Hơn 40 thành phố ở Mỹ giới nghiêm vì biểu tình bạo lực

Thứ Hai, 01/06/2020, 07:58
Cư dân thành phố Minneapolis đã biểu tình sau cái chết của George Floyd, các cuộc xuống đường biến thành bạo lực ở nhiều nơi khi xảy ra những cuộc đụng độ với cảnh sát, đốt phá phương tiện giao thông và cướp bóc các cửa hàng trên phố.
Ảnh minh họa Getty Images. 

Một chiếc xe đầu kéo đang đi trên đường cao tốc tại Minneapolis thì những người biểu tình kéo đến. Tài xế xe này cố tăng tốc thì bị chặn lại. Một số người biểu tình đã kéo tài xế ra khỏi xe trước khi cảnh sát đến hiện trường và sau đó bỏ chạy.

Trong khi đó, các binh sĩ lực lượng Vệ binh Quốc gia của bang Minnesota được trang bị vũ khí và mang theo đạn dược, sau khi FBI đưa ra một thông báo về “mối đe dọa gây chết người” đáng tin cậy, theo Thiếu tướng Jon Jensen, Chỉ huy lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Minnesota.

Ông Jensen cho biết lực lượng được huy động theo yêu cầu của Thị trưởng Minneapolis, Jacob Frey.

Nhiều bang khác cũng đã cho biết về lời kêu gọi triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia. Tính đến sáng 31/5, khoảng 5.000 binh sĩ và lính không quân đã được triển khai để đối phó với các vụ đụng độ dân sự ở 15 tiểu bang và Quận Columbia, đồng thời, 2.000 binh sĩ khác cũng sẵn sàng tâm thế trong trường hợp cần thiết.

Ít nhất 40 thành phố và cả thủ đô Washington DC đã áp dụng lệnh giới nghiêm nhằm đối phó với biểu tình bạo lực trên khắp nước Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ coi phong trào Antifa, một phong trào hoạt động chính trị, là tổ chức khủng bố, từ đó, khiến bất kỳ hoạt động nào của nhóm này đều là bất hợp pháp trên đất Mỹ.

Ông Trump gọi tổ chức này là “vô chính phủ” và ca ngợi lực lượng Vệ binh Quốc gia vì đã có thể ngăn chặn những người này ở Minneapolis. Tổng thống kêu gọi thống đốc các bang khác noi theo Minnesota và sử dụng lực lượng Vệ binh Quốc gia để trấn áp nhóm “trước khi quá muộn”.

Bạo lực tại Minneapolis bùng phát sau vụ George Floyd, một người đàn ông da màu, bị một nhóm cảnh sát trấn áp. Người này bị một cảnh sát đè đầu gối lên gáy khiến không thể thở được. Dù đã van xin nhưng cảnh sát vẫn không bỏ ghì chân mình. Kết quả là Floyed không qua khỏi dù được đưa đến bệnh viện. 

Nhiều người tại Minneapolis ban đầu chỉ biểu tình để lên tiếng "mạng sống của người da màu cũng đáng giá", tuy nhiên, nhiều kẻ cơ hội đã nhân lúc bất ổn để đập phá và cướp các cửa hàng ở thành phố. Biểu tình nhanh chóng lan ra các địa điểm khác tại Mỹ, thậm chí là sang cả London, Anh. 

Duy Tiến
.
.
.