Năm thách thức tại Hội nghị thượng đỉnh EU

Thứ Bảy, 21/10/2017, 08:29
Trong 2 ngày 19 và 20 tháng 10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ để tập trung thảo luận các chủ đề cấp bách nhất hiện nay. 


Quân bài tự trị ở Catalonia

Theo ghi nhận của tờ Independent của Anh, dù không nằm trong chương trình nghị sự nhưng vấn đề được quan tâm hàng đầu trong hội nghị thượng đỉnh lần này lại là cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha với việc vùng Catalonia đòi độc lập. Quan điểm của các nhà lãnh đạo EU là chính quyền Madrid và chính quyền Catalonia nên giải quyết mọi mâu thuẫn thông qua đàm phán.

Hãng tin Reuters cho biết, Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha đã phát đi thông báo rằng vào ngày 21-10, chính phủ nước này sẽ kích hoạt điều 155 của Hiến pháp, cho phép Madrid dừng quyền tự trị về mặt chính trị của vùng Catalonia. Và điều này dễ gây ra một loạt hành động phản kháng của người dân Catalonia như lời cảnh báo của Thủ tướng Bỉ Charles Michel.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (từ trái sang phải) tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussel, Bỉ.Ảnh: EPA 

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Nghị viện châu Âu đều khẳng định sự ủng hộ cho các giải pháp dựa trên Hiến pháp Tây Ban Nha; nhấn mạnh "một thông điệp về sự thống nhất đối với Tây Ban Nha và nếu Catalonia tuyên bố độc lập, không một nước nào trong EU được thừa nhận họ như một nhà nước có chủ quyền.

Đàm phán Brexit

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU lần này, Thủ tướng Anh Theresa May mong muốn đạt được một thỏa thuận về quyền công dân trong vấn đề Brexit. Vì thế, chính quyền London tiếp tục đưa ra một nhượng bộ mới đối với EU trong vấn đề này rằng, 3 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh sẽ có khung thời gian nhất định để lo việc đưa gia đình sang Anh đoàn tụ với mình sau Brexit.

Đồng thời, Anh cũng sẵn sàng chi trả "hóa đơn ly dị" EU trị giá hơn 20 tỷ Euro. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EU) Donald Tusk lại cho rằng không nên có bất kỳ đột phá nào về vấn đề Brexit trước khi hai bên hoàn thành giai đoạn đàm phán đầu tiên vào  tháng 12. Đến nay, 5 vòng đàm phán Brexit đã trôi qua mà không đạt được tiến bộ nào đáng kể.

Vấn đề hạt nhân Iran và bán đảo Triều Tiên

Hôm 19-10, các nhà lãnh đạo EU đã có tiếng nói thống nhất trong việc tái khẳng định cam kết đầy đủ của khối với việc thực thi thỏa thuận hạt nhân được Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) ký kết năm 2015. Đồng thời, EU cũng bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân này bất chấp tuyên bố từ chối của Tổng thống Donald Trump.

Các nhà phân tích cho rằng, EU đã rất khó khăn khi đưa ra được quyết định này và nó đã khoét sâu thêm những bất đồng giữa khối với Mỹ. Bên cạnh đó, EU còn vấp phải vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên với sự gia tăng thử nghiệm và phóng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân ở nước này.

Các quốc gia thành viên EU đã nhất trí ủng hộ các biện pháp mới và mạnh hơn nhằm trừng phạt CHDCND Triều Tiên mà Liên hợp quốc đưa ra. Hôm 10-10, EU cũng đã mở rộng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng bằng việc cấm nhập khẩu các mặt hàng dệt may và hạn chế bán dầu thô cho nước này.

Thời gian tới, EU dự định sẽ bổ sung các cá nhân và thực thể của CHDCND Triều Tiên vào danh sách đen, phong tỏa tài sản của họ trong EU và cấm nhập cảnh vào khu vực. 

Cấu trúc hợp tác quốc phòng, an ninh

Một thời lượng không nhỏ trong Hội nghị thượng đỉnh EU đã được dành để bàn thảo cách làm thế nào để sử dụng hết tiềm năng của các hiệp ước nhằm tăng cường hợp tác trong quốc phòng. Có 3 kịch bản hợp tác được đưa ra và các nhà lãnh đạo EU đã "bật đèn xanh" cho nỗ lực khởi động hoạt động thảo luận về Cấu trúc hợp tác thường trực (PESCO) trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini thì cho rằng, EU đã xác định hợp tác quốc phòng là lĩnh vực then chốt để khôi phục sau khi Anh quyết định rời khỏi khối. Bất kể tình hình chính trị ra sao thì hợp tác này phải ngày càng phát triển, thúc đẩy Chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng châu Âu (EDIDP) và khuyến khích sử dụng quỹ quốc phòng châu Âu.

Nhập cư và khủng bố

Đặc biệt, dù làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu hiện đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Hội đồng châu Âu vẫn yêu cầu thực hiện cải tổ về chính sách tị nạn chung châu Âu; đánh giá lại những biện pháp được triển khai nhằm kiểm soát làn sóng nhập cư trên tất cả các nhà vào châu Âu và có các biện pháp bổ sung cần thiết để hỗ trợ các nước thành viên ở những vị trí cửa ngõ ra vào châu Âu.

Lo ngại những hệ lụy từ việc di cư bất hợp pháp tới vấn đề an ninh, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ chi gần 120 triệu Euro nhằm trợ giúp các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ không gian công cộng tại các thành phố. Các biện pháp này bao gồm cải thiện hàng rào an ninh tại các điểm đông đúc, hướng dẫn thiết kế nhằm bảo vệ các không gian công cộng, trao đổi dữ liệu an ninh, chống khủng bố giữa các nước..

Gia Nam
.
.
.