Điểm lại những thảm hoạ cáp treo kinh hoàng trên thế giới

Thứ Hai, 24/05/2021, 06:45
Không giống với hầu hết các phương tiện di chuyển, tai nạn cáp treo được đánh giá là hy hữu, xảy ra chủ yếu tại các khu trượt tuyết. Mới đây, một vụ tai nạn như thế đã xảy ra ở khu du lịch núi Mottarone, vùng Piemont, phía Bắc Italia, khiến ít nhất 14 người chết. Đây được coi là thảm hoạ cáp treo tồi tệ nhất tại Italia kể từ năm 1998. Cùng điểm lại những tai nạn cáp treo kinh hoàng thời gian gần đây.

Đứt cáp treo do cây bật gốc tại Ấn Độ

Cáp treo tại khu trượt tuyết nổi tiếng Gulmarg. Ảnh: Getty.

Ngày 25/6/2017, một vụ đứt cáp treo nghiêm trọng đã xảy ra tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Gulmarg nổi tiếng, tỉnh Kashmir, Ấn Độ. Giới chức địa phương cho biết, nguyên nhân dẫn đến tại nạn là do thời tiết xấu. Cụ thể, gió giật mạnh làm bật gốc cây lớn, rồi đổ vào hệ thống cáp treo gây đứt dây cáp.

Theo Times of India, cabin chở bảy người trong đó có hai trẻ em, đã bị văng ra xa và tất cả đều thiệt mạng. Các nạn nhân gồm một gia đình với bốn thành viên ở New Delhi, ba người khác đến từ Kashmir và Tangmarg.

Được biết, hệ thống cáp treo tại Gulmarg có độ cao 4.100m. Từ cáp treo này, du khách có thể nhìn ngắm dãy Himalaya phủ tuyết quanh năm.

Đứt cáp treo ở Pakistan, cabin rơi từ độ cao 120m

Cáp treo bị đứt tại Pakistan chưa từng được cấp phép hoạt động. Ảnh: Express.

Chỉ 4 hôm sau tai nạn đứt cáp treo tại Ấn Độ, ngày 29/6/2017, một vụ đứt cáp treo khác đã xảy ra tại khu nghỉ dưỡng Murree thuộc làng Charra Pani, cách thủ đô Islamabad, Pakistan khoảng 30km về phía Bắc.

Sự việc xảy ra khi người dân làng Charra Pani dùng cáp treo làm phương tiện để qua sông. 12 người đã thiệt mạng và hai người khác bị thương khi cabin cáp treo rơi xuống từ độ cao 120m.

Giới chức địa phương thông tin, đây là hệ thống cáp treo do người dân tự thi công và chưa được cấp phép bởi cơ quan chức năng. Việc hệ thống này chưa qua kiểm duyệt từ đầu cũng như không được bảo trì thường xuyên là lý do dẫn tới tai nạn tại Murree.

Cáp treo đổi hướng mất kiểm soát tại Georgia


Ngày 16/3/2018, tại khu nghỉ dưỡng Gudauri, Georgia, đã xảy ra một vụ việc hy hữu khi hệ thống cáp treo bất ngờ đổi hướng và di chuyển rất nhanh theo chiều ngược lại, làm hàng chục người bị văng mạnh xuống đất.

Các nhân chứng hiện trường cho biết, hệ thống cáp treo mất kiểm soát một cách tồi tệ. Nhiều người bị văng xuống từ rất cao và các du khách khác buộc phải nhảy khỏi cabin để tránh bị va vào phần trụ cáp dưới chân núi. 10 người được báo cáo trong tình trạng trọng thương khi tới bệnh viện. Theo đại diện của khu nghỉ dưỡng, vấn đề kỹ thuật là nguyên nhân chính gây ra tai nạn.

Được biết, đây cũng chính là vụ việc bị biến tấu thành tin giả, rằng xảy ra đứt cáp treo ở Nhật Bản khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có 12 người Việt Nam.

Cáp treo ở Canada bị phá hoại có chủ ý, rơi xuống hẻm núi

Cáp treo khu Sea to Sky Gondola bị rơi xuống hẻm núi. Ảnh: CBC.

Cáp treo tại điểm tham quan nổi tiếng Sea to Sky Gondola, tỉnh British Columbia, phía Tây Canada, đã bị rơi xuống hẻm núi vào 4h ngày 10/8/2019, sau khi phần dây cáp bị cắt đứt, khiến gần như toàn bộ 30 cabin của hệ thống hư hỏng nặng nề.

Những người cắm trại trong khu vực nói rằng họ nghe tiếng nổ lớn và tiếng kim loại vào thời điểm xảy ra sự cố. May mắn thay, vì cáp treo không hoạt động ở thời điểm xảy ra vụ việc nên không có du khách nào bị thương.

Theo điều tra, cảnh sát địa phương nói đây là hành động phá hoạt có chủ đích có yếu tố con người. Tổng Giám đốc của Sea to Sky Gondola ước tính, công ty thiệt hại hơn 1 triệu USD, chưa kể phần doanh thu bị mất do phải đóng cửa.

Một số thảm hoạ cáp treo trong lịch sử

Giàn khoan Eniwetok mắc vào dây cáp treo tại Singapore. Ảnh: StraitsTimes.

Trước thế kỷ XXI, trên thế giới cũng từng xảy ra một số vụ tai nạn cáp treo tồi tệ. Ngày 29/1/1983, một con tàu chở giàn khoan dầu của Panama đã mắc vào hệ thống cáp treo ở Singapore, đoạn giữa ga Jardine Steps và ga Sentosa. Hậu quả là hai cabin đã bị rơi xuống biển ở độ sâu 55m, khiến bảy người thiệt mạng.

Ngày 1/7/1999, một chiếc cáp treo đưa nhân viên, lao công và các kỹ sư bảo trì lên đài quan sát thiên văn quốc tế tại St-Etienne-en-Dévoluy, Pháp, đã bất ngờ bị đứt và rơi xuống một thung lũng. Toàn bộ 20 người có mặt trên cáp treo đều tử vong.

Hiện trường vụ đứt cáp treo tại đài quan sát thiên văn St-Etienne-en-Dévoluy, Pháp. Ảnh: UON.
Cánh phải máy bay của Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã làm đứt dây cáp treo và gây ra vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: UON.

Ngày 3/2/1988, một máy bay của Thuỷ quân lục chiến Mỹ do phi công Richard J. Ashby cầm lái đã cắt qua cáp treo khu trượt tuyết ở Cavalese, khu vực Dolomites, khiến 20 người thiệt mạng. Cụ thể, chiếc phản lực này đã bay với vận tốc ~870km/h ở tầm thấp, bất chấp cảnh báo từ Lầu Năm Góc, rằng phải giữ độ cao của máy bay luôn trên 305m so với mặt đất tại khu vực đó. 

Cũng tại Cavalese, Italia, ngày 9/3/1976, một cabin cáp treo ở khu vực này đã rơi xuống một sườn núi từ độ cao 200m và sau đó bị văng xa thêm 300m trước khi dừng lại dưới chân núi. 43 người đã thiệt mạng, trong đó có 15 trẻ em từ 7-15 tuổi và một nhân viên 18 tuổi. Người sống sót duy nhất là một học sinh 14 tuổi. Cảnh sát Cavalese cho hay, hai sợi cáp đã bị vắt chéo và sợi còn lại thì bị đứt. Hệ thống an toàn tự động đã có thể ngăn thảm hoạ khi phát hiện lỗi, nhưng lại bị tắt khi vụ việc xảy ra. Bốn quan chức liên quan đã phải "bóc lịch" vì cáo buộc vô trách nhiệm và một số tội khác. 

Linh Đan
.
.
.