Kế hoạch trở lại chính trường của cựu Tổng thống Barack Obama

Chủ Nhật, 21/01/2018, 09:02
Một năm sau khi rời Nhà Trắng, uy tín của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày càng gia tăng. Điều này khiến ông đang lên một kế hoạch mới cho việc trở lại chính trường nước Mỹ.

Hãng tin Washington Times ngày 19-1 cho biết, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố trở lại chính trường trong năm 2018. Động thái này được dự đoán nhằm chuẩn bị cho quá trình bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. 

Và để chuẩn bị cho việc này, trong suốt 1 năm qua, cựu Tổng thống đã rất tích cực xuất hiện trong các cuộc mít tinh, gặp mặt và các hội nghị trong nước cũng như quốc tế. 

Gần đây nhất là vào tháng 11 năm ngoái, ông Barack Obama và phu nhân Michelle Obama đã chủ trì hội nghị bàn về vai trò lãnh đạo của giới trẻ, trong đó tập trung vào các vấn đề xã hội. Sự kiện này có sự tham gia của 500 người đến từ 60 quốc gia, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn trên thế giới như Hoàng tử Anh Harry, cựu Thủ tướng Italia Matteo Renzi, nữ ca sĩ Gloria Estefan, nhạc sĩ Lin-Manuel Miranda… 

Văn phòng của cựu Tổng thống trên phố West End của Washington, cách Nhà Trắng khoảng 1 dặm, lâu nay cũng đã trở thành điểm đến của các đảng viên Dân chủ muốn tìm kiếm lời khuyên hoặc sự tư vấn.

Chưa hết, ông Barack Obama cũng đã tham gia hội cựu sinh viên với 15.000 thành viên và chính thức hỗ trợ cho 40 chính trị gia tham gia cuộc bầu cử giữa kỳ. 

Tờ Politico nhận định, cựu Tổng thống nhận thức được sự cộng hưởng liên tục giữa những người hâm mộ của mình và biết cách nâng sự tự hào của họ bằng những lời giới thiệu và các bức ảnh minh chứng được đăng tải ở tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Twitter. Đó là những bức ảnh vui đùa cùng các em nhỏ hay tweet táo bạo về Martin Luthr King Jr…

Cựu Tổng thống Barack Obama được cho là đã có bước chuẩn bị kỹ cho việc trở lại chính trường Mỹ.

“Ông ấy cùng các trợ lý tìm kiếm sự ủng hộ rất tự nhiên và lôi kéo mọi người tham gia cùng với mình để từ đó có được sự ủng hộ tuyệt đối”, tờ Politico viết.

Theo bình luận của một số tờ báo khác của Mỹ thì có lẽ, điểm dừng khả năng nhất của ông Barack Obama là cuộc đua vào vị trí Thống đốc hoặc Thượng viện. "Một khi ông ấy cân nhắc, ông sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các cuộc mít tinh như ông đã làm cho Ralph Northam trong cuộc đua Thống đốc bang Virginia hoặc việc ông thực hiện giúp Doug Jones ghi điểm trong cuộc đua Thượng viện của Alabama".

Tom Perez, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC) nói: “Barack Obama sẽ bước ra ngoài vì các ứng viên đảng Dân chủ. Ông ấy giúp đỡ chúng tôi một cách có ý nghĩa chứ không chỉ trong việc gây quỹ. Người đàn ông này từng là Thượng nghị sĩ bang và từng là Tổng thống Mỹ trong 2 nhiệm kỳ. Ông ấy biết rõ về thắng cử và xây dựng hình ảnh”.

Trên thực tế, từ sau khi kết thúc nhiệm kỳ, uy tín của cựu Tổng thống Mỹ vẫn ở mức cao với tỷ lệ ủng hộ hiện là hơn 60%. Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 9 năm ngoái cũng cho thấy có 52% cử tri mong muốn ông Barack Obama còn tại vị. 

Do đó, sự hiện diện của ông Barack Obama trong thời gian gần đây tại các chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử giữa kỳ đã gây áp lực cho đương kim Tổng thống nói riêng và các ứng viên đảng Cộng hòa nói chung. Giới quan sát cho rằng, trong một năm qua, ông Barack Obama đã rất khôn khéo trong việc tạo các bước đệm cho kế hoạch hành động của mình. Mỗi hành động đều góp phần tạo nên uy tín và sự nổi tiếng của riêng ông. 

Chẳng hạn, trước khi tuyên bố trở lại chính trường, ông đã chấp nhận ngồi vào vị trí bồi thẩm đoàn trong các vụ án dân sự và hình sự tại tòa án hạt Cook, bang Illinois. Với tấm bằng Luật Havard, từng giảng dạy tại Đại học Chicago và làm luật sư dân sự, cựu Tổng thống đã được trả 17,25 USD cho mỗi ngày làm việc. 

Hồi đầu tháng 3 năm ngoái, tức chỉ gần 2 tháng sau khi mãn nhiệm, ông Barack Obama đã ký một hợp đồng viết hồi ký trị giá tới 60 triệu USD và tham gia các buổi nói chuyện, thuyết giảng tại nhiều trường Đại học.

Chưa hết, trong thời đại công nghiệp 4.0, cựu Tổng thống cũng rất biết tận dụng mạng xã hội và đã liên tục “gây bão” trên Twitter bởi các bài đăng của mình. 

Trong danh sách của Twitter năm 2017, ông Barack Obama đã có tới 3 bài được người sử dụng đăng lại nhiều nhất, đặc biệt trong số này có bài đăng đạt số lượng likes kỷ lục. Bài đăng của cựu Tổng thống về vấn đề phân biệt chủng tộc trong vụ bạo lực sắc tộc ở Charlottesville, bang Virginia hồi tháng 8 vừa qua nhận được số lượt likes nhiều nhất trên Twitter, đồng thời là bài đăng lại nhiều thứ 2 trong năm. 

Donna Brazile, cựu Chủ tịch DNC nói: “Cũng giống như ông ấy đã làm vào năm 2017, tôi hoàn toàn mong đợi cựu Tổng thống sẽ tiếp tục giúp chúng tôi làm sáng tỏ việc tái phân chia khu vực trong các cuộc đua chính trong năm nay. Sự giúp đỡ của ông là cần thiết. Ông ấy vẫn đang rất nổi tiếng". 

Hãng HuffPost thì khẳng định, cựu Tổng thống đã nhìn thấy xếp hạng của mình cải thiện trên một loạt các vấn đề vào thời điểm một cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 6 năm ngoái. Từ đó đến nay, ông lại tiếp tục được nhìn thấy việc đánh giá lại tích cực thêm về một số chủ đề như chính sách đối ngoại và nhập cư, luật chăm sóc sức khỏe…

Khánh Chi
.
.
.