Mỹ sẽ ngưng hỗ trợ Arab Saudi trong cuộc chiến tại Yemen

Thứ Sáu, 05/02/2021, 09:16
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chấm dứt hỗ trợ của Mỹ đối với các hoạt động tấn công quân sự do Arab Saudi dẫn đầu ở Yemen. Việc này cho thấy chính quyền mới đang lên kế hoạch về vai trò tích cực hơn của Mỹ trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến tại Yemen.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh Reuters. 

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Bộ Ngoại giao với tư cách là tổng thống ngày 4/2, ông Biden nhấn mạnh, “Chiến tranh (cuộc nội chiến tại Yemen) đã gây ra một thảm họa chiến lược và nhân đạo” và “cuộc chiến này phải kết thúc”.

Đồng thời, ông Biden bày tỏ sẽ “tiếp tục hỗ trợ Arab Saudi bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” trong bối cảnh “Arab Saudi phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái và các mối đe dọa khác từ các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở nhiều quốc gia”.

Theo hãng thông tấn nhà nước của nước này, Arab Saudi hoan nghênh tuyên bố của ông Biden, đặc biệt là cam kết của ông trong bảo vệ và giải quyết các mối đe dọa chống lại nước này.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết việc chấm dứt hỗ trợ của Mỹ cho cuộc tấn công sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ hoạt động chống khủng bố nào của Mỹ ở Bán đảo Arab.

Ngoài ra, ông Biden mới đây cũng thông báo đã chọn ông Timothy Lenderking làm đặc phái viên tại Yemen. Ông Lenderking có nhiều kinh nghiệm trong vẫn đề Yemen và vùng Vịnh. Ông từng là phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề vùng Vịnh và phục vụ trong Đại sứ quán Mỹ ở Riyadh.

Sự đảo ngược chính sách về vấn đề Yemen là một trong một loạt các thay đổi mà ông Biden đưa ra trong ngày 4/2 mà ông cho rằng sẽ là một phần của quá trình điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ.

Động thái này là lời đáp cho cam kết tranh cử của tân Tổng thống Mỹ. Nhưng nó cũng cho thấy ông Biden đang chú ý đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn mà Mỹ đã góp phần làm trầm trọng thêm. Việc đảo ngược chính sách cũng được đưa ra như một lời quở trách đối với Arab Saudi, một gã khổng lồ dầu mỏ toàn cầu và là đối tác chiến lược của Mỹ.

Cuộc nội chiến ở Yemen, bắt đầu năm 2014, đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Một liên minh do Arab Saudi dẫn đầu đã can thiệp vào tháng 3/2015 theo phe chính phủ được quốc tế công nhận và được sự ủng hộ của chính quyền Trump, chống lại quân nổi dậy Houthi được Iran hậu thuẫn. Cuộc chiến dần dần được coi là một cuộc xung đột ủy nhiệm giữa Mỹ và Iran.

Tuy vậy, số người chết ngày càng tăng và thảm họa nhân đạo ngày càng tồi tệ. Liên Hợp Quốc ước tính rằng 80% trong số 24 triệu người Yemen đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.