Indonesia chạy đua với thời gian khắc phục hậu quả sóng thần

Thứ Ba, 25/12/2018, 07:48
Tính tới tối 24-12, số người thiệt mạng trong thảm họa sóng thần ở khu vực xung quanh eo biển Sunda của Indonesia đã tăng lên ít nhất 281 người, trong khi người bị thương cũng lên con số hơn 1.000 người. 


Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Quốc gia Indonesia (BNBP), ông Sutopo Purwo Nugroho nhận định số người thương vong trong thảm họa này sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn sống sót còn đang mắc bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của các ngôi nhà. 

Cơ quan này cũng cho hay số người mất tích tại các khu vực bờ biển ở phía Tây Java và phía Nam quần đảo Sumatra được cho là lên tới hàng chục người. Trong khi đó, Hiệp hội Y khoa Indonesia cho biết đang điều thêm y bác sỹ cùng thiết bị y tế tới hiện trường để hỗ trợ công tác cứu hộ, sơ cứu nạn nhân. Hiệp hội này cho biết đa số các bệnh nhân đều là du khách người Indonesia đang trong kỳ nghỉ cuối tuần. 

Một chiếc xe môtô nước bị hư hại sau khi sóng thần tấn công bãi biển Tanjung Lesung tại Banten, Indonesia ngày 23-12. Ảnh: Reuters

Các nhóm cứu hộ cũng chuẩn bị các phương án đối phó với nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại khu vực thiên tai. Giới chức cảnh báo người dân và du khách tại các vùng duyên hải quanh eo biển Sunda tránh đến gần các bãi biển và cảnh báo thủy triều cao vẫn được duy trì tới ngày 25-12.

Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cảnh báo một đợt sóng thần mới có thể tiếp tục tàn phá đất nước, đồng thời kêu gọi giới chức địa phương làm mọi thứ có thể để ngăn có thêm nạn nhân trong thảm họa. Tổng thống Widodo cho biết: “Như chúng ta chứng kiến, các vùng chịu thảm họa không phải lúc nào cũng đúng như dự báo (của Cơ quan Xử lý Thảm họa Quốc gia Indonesia). 

Đây là lý do vì sao các vùng ven biển chịu ảnh hưởng của trận sóng thần chưa sẵn sàng để ứng phó. Một đợt sóng thần mới có thể xảy ra, dân cư và các cơ quan liên quan của các vùng ven biển cần sẵn sàng đối phó. Chúng ta cần tránh để có thêm nạn nhân mới”. 

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Widodo chỉ trích Cơ quan Xử lý Thảm họa Quốc gia Indonesia vì đưa ra dự báo thiếu chính xác, dẫn tới hậu quả người dân sinh sống ở khu vực bị trận sóng thần tàn phá không được cảnh báo sớm về thảm họa này. Ông Widodo cam kết vào đầu năm 2019, tất cả các thành phần của hệ thống cảnh báo sóng thần sớm sẽ được kiểm tra và cải thiện. 

Trước đó, ngày 23-12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu tất cả các cơ quan hữu quan tại quốc gia này phản ứng khẩn cấp để ứng phó với thảm họa sóng thần quanh eo biển Sunda, nằm giữa đảo Sumatra và Java. Thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Indonesia yêu cầu các cơ quan thực hiện các bước cần thiết, khẩn trương tìm kiếm nạn nhân và chăm sóc người bị thương. 

Các nhân viên cứu hộ và cấp cứu cho biết việc tiếp cận các khu vực chịu ảnh hưởng hiện rất khó khăn bởi nhiều tuyến đường hiện đang bị tắc nghẽn vì các mảnh vỡ từ những ngôi nhà bị phá hủy, nhiều xe ôtô bị nước cuốn hay cây gãy đổ chắn ngang đường.

Nhiều nước đã lên tiếng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Indonesia nếu được yêu cầu. Ngày 24-12, lãnh đạo cơ quan không gian Roscosmos của Nga, ông Dmitry Rogozin cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ để chế tạo một hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cho Indonesia. 

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản cũng bày tỏ thiện chí sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho Indonesia, hai ngày sau vụ phun trào núi lửa gây ra đợt sóng thần lớn khiến hơn 1.000 người thương vong ở quốc gia Đông Nam Á này. Trong một thông điệp gửi tới người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong trận sóng thần này; đồng thời bày tỏ hy vọng những khu vực bị sóng thần tàn phá sẽ sớm được khôi phục. Trong thông điệp, Ngoại trưởng Kono nêu rõ: "Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng dành sự hỗ trợ tối đa cho Indonesia”.  

Trước đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 23-12 bày tỏ rằng thảm họa là “một cú sốc khủng khiếp” đối với người Indonesia sau trận động đất và sóng thần ở Sulawesi hồi tháng 9 năm nay; đồng thời cho biết Chính phủ nước này sẵn sàng hỗ trợ Indonesia nếu được yêu cầu. 

“Theo chúng tôi biết, tại thời điểm hiện tại thì chưa có người nước ngoài nào kể cả người Australia bị ảnh hưởng”, ông nói. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismail cho hay nước này cũng sẵn sàng hỗ trợ nước láng giềng giải quyết hậu quả sóng thần. 

“Tôi rất buồn khi nghe tin về thảm họa sóng thần ở Indonesia cướp đi nhiều mạng người. Tôi cầu nguyện cho người Indonesia kiên cường đối phó. Malaysia sẵn sàng hỗ trợ để giảm nhẹ gánh nặng cho những anh chị em của chúng tôi ở Indonesia”, bà Wan Azizah nói. 

Cùng ngày, Chính phủ New Zealand đã điều trực thăng Hercules chở hàng cứu trợ đến với các nạn nhân sóng thần ở Indonesia. Bên cạnh đó, New Zealand cũng cam kết hỗ trợ 1,5 triệu NZD (23,5 tỉ đồng) giúp cứu trợ khẩn cấp và tái thiết sau thảm họa.

Trong một diễn biến liên quan, trước câu hỏi tại sao hệ thống cảnh báo sớm động đất, sóng thần quốc gia không hoạt động, người đứng đầu Trung tâm Thông tin và dữ liệu của Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia (BNPB), ông Sutopo Purwo Nugroho, xác nhận hệ thống này đã không hoạt động vì một trong các thiết bị quan trọng của hệ thống này được gọi là phao bị hư hỏng, một số thiết bị khác đã bị mất cắp. 

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), ông Rachelmat Triyono, cho biết Indonesia chỉ có một hệ thống duy nhất để cảnh báo sớm động đất và sóng thần do hiện tượng động đất gây ra.

Trần Linh (tổng hợp)
.
.
.