Mỹ trừng phạt hai quan chức Toà án Hình sự Quốc tế
- Quốc tế phản đối quyết định trừng phạt của Mỹ đối với ICC
- ICC điều tra tội ác chiến tranh của Israel
Ông Pompeo cũng cho biết Giám đốc Cục Xét xử, Hỗ trợ và Hợp tác ICC Phakiso Mochochoko cũng đã bị đưa vào danh sách cấm vận vì "hỗ trợ công tố viên Bensouda", theo sắc lệnh trừng phạt được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi tháng 6 cho phép trừng phạt những cá nhân "trực tiếp tham gia mọi nỗ lực của ICC để điều tra, bắt, giam giữ hoặc truy tố quan chức Mỹ và đồng minh mà không có sự đồng ý của Mỹ hoặc quốc gia đó".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong cuộc họp báo hôm 2/9. (Ảnh: Reuters) |
"Hôm nay chúng tôi thực hiện bước tiếp theo, vì ICC tiếp tục nhắm mục tiêu vào công dân Mỹ, thật đáng buồn”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên hôm 2/9, đồng thời cảnh báo rằng những người hỗ trợ Bensouda và Mochochoko cũng sẽ có nguy cơ bị trừng phạt, bao gồm việc hạn chế visa nhập cảnh vào Mỹ.
Phản ứng trước tuyên bố trên của Mỹ, ICC cho biết đây là một cuộc tấn công vào công lý quốc tế và pháp quyền. “Biện pháp trừng phạt này là chưa từng có và tạo thành cuộc tấn công nghiêm trọng chống lại tòa án, Quy chế Rome về tư pháp hình sự quốc tế và pháp quyền nói chung”, ICC cho biết.
ICC hồi tháng 3 năm nay đã ra lệnh điều tra cáo buộc tội ác chiến tranh của các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Afghanistan, cũng như cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người của phiến quân Taliban. Công tố viên Fatou Bensouda cũng tiến hành thúc đẩy điều tra khả năng Israel phạm tội ác chiến tranh chống lại người Palestine, động thái mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington "quan ngại sâu sắc".
Công tố viên ICC Fatou Bensouda. (Ảnh: AP) |
Nhà chức trách Mỹ đã hủy visa nhập cảnh với Công tố viên Fatou Bensouda vào tháng 4/2019 sau khi bà mở cuộc điều tra về cáo buộc lính Mỹ phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan. Tuy nhiên, theo thoả thuận giữa Liên hợp quốc và Washington, bà Bensouda vẫn có thể tới New York để trình bày với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các vụ việc mà được đệ trình lên Tòa án Hình sự Quốc tế tại The Hague (Hà Lan).
ICC ra đời năm 2002 theo một hiệp ước của Liên Hợp Quốc và được 123 nước phê chuẩn. Mỹ là nước chỉ trích ICC từ khi tổ chức này được thành lập và là một trong hơn 10 nước không tham gia tổ chức này.
ICC điều tra các nghi phạm để mang lại công lý cho những người phải chịu nạn diệt chủng, các tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh, khi chính quyền các nước không thể hoặc không thực hiện việc truy tố.