhìn xuống, còn thợ săn ở dưới gây tiếng động xua thú ra khỏi hang. Khi đại bàng nhìn thấy con thú sẽ nhanh chóng sải cánh dồn con vật về gần phía thợ săn.

Sự phối hợp tài tình và đầy thấu hiểu giữa những người thợ săn và những chú đại bàng đã biến mỗi cuộc đi săn trở thành một câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Những chuyến đi săn cũng giúp củng cố niềm tin và sự trung thành của những chú đại bàng với chủ nhân

Tuy nhiên, ngày nay, số lượng thợ săn dùng đại bàng đi săn thật đã giảm đi nhiều, đồng nghĩa với sự gia tăng của những màn trình diễn "săn bắt cùng đại bàng vàng" để phục vụ khách tham quan.

Những cuộc đi săn được xây dựng thành hình thức lễ hội ngày càng thu hút sự chú ý của khách du lịch trong và ngoài nước. Theo thống kê của trang Xinhua, có khoảng 3000 khách du lịch đã đến đây mùa xuân năm nay để tận mắt chứng kiến lễ hội độc đáo này.

Một người thợ săn kiêu hãnh ngồi trên lưng ngựa cùng "người cộng sự" đại bàng vàng của mình, sẵn sàng cho cuộc đua tìm ra người thợ săn tài giỏi nhất. 
An Nhiên (T.H/ ảnh: Ikon)
.
.
.