Lệnh trừng phạt Mỹ cản trở tham vọng truất ngôi đồng USD từ Trung Quốc
- Cuộc tranh cãi tỷ giá đồng Nhân dân tệ
- Đồng nhân dân tệ chính thức vào giỏ tiền tệ quốc tế
- Đằng sau động thái hạ giá đồng nhân dân tệ
- Cú sốc nhân dân tệ
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định rằng các mối đe dọa từ Mỹ như tiếp tục thúc ép Bắc Kinh thực hiện mục tiêu là cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng USD thông qua thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/7 đã ký một sắc lệnh hành pháp chấm dứt tình trạng đặc biệt của Hong Kong, để đáp trả việc Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia đối với thành phố này, đánh dấu một bước tiến tới áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các quan chức và ngân hàng Trung Quốc có liên quan.
Động thái này cũng khiến tương lai của Hong Kong với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu trở nên không chắc chắn và ảnh hưởng lớn đến kế hoạch quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Hong Kong là đầu cầu cho đồng nhân dân tệ tiếp cận với các thị trường toàn cầu khi nó chiếm hơn 70% trong các giao dịch ngoài nước của đồng tiền này.
Ảnh minh họa Reuters. |
Matt Gertken, một chiến lược gia địa chính trị tại BCA Research, một công ty nghiên cứu vĩ mô, cho biết cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ đang gây ra sự hoài nghi về giá trị của đồng nhân dân tệ và “tính sẵn sàng” của đồng tiền này trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền của Trung Quốc .
“Những thách thức địa chính trị trực tiếp từ Mỹ sẽ khiến các nhà đầu tư cảnh giác với việc tăng mức độ tiếp xúc với đồng nhân dân tệ một cách nhanh chóng. Washington đang chuyển nhiều sự chú ý hơn đến việc kiềm chế sự nổi dậy về tài chính của Trung Quốc cũng như sự phát triển công nghệ của nước này”, chuyên gia Gertken cho biết.
Nếu Mỹ muốn củng cố mối liên kết thương mại sâu sắc hơn với các nền kinh tế khác, các nước này có thể sẽ không được tham gia với Trung Quốc trong việc tạo ra một kiến trúc toàn cầu có thể vượt mặt đồng USD.
Trung Quốc đã tìm cách “truất ngôi” đồng USD với tư cách là đồng tiền giao dịch quốc tế, một nỗ lực được tăng cường đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bắc Kinh đã tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư xuyên biên giới, xây dựng hệ thống thanh toán nhân dân tệ xuyên biên giới, ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với gần 40 ngân hàng trung ương trên toàn thế giới và thúc đẩy ý tưởng về một loại tiền tệ có chủ quyền dựa trên về quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - một đơn vị kế toán được phát triển và đưa ra bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Hong Kong, thành phố dùng một loại tiền tệ khác với đại lục, là nơi đầu tiên được nhắm đến cho kế hoạch của Bắc Kinh. Các nhà bán lẻ và trao đổi tiền ở Hong Kong phục vụ khách du lịch đại lục bắt đầu chấp nhận đồng nhân dân tệ trước những nơi khác và cơ chế Stock Connect, cho phép người nước ngoài đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu đại lục thông qua Hong Kong, cũng cung cấp các kênh đầu tư cho đồng nhân dân tệ ra nước ngoài.
Tuy vậy, những trở ngại chính cho việc quốc tế hóa nhân dân tệ vẫn còn. Đồng tiền Trung Quốc vẫn không thể tự do chuyển đổi sang các loại tiền khác, không giống như đồng dollar Hong Kong, ngay cả sau khi nhận được trạng thái tiền tệ quốc tế trên danh nghĩa vào năm 2016 thông qua việc đưa vào nhóm SDR cùng với đồng USD, euro, bảng Anh và đồng bảng yên của Nhật.
Jia Kang, một nhà nghiên cứu từng làm việc tại Bộ Tài chính Trung Quốc, cho biết hồi đầu tháng này rằng đây chưa phải là lúc Trung Quốc “phá bỏ bức tường lửa” kiểm soát vốn của mình, vì nước này vẫn cần một khoản vốn nhất định để bảo vệ hệ thống tài chính trong nước khỏi những cú sốc bên ngoài.
“Sau cuộc chiến thương mại (với Mỹ), xuất hiện những điều kiện khó khăn hơn đáng kể đối với công dân Trung Quốc trong chuyển đổi ngoại hối. Vấn đề không phải là tăng tốc việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, mà trọng tâm là làm thế nào để giữ vững vị trí hiện tại”, chuyên gia Jia cho biết.
Tommy Wu, một nhà kinh tế tại Oxford, cho biết Trung Quốc vẫn muốn thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ vượt ra ngoài biên giới, đặc biệt là giữa các quốc gia vành đai và được kết nối bởi hệ thống đường bộ. Dù thế, nhu cầu sử dụng đồng nhân dân tệ có thể suy yếu trong thời kỳ Mỹ-Trung đấu đá.
“Nếu việc sử dụng đồng nhân dân tệ sẽ giảm đi, đó có thể là do cuộc chiến Mỹ-Trung, khiến các nước khác phải ‘rời xa’ Trung Quốc. Nếu điều này trở thành một vấn đề nghiêm trọng, việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sẽ không thể tiến triển”, ông Wu cho biết.
Tuy nhiên, việc Bắc Kinh mong muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD vẫn rất rõ ràng và ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về vấn đề làm cách nào để tăng cường sử dụng nhân dân tệ như một đồng tiền thay thế.
Thách thức vai trò chi phối của đồng USD trong hệ thống tiền tệ toàn cầu vẫn là một cuộc chiến khó khăn khi đồng tiền mạnh nhất thế giới được hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế, quân sự và thể chế của Mỹ; được củng cố bởi sự lựa chọn của các ngân hàng, thương nhân và nhà đầu tư trên toàn thế giới.