Người từng nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ đối mặt với mối đe dọa mới

Thứ Hai, 26/07/2021, 16:20
Chưa nguôi ngoai về những hậu quả nặng nề do làn sóng COVID-19 thứ hai gây ra, người dân Ấn Độ, đặc biệt là những người từng nhiễm COVID-19, lại đang phải đối mặt với mối lo mới, đó là nấm đen - căn bệnh có thể khiến khuôn mặt bị hủy hoại vĩnh viễn, mất thị lực và thậm chí là tử vong.

Srinivas S. nằm trên giường bệnh trong phòng phẫu thuật tại Bệnh viện St John ở Bengaluru trong khi các bác sĩ phẫu thuật cẩn thận loại bỏ các mô đen và tế bào hoại tử khỏi khuôn mặt của anh. Tài xế 41 tuổi là một trong số hơn 45.000 người Ấn Độ bị nhiễm nấm đen - hay còn gọi là bệnh mucormycosis - kể từ khi bắt đầu làn sóng COVID-19 thứ hai ở nước này hồi cuối tháng 3.

Giống như Srinivas, có tới khoảng 85% những người mắc bệnh nấm đen đều từng nhiễm COVID-19, theo Bộ Y tế Ấn Độ. Đến tháng 7, tại Ấn Độ đã ghi nhận hơn 4.300 người chết vì nhiễm căn bệnh này. 

Có tới khoảng 85% những người mắc bệnh nấm đen đều từng nhiễm COVID-19. Đến tháng 7, tại Ấn Độ đã ghi nhận hơn 4.300 người chết vì nhiễm căn bệnh này. Trong ảnh là Srinivas, một bệnh nhân bị nhiễm nấm đen. (Ảnh: CNN)

Em gái của Srinivas, Shyamala V., ngồi bên giường anh và nghĩ về cuộc sống của chị dâu và hai cháu nhỏ, một đứa 2 tuổi và một đứa chỉ hơn 4 tháng tuổi, sẽ như thế nào nếu anh trai trai mình trở thành một trong số đó. "Tôi rất sợ. Anh ấy có hai đứa con nhỏ. Ai sẽ chăm sóc chúng?", cô nói.

"Cuộc khủng hoảng COVID-19 thứ hai" tại Ấn Độ

Trước năm 2021, các trường hợp nhiễm nấm đen rất hiếm gặp ở Ấn Độ, dù tỉ lệ nhiễm bệnh tại quốc gia Nam Á này cao hơn khoảng 80 lần so với các nước phát triển.

Căn bệnh do nấm mucormycetes gây ra. Đây là loại nấm thường gặp hàng ngày, nhưng nếu hệ miễn dịch của người bệnh suy yếu do từng mắc COVID-19, họ sẽ dễ bị nhiễm loại nấm này hơn. Nếu không được điều trị nhanh chóng, nấm đen có thể khiến khuôn mặt bị hủy hoại vĩnh viễn, mất thị lực và thậm chí là tử vong. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong lên tới trên 50%. 

Các ca nhiễm nấm đen đã tăng cao ở Ấn Độ, trong khi một số trường hợp được phát hiện ở Nepal, Afghanistan, Ai Cập và Oman. 

Số ca nhiễm nấm đen ở Ấn Độ hiện cao hơn nhiều so hồi tháng 9 năm ngoái, khi mà làn sóng COVID-19 đầu tiên tại nước này kết thúc. 

Bên cạnh đó, nấm đen cũng được ghi nhận ở người mắc bệnh tiểu đường. Tại Ấn Độ, ít nhất 77 triệu người mắc bệnh tiểu đường tính đến năm 2019, cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc với 116 triệu người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang tăng nhanh hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình so với các nước thu nhập cao. Cùng với sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19, các bác sĩ dự đoán nấm đen sẽ lây lan rộng hơn trên toàn thế giới.

Srinivas S. nghĩ rằng anh đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của COVID-19, nhưng sau đó mắt trái của anh bắt đầu sưng tấy đến mức gần như không thể mở nó ra với những cơn đau không ngừng. Anh chưa bao giờ nghe nói về bệnh nấm đen, nhưng bắt đầu lo lắng khi mắt và mũi bắt đầu chảy máu vào tháng 5. 

"Máu chảy không ngừng, tôi nghĩ điều quái gì đang xảy ra thế này?", Srinivas nói với CNN khi đang nằm trên giường bệnh, trước khi tiến hành cuộc phẫu thuật lần thứ ba để loại bỏ các phần bị hoại tử.

Srinivas cho biết anh đã đến 4 bệnh viện trước khi các bác sĩ chẩn đoán anh bị nấm đen và giới thiệu anh đến bệnh viện thứ 5 để được điều trị.

Trước đại dịch, Ấn Độ có khoảng 3.000 đến 4.000 trường hợp mắc bệnh nấm đen mỗi năm. Lúc đó, căn bệnh này không được chú ý nhiều, các bang không bắt buộc phải báo cáo các ca nhiễm tới chính phủ trung ương. Điều này đã thay đổi vào tháng 5 vừa qua, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao. 

Tính đến cuối tháng 6, hơn 40.845 ca nhiễm nấm đen đã được ghi nhận trên toàn quốc. Hai tuần sau, con số này đã tăng khoảng 9% lên 45.374. Trong số những bệnh nhân này, khoảng một nửa vẫn đang được điều trị, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết hôm 20/7.

Thiếu thuốc

Không có cách nào điều trị nhanh bệnh nấm đen. Bệnh nhân nhiễm sẽ phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ các phần bị hoại tử. Sau đó, họ được điều trị bằng thuốc kháng nấm liposomal amphotericin B để ngăn nhiễm trùng tái phát

Khi số ca mắc tăng vào tháng 5, một số bang đã báo cáo tình trạng thiếu thuốc và Bộ Hóa chất và Phân bón Ấn Độ đã vào cuộc để điều tiết nguồn cung. Ấn Độ vừa cho phép thêm 5 công ty sản xuất thuốc trị nấm.

Cuối tháng 6, giám đốc dịch vụ y tế bệnh viện St John - ông Lewin cho biết nguồn cung cấp thuốc đang dần cải thiện một chút nhưng vẫn chưa nói trước được điều gì. Vào thời điểm đó, em gái Srinivas cho biết anh trai mình đã không được phát thuốc amphotericin B liposomal trong suốt ba ngày.

"Chúng tôi đã đi khắp Bangalore để tìm thuốc tiêm, nhưng ngay cả các bệnh viện tư nhân cũng phải xin thuốc từ bệnh viện công. Không ở đâu có", Shyamala nói.

Loại thuốc điều trị nấm kể trên có giá khá đắt đỏ, với khoảng 95 USD/liều và không có sẵn bên ngoài các bệnh viện. Các bác sĩ nói rằng cần ba liều mỗi ngày trong ít nhất 28 ngày, nghĩa là chi phí điều trị có thể lên tới 8.000 USD - ngoài khả năng chi trả của nhiều người dân nghèo ở Ấn Độ.

Mandaviya, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ cho biết kể từ khi ghi nhận các ca nhiễm nấm đen hồi cuối tháng 5, nước này đã sản xuất khoảng 150.000 lọ amphotericin B, đồng thời nhập khẩu 1,3 triệu lọ thuốc. "Tôi thừa nhận rằng có thể một số người vẫn không nhận được thuốc, nhưng chính phủ đã làm tất cả những gì có thể", ông Mandaviya nói.

Nguyên nhân nào gây ra nấm đen?

Theo các bác sĩ, có một số yếu tố đằng sau sự gia tăng của các bệnh nhân bị nhiễm nấm đen sau làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ, trong đó bao gồm các loại thuốc được sử dụng để điều trị COVID-19.

Các quan chức y tế cấp cao thuộc lực lượng chuyên trách COVID-19 của Ấn Độ và Viện Khoa học Y tế Ấn Độ cho biết, việc lạm dụng steroid để điều trị COVID-19 đã ức chế hệ thống miễn dịch của bệnh nhân và khiến họ dễ bị nấm đen hơn.

Trong điều trị COVID-19 ở Ấn Độ, steroid có thể được sử dụng trong các trường hợp nhiễm COVID-19 vừa và nặng, mặc dù các hướng dẫn mới nhất được ban hành vào tháng 5 khuyến cáo "sử dụng hợp lý" để ngăn ngừa và kiểm soát các di chứng như nấm đen.

Một số bác sĩ cũng nghi ngờ tình trạng thiếu oxy y tế có thể đóng vai trò nào đó, khi cho rằng mức oxy thấp kéo dài có thể khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn.

Nhiều bác sĩ khác lại cho rằng có thể có mối liên hệ giữa sự gia tăng các ca nhiễm nấm đen và biến thể Delta, biến thể virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được chính xác khả năng này.

Làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ đã qua đi, nhưng đã xuất hiện những lo ngại về làn sóng thứ ba và điều này có thể kéo sự bùng phát nấm đen ở Ấn Độ. Căn bệnh này không lây từ người sang người, nhưng COVID-19 rõ ràng là môi trường thích hợp để chúng lây lan.

Cho đến nay, không có quốc gia nào khác báo cáo số ca mắc nấm đen tăng mạnh - ngay cả khi biến thể Delta lan rộng trên toàn thế giới. Tới giữa tháng 6, biến thể Delta chiếm 99% các ca nhiễm COVID-19 ở Anh nhưng không có ca nhiễm nấm đen nào được ghi nhận.

Cao Trung (Theo CNN)
.
.
.