Nhật Bản phản đối mọi hành vi gây căng thẳng ở Biển Đông

Thứ Năm, 27/08/2020, 19:35
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhấn mạnh Nhật Bản đang theo dõi các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông "với sự quan ngại".

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: StraitsTimes

"Các vấn đề ở Biển Đông có liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định của khu vực, và là một vấn đề quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản", Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 17/8 phát biểu, theo Mainichi.

"Nhật Bản phản đối mạnh mẽ mọi hành động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông", ông Yoshihide Suga nhấn mạnh thêm. Theo lời quan chức Nhật Bản, những hành động của Trung Quốc gần đây tại khu vực Biển Đông đang tập trung chú ý của dư luận và đáng lo ngại.

Phát biểu được ông Suga đưa ra sau khi tờ SCMP dẫn lời một quan chức quân sự Trung Quốc cho hay Trung Quốc đã phóng hai tên lửa dẫn đường, trong đó có một "sát thủ diệt tàu sân bay" trên Biển Đông vào sáng 26/8.

Trước đó, hôm 7/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cảnh báo Trung Quốc sẽ hứng những phản ứng nghiêm khắc từ cộng đồng quốc tế nếu cố gắng thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.

Ông Kono nêu rõ, việc Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây dựng các thực thể trái phép ở Biển Đông không giúp thúc đẩy hoặc duy trì trật tự quốc tế; còn việc Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ, máy bay ném bom và vũ khí tới các đảo kiểm soát phi pháp ở Biển Đông chỉ gây thêm bất ổn. 

"Hành động đó đang gây mất ổn định", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh. "Một trật tự hàng hải tự do và rộng mở ở Biển Đông cũng quan trọng giống như ở bất kỳ nơi nào khác, và những gì diễn ra tại đó... khiến cộng đồng quốc tế quan ngại".

Ngày 26/8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự tại vùng biển Bắc Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

"Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".


Thiện Minh
.
.
.