Mỹ-Triều chính thức nối lại đàm phán hạt nhân sau nhiều đồn đoán
- Tín hiệu lạc quan về hoà bình cho Bán đảo Triều Tiên
- Nối lại đàm phán Mỹ - Triều Tiên: Bước đi chiến lược hướng đến một thỏa thuận “thức thời”
- Triều Tiên sẵn sàng "nhường" Mỹ quyết định tương lai đàm phán
Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa đại diện hai nước kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 kết thúc hồi cuối tháng 2 vừa qua mà không đạt được thỏa thuận nào, do những khác biệt quá lớn về cách thức phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Theo Yonhap, trong ngày 5-10, Đặc phái viên của Mỹ tại Triều Tiên Stephen Biegun đã có cuộc gặp với người đồng cấp Kim Myong-gil, cựu Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam. Cuộc gặp diễn ra tại Elfvik Stand, một trung tâm hội nghị nằm ở Lidingo, phía đông bắc thành phố Stockholm.
Hình ảnh phái đoàn Triều Tiên xuất hiện tại Thụy Điển. Ảnh: Getty |
Dự kiến, nội dung đàm phán sẽ nhằm tìm ra các giải pháp thúc đẩy tiến độ thực thi các thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thống nhất tại kỳ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore năm ngoái.
Thỏa thuận bao gồm một loạt các cam kết giữa hai nhà lãnh đạo nhằm xây dựng các mối quan hệ song phương mới, nỗ lực chung để xây dựng một chế độ hòa bình ổn định và lâu dài và hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, phó trưởng đoàn của hai nước cũng đã gặp nhau ở ngoại ô Stockholm để thống nhất lịch trình và nội dung của buổi đàm phán đầu tiên này, với đánh giá rằng cuộc gặp đã diễn ra "thân thiện và mang tính xây dựng".
Mặc dù vậy, Yonhap nhận định, vẫn còn có những hoài nghi tồn tại trong bầu không khí của các cuộc đàm phán, do sự xa cách về quan điểm trong tiến trình phi hạt nhân hóa, cũng như phương thức giải giáp vũ khí và những ưu đãi mà Triều Tiên nhận lại.
Song, những tiến triển trong nỗ lực đàm phán mới này có thể sẽ mở đường cho một kỳ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3, từng được đồn đoán sẽ diễn ra vào cuối năm 2019. Trước thềm đàm phán, đại diện phía Mỹ và Triều Tiên cũng đều bày tỏ sự lạc quan thận trọng về việc đối thoại.
Theo một số nguồn tin từ giới chức Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump đang có ý định đề xuất với phía Triều Tiên về việc dỡ bỏ cơ sở hạt nhân chính Yongbyon và ngừng làm giàu Ukraine, đổi lại Mỹ sẽ yêu cầu Liên Hợp Quốc đình chỉ các lệnh trừng phạt đối với các ngành dệt may và than đá của Triều Tiên trong vòng 3 năm.