Indonesia hoang tàn sau thảm họa kinh hoàng nhất lịch sử

Thứ Hai, 01/10/2018, 12:46
1.200 người chết, hàng triệu người bị ảnh hưởng, hàng nghìn công trình xây dựng bị đổ sập, những thiệt hại về người và của chưa thể thống kê hết đang khiến thảm họa kép động đất sóng thần xảy ra ngày 28-9 tại Indonesia trở thành một trong thảm họa kinh hoàng nhất lịch sử nước này.
Trận động đất mạnh 7.7 độ richter xảy ra vào chiều ngày 28-9 ngoài khơi đảo Sulawesi đã tạo ra đợt sóng thần cao tới 6m đổ bộ và tàn phá nhiều khu vực ven biển của thành phố Palu và thị trấn Donggala, gây chia cắt hoàn toàn thị trấn này. Bãi biển Taman Ria bỗng chốc bị san phẳng sau khi sóng thần càn qua. Ảnh: Reuters
Tổng thống Joko Widodo ngày 30-9 trực tiếp đến thị sát và chỉ đạo công tác cứu hộ tại Palu, Sulawesi, đồng thời thăm hỏi và động viên những nạn nhân tại nơi đây. Theo The Guardian, chính quyền Indonesia ngày 1-10 bắt đầu chấp nhận nhận viện trợ quốc tế sau thảm họa và kêu gọi sự giúp đỡ. Chính quyền Australia và Thái Lan đã ngay lập tức gửi viện trợ giúp đỡ người dân nơi đây. Ảnh: Reuters
Hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể nào về con số thiệt hại mà người dân và chính phủ Indonesia phải hứng chịu sau thảm họa kép kinh hoàng này. Straits Times ngày 1-10 cho biết ước tính đã có khoảng 1.200 người thiệt mạng sau thảm họa. Ảnh: Reuters
 Hàng nghìn ngôi nhà, khách sạn, trung tâm mua sắm và nhà thờ đã bị hư hỏng và sụp đổ. Ảnh: Reuters
Tan hoang, tiêu điều, hoảng loạn - đó là những gì có thể dành để miêu tả đảo Sulawesi trong 3 ngày qua. Sức tàn phá kinh hoàng của động đất và sóng thần đã để lại những tổn thất khó bù đắp cho người dân Palu, Indonesia. Ảnh: AP
Một con thuyền bị lật úp và bị đánh xô vào bãi biển sau khi sóng thần đổ ập xuống. Ảnh: AP
Sân bay Mutiara Sis Al Jufri tại Palu tiêu điều sau thảm họa. Trận động đất kéo theo sóng thần đã khiến giao thông tại khu vực đảo Sulawesi bị đình trệ, riêng thị trấn Donggala bị cô lập hoàn toàn. Điện vẫn đang bị mất tại khu vực có khoảng 300.000 người dân sinh sống này. Ảnh: Reuters
Cảnh tượng chụp từ trên không tại nhà thờ Hồi giáo Baiturrahman sau trận động đất và sóng thần. Vấn đề lớn trong công tác cứu hộ hiện nay chính là sự khó khăn trong việc vận chuyển thiết bị cứu hộ vào khu vực Palu, nhất là thị trấn Donggala. Theo đó, hệ thống sóng điện thoại đã bị tê liệt, điện mất cục bộ và giao thông bị gián đoạn vì sạt lở đã gây ảnh hưởng tới công tác cứu hộ. Ảnh: Reuters
Sóng thần cũng đánh sập một cây cầu lớn ở Palu. Ảnh: Reuters
Công tác cứu hộ đang được đẩy nhanh với những hi vọng mong manh về việc tìm thấy người còn sống. Vào sáng 1-10, các nhân viên cứu hộ đã tập trung tìm kiếm người mất tích tại các khách sạn thuộc thành phố Palu sau khi nghe thấy tiếng khóc và tiếng kêu cứu vang lên phía dưới đống đổ nát. Trong số những người mất tích sau thảm họa có ít nhất 5 người nước ngoài, Reuters đưa tin. Ảnh: Reuters
Những khu phố và con đường gần như bị "xóa sổ" sau khi trận động đất kéo theo sóng thần xảy ra. Ảnh: Reuters
Thảm họa kép ngày 28-9 khiến người dân Indonesia điêu đứng bởi sự tàn phá quá khủng khiếp của thiên nhiên. Thảm họa này xảy ra chỉ 2 tháng sau thảm họa động đất xảy ra tại đảo Lombok nước này khiến hơn 500 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters
Cận cảnh một cây cầu bị đổ sập trong trận động đất hôm 28-9 vừa qua. Ảnh: AP
Người dân hoảng loạn bỏ chạy khỏi một khu mua sắm bị đổ sập nhiều phần sau thảm họa. Ảnh: AP
 Người bị thương nằm la liệt tại các khu cấp cứu dựng tạm. Nhằm hỗ trợ các nạn nhân tại Palu và Donggala gần tâm chấn, Bộ trưởng Các vấn đề Xã hội Agus Gumiwang Kartasasmita đã cùng một đội ngũ lập 6 bếp ăn lưu động và lều tạm trú. Ảnh: Reuters

Đoạn clip ghi lại sức tàn phá kinh hoàng của trận động đất kéo theo sóng thần hôm 28-9 vừa qua. Nguồn: Youtube
An Nhiên (T.H)
.
.
.