EU vươn rộng cánh tay sang châu Á

Thứ Năm, 19/07/2018, 07:04
Hai nhà lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) vừa có chuyến công du đến hai cường quốc châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, một động thái thể hiện sự chủ động hơn của EU trong bối cảnh những mối lo ngại ngày càng gia tăng do chủ nghĩa bảo hộ đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương cũng như việc Anh dứt áo ra đi khỏi Liên minh.


Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – EU lần thứ 20 đã diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh ngày 16-7, với sự có mặt của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trong đó, nội dung chương trình nghị sự tập trung chủ yếu vào những căng thẳng thương mại hiện nay giữa các nước trên thế giới.

EU và Trung Quốc đều nhất trí trao đổi về các đề nghị tiếp cận thị trường lẫn nhau để thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư song phương mà hai bên đang đàm phán, đồng thời kêu gọi việc đưa thỏa thuận này trở thành ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hai bên cũng như hợp tác để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ủng hộ thương mại tự do toàn cầu.

Trung Quốc và EU cũng cam kết thiết lập nhóm công tác chung về cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường và thúc đẩy năng lượng sạch ở thời điểm hiện tại.

Hội nghị diễn ra vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ - Nga có cuộc gặp Thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan. Đây có thể xem là biểu hiện về sự đồng lòng nhất định giữa Trung Quốc và EU nhằm ứng phó với chính sách bảo hộ thương mại và thuế quan mà Mỹ đang áp đặt với cả hai, gây ra những tranh cãi gay gắt và cả nguy cơ làm bùng phát một cuộc chiến thương mại gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu, mà theo Trung Quốc là “không có kẻ thắng, chỉ có người thua”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và hai lãnh đạo EU sau lễ ký văn kiện hợp tác.  Ảnh: Reuters

Trung Quốc và EU cùng có một mối quan ngại chung liên quan tới chính sách thương mại theo phương châm “Nước Mỹ trước tiên” mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến hành. Cả hai bên đều là những đối tác thương mại lớn của Mỹ nhưng cũng chịu “tổn thất” nặng nề do chính sách bảo hộ mậu dịch từ phía Washington.

Quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng đang phải trải qua giai đoạn sóng gió khi Mỹ áp mức thuế 25% với mặt hàng thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ EU. Trong khi đó, căng thẳng thương mại Trung Quốc-Mỹ đang ngày càng leo thang sau khi Washington áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD.

Không dừng lại ở đó, Tổng thống Donald Trump còn đe dọa đánh thuế tất cả các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn 500 tỷ USD, gần tương đương tổng lượng hàng mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc hồi năm ngoái. Thậm chí, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS, ông Trump còn xác định Trung Quốc, Nga và EU là những “đối thủ” của Mỹ về lĩnh vực thương mại.

Tuy vậy, tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh Trung – EU lần này cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc lại những cam kết đối với thương mại tự do, công bằng dựa trên trật tự quy tắc thế giới, chứ không đề cập tới việc “thiết lập một liên minh” nhằm thực sự đối phó với chính sách thương mại của Mỹ.

Ngược lại, những gì mà lãnh đạo Liên minh châu Âu và Nhật Bản đạt được lại thực tế và cụ thể hơn rất nhiều. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và EU ngày 17-7 đã gặp nhau và ký kết một thỏa thuận tự do thương mại nhằm tăng cường thương mại giữa hai bên trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, một thỏa thuận mà hai bên bắt đầu đàm phán từ năm 2013.

Lễ ký diễn ra tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản tại thủ đô Tokyo với sự tham dự của Thủ tướng Shinzo Abe, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Theo các nội dung trong thỏa thuận, Nhật Bản sẽ miễn thuế đối với 94% loại hàng nhập khẩu từ EU, bao gồm 82% các sản phẩm nông, ngư nghiệp.

Đổi lại, EU sẽ bãi trừ thuế đối với 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, trong đó có các sản phẩm chủ lực của Nhật Bản, như đối với ôtô là sau 8 năm và tivi là sau 6 năm kể từ khi thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực. Sau khi ký kết, Nhật Bản và EU sẽ thuyết phục để cơ quan lập pháp hai bên phê chuẩn với mục tiêu thỏa thuận này có hiệu lực vào cuối tháng 3-2019, cũng là thời điểm dự kiến Anh sẽ chính thức rời EU.

Thỏa thuận tự do thương mại Nhật Bản – EU sẽ tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu với khoảng 600 triệu dân. Ông Donald Tusk đã ca ngợi thỏa thuận này là “thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất từ trước đến nay”.

“Về mặt địa lý, chúng ta cách nhau rất xa. Nhưng về mặt chính trị và kinh tế, chúng ta có thể tiến gần hơn”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh. Thủ tướng Shinzo Abe cũng khẳng định việc ký kết thỏa thuận đối tác kinh tế này đang chỉ ra cho thế giới thấy quyết tâm chính trị không thể lay chuyển của Nhật Bản và EU về thương mại tự do, cũng như dẫn dắt thế giới đi theo hướng này trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.

Những gì đạt được sau những cái bắt tay của lãnh đạo Nhật Bản và EU còn được ví như “một điểm sáng trong bóng đêm” bao trùm bởi chủ nghĩa bảo hộ từ Mỹ, theo The Guardian.

Những động thái này của EU diễn ra trong bối cảnh nhiều quan chức của Liên minh cho rằng quan hệ giữa khối và Mỹ đang có dấu hiệu nguội lạnh. Ngày 17-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lên tiếng ám chỉ “bóng tối ngày càng tăng trong quan hệ chính trị quốc tế”, một nhận định được đưa ra một tuần sau những lời công kích của Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và một ngày sau Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ.

Chủ tịch nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu (EP) Manfred Weber cho rằng các động thái vừa qua cho thấy EU “phải tự nắm lấy vận mệnh của mình”. Nhiều chuyên gia cho rằng EU đang cố thoát khỏi cái bóng của nước Mỹ, nhất là sau khi Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu, hay thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA. Điều này thể hiện rõ khi các lãnh đạo chủ chốt của EU đã đến thăm Trung Đông, Nhật Bản và cả Trung Quốc trong thời gian qua để tìm kiếm sự hợp tác.

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.