Nga không chạy đua vũ trang với Mỹ và NATO
- Mỹ - Trung Quốc: Chạy đua vũ trang tên lửa
- Nga - Trung phản đối cuộc chạy đua vũ trang không gian của Mỹ
- Cảnh báo của Tổng thống Putin về chạy đua vũ trang
Ông nêu rõ, cuộc chạy đua vũ trang Xô-Mỹ thời Chiến tranh Lạnh là một trong những nguyên nhân khiến Liên bang Xô viết sụp đổ và là bài học đắt giá cho nước Nga.
Nhấn mạnh tính nguy hiểm của việc Mỹ mới đây đã bố trí hệ thống phòng lửa ở châu Âu, Tổng thống Putin cho rằng, đó là những hành động phá hoại hòa bình trong khu vực, gây chao đảo hệ thống an ninh quốc tế và khơi dậy một cuộc chạy đua vũ trang mới như thời Chiến tranh Lạnh.
Ông chủ Điện Kremlin khẳng định, Nga sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang vô bổ này, song sẽ hành động một cách cẩn trọng, điều chỉnh các kế hoạch hiện đại hóa quân đội để vô hiệu hóa những mối đe dọa đối với an ninh Nga, đảm bảo giữ vững chủ quyền và an ninh đất nước, gìn giữ sự cân bằng lực lượng chiến lược và không cho phát sinh xung đột quân sự quy mô lớn.
Tổng thống Nga cho rằng, kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các thành phần của hệ thống “lá chắn tên lửa” ở các nước Đông Âu, sát biên giới Nga, là nhằm đe dọa trực tiếp nước Nga: “Đây không phải là một hệ thống phòng vệ. Nó là một phần tiềm năng chiến lược hạt nhân của Mỹ ở ngoại biên. Trong trường hợp này, Đông Âu là một khu vực ngoại biên. Những người đưa ra quyết định như thế này cần phải biết rằng cho đến bây giờ thì họ đã sống trong yên ổn, và an toàn. Hiện tại những yếu tố như phòng thủ tên lửa đạn đạo đã được triển khai, thì chúng tôi buộc phải nghĩ cách vô hiệu hóa các mối đe dọa trỗi dậy đối với Liên bang Nga”.
Hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Romania. Ảnh: EPA. |
Người đứng đầu Điện Kremlin nói thêm: “Mỹ trước đó đã triển khai các tàu chiến mang tên lửa Aegis tại Địa Trung Hải và hệ thống phòng thủ ở Ba Lan. Do đó, kế hoạch của Washington tại căn cứ quân sự ở Romania đã phá hủy các quy định an ninh của quốc tế và kích hoạt cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Nga sẽ không bị cuốn vào cuộc đua này nhưng Moskva sẽ tái vũ trang quân đội và tăng cường ngân sách quốc phòng để duy trì thế cân bằng chiến lược với Mỹ”.
Tuyên bố trên được Tổng thống Nga đưa ra một ngày sau khi Mỹ chính thức kích hoạt “lá chắn tên lửa” đặt tại một căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania. Dự kiến, Mỹ cũng sẽ bắt đầu triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan và cơ sở này sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống ra-đa và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.
Trong khi đó, phát biểu cùng ngày tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Các quốc gia Bắc Âu được tổ chức ở Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ lo ngại về “sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Nga ở khu vực Bắc Âu”.
Ông chủ Nhà Trắng khẳng định: “Chúng tôi sẽ duy trì các cuộc đối thoại và tìm kiếm sự hợp tác với Nga. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn chắc chắn là mình đã được chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra. Chúng tôi cũng khuyến khích Nga kiềm chế các hoạt động quân sự của mình trong khuôn khổ các nghĩa vụ quốc tế”.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work thì khẳng định lá chắn tên lửa mới không được sử dụng để chống lại bất kỳ mối đe dọa tên lửa nào từ phía Nga trong tương lai. Trong khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Frank Rose cảnh báo các tên lửa đạn đạo của Iran hiện có đủ khả năng tấn công vào một số nước tại châu Âu, trong đó có Romania.
Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây trên tạp chí National Interest, chuyên gia quân sự Mỹ Dave Majundar khen ngợi Tổng thống Putin đã thành công trong việc cải tổ sâu rộng quân đội Nga và khôi phục được sức mạnh quân sự sau sự đổ vỡ thời hậu Xô-viết.
Theo đánh giá của ông Majundar, chiến dịch của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga ở Syria cho thấy sức mạnh thật sự của lực lượng vũ trang Nga là một đội quân tinh nhuệ và hiện đại.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, các phương tiện chiến tranh như máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu mặt nước, xe tăng, thiết giáp, trang bị tác chiến điện tử, tên lửa hành trình tầm xa của Nga giờ đã không hề kém của Mỹ, thậm chí có loại đã vượt lên, khiến cả Mỹ và NATO phải “ngưỡng mộ”.
Bên cạnh đó, người Nga hiện đã có thể nắm bắt chiến trường bằng nhiều phương tiện trinh sát tầm xa, giải quyết chiến trường từ cách xa hàng chục nghìn km, tấn công bất cứ nơi đâu bằng nhiều loại vũ khí thông thường, mà không cần dùng đến các loại vũ khí hạt nhân.
Do đó, mặc dù ngân sách đầu tư, quy mô lực lượng và tốc độ phát triển không bằng quân đội Trung Quốc nhưng các chuyên gia quân sự Mỹ-NATO luôn coi quân đội Nga là đối thủ tác chiến đáng gờm nhất, đe dọa đến địa vị bá chủ của quân đội Mỹ.