Người Iran đổ xuống đường phố biểu tình phản đối tăng giá xăng
- Mỹ kêu gọi đồng minh vùng Vịnh hòa giải để đối phó với Iran
- Iran phát hiện mỏ dầu có trữ lượng lên tới 53 tỷ thùng
- Iran tuyên bố tìm thấy mỏ dầu "khủng" nhất nhì thế giới
"Biểu tình khác với bạo loạn. Chúng ta không cho phép xảy ra mất an ninh xã hội", Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 17-11 phát biểu trong cuộc họp nội các ở Tehran, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối tăng giá xăng lan rộng, theo Reuters.
Người biểu tình tràn xuống đường, đốt phá ở thủ đô Tehran ngày 16-11. Ảnh: Getty Images |
Ông Rouhani cũng bảo vệ việc tăng giá xăng, cho rằng điều này sẽ giúp tăng ngân sách dành cho phúc lợi xã hội. "Mục đích của chính phủ là nhằm giúp các gia đình thu nhập thấp và trung bình đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận kinh tế", Tổng thống Iran nói.
Các cuộc biểu tình nổ ra từ ngày 15-11 khi Iran tăng giá xăng từ 10.000 rial (0,25 USD) lên 15.000 rial (0,35 USD) một lít và áp định mức mỗi xe cá nhân chỉ được mua 60 lít xăng một tháng với giá này. Số xăng vượt định mức sẽ được bán với giá 30.000 rial/lít.
So với các nước trong khu vực Trung Đông, giá trên là khá thấp. Chính phủ Iran từ lâu áp dụng chính sách thẻ nhiên liệu đối với xe hơi để ngăn nạn buôn lậu xăng ra nước ngoài, song mỗi ngày vẫn thiệt hại hàng triệu USD vì vấn nạn này. Biện pháp mới công bố dự kiến tiết kiệm cho Iran 2,55 tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, người biểu tình cho rằng việc tăng giá xăng trong bối cảnh kinh tế bị Mỹ bao vây cấm vận khiến cuộc sống của người dân khó khăn hơn. Tại thành phố Sirjan, một số người biểu tình đã tấn công một kho nhiên liệu và tìm cách đốt cháy nó song bị cảnh sát ngăn chặn kịp thời, theo thông tấn IRNA.
Một video được đăng trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình tại Ahvaz thuộc vùng Khuzestan thì tràn xuống các tuyến đường kêu gọi cánh tài xế dừng xe để phong tỏa giao thông nhằm phản đối quyết định tăng giá xăng.
Ngành dầu khí Iran hiện đối mặt với nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt sau khi nước này rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA). Mỹ muốn gây áp lực tối đa buộc Tehran viết lại một thỏa thuận mới có lợi hơn cho Washington, bất chấp sự phản đối của các bên còn lại của JCPOA.