Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân đủ điều kiện có hiệu lực

Chủ Nhật, 25/10/2020, 15:57
Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 25/10 tuyên bố, Hiệp ước quốc tế về cấm vũ khí hạt nhân đã được 50 quốc gia phê chuẩn, đủ tiêu chuẩn cho phép văn bản mang tính lịch sử này có hiệu lực sau 90 ngày. 

The Guardian đưa tin, Honduras trở thành quốc gia thứ 50 phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân của LHQ, trong một nỗ lực của nhiều nước với hi vọng rằng Hiệp ước sẽ chứng minh được nhiều điều hơn là chỉ mang tính biểu tượng.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres gọi đây là "đỉnh cao của phong trào toàn thế giới nhằm thu hút sự chú ý đến hậu quả nhân đạo thảm khốc của bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào", theo một tuyên bố từ người phát ngôn của ông.

Ảnh minh họa. Ảnh: Getty

"Nó thể hiện một cam kết có ý nghĩa đối với việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, vốn vẫn là ưu tiên giải trừ vũ khí cao nhất của LHQ", tuyên bố nhấn mạnh.

Các tổ chức phi chính phủ cũng hoan nghênh thông tin này, bao gồm Chiến dịch quốc tế bãi bỏ vũ khí hạt nhân (Ican) - liên minh đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2017 vì vai trò quan trọng trong việc đưa hiệp ước thành hiện thực.

"Honduras vừa phê chuẩn Hiệp ước với tư cách là quốc gia thứ 50, giúp Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực và làm nên lịch sử", Ican thông báo.

Peter Maurer, chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, cho biết trong một tuyên bố: "Hôm nay là một chiến thắng của nhân loại, và là lời hứa về một tương lai an toàn hơn".

Trước đó, nhân kỷ niệm 75 năm vụ tấn công hạt nhân vào Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản, một loạt quốc gia như Nigeria, Malaysia, Ireland, Malta và Tuvalu đã ký phê chuẩn Hiệp ước. Thái Lan, Mexico, Nam Phi, Bangladesh, New Zealand, Việt Nam và Vatican nằm trong số các quốc gia đã phê chuẩn Hiệp ước này.

LHQ cho biết Hiệp ước sẽ có hiệu lực vào ngày 22/1/2021.

Song, các quốc gia được tuyên bố trang bị vũ khí hạt nhân bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga đã không ký hiệp ước.

Bức thư do hãng thông tấn AP có được cho biết 5 cường quốc hạt nhân ban đầu - Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp - và các đồng minh NATO của Mỹ “thống nhất trong việc phản đối những tác động tiềm tàng” của hiệp ước.

Lam Ninh
.
.
.