Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ngoài Trung Quốc

Thứ Hai, 09/03/2020, 07:18
Dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp ngoài Trung Quốc với số ca nhiễm tăng vọt ở một số quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người thiệt mạng do COVID-19 trên thế giới đã lên tới 3.598 ca vào sáng 8/3. Trong số 105.912 người mắc bệnh này, có ít nhất 25.912 ca nhiễm dịch được ghi nhận tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc.


Tại châu Á, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) chiều 8/3 đã báo cáo thêm 179 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong tổng số 272 trường hợp mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 7.313. Số người tử vong trong ngày 8/3 là 6, nâng số ca tử vong thành 50 người.

Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 44 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 27 ca tử vong trong ngày 7-3. Các ca tử vong mới đều ở tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong khi đó, theo Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, tính tới thời điểm trưa 8/3, có thêm 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này lên 461 trường hợp. Cũng theo bộ trên, có 61 người trong tình trạng nguy kịch, 311 người đã được ra viện.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ngoài Trung Quốc tăng vọt. Ảnh: Reuters

Australia cùng ngày đã ghi nhận ca tử vong thứ 3 do nhiễm COVID-19 sau khi số ca nhiễm tại nước này đã tăng gấp 3 lần chỉ trong tuần qua. Cụ thể, tính tới nay, Australia đã có 78 ca mắc COVID-19, tăng gấp 3 lần so với con số 26 ca nhiễm được công bố vào chủ nhật tuần trước. Campuchia đã ghi nhận công dân đầu tiên của nước này nhiễm SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Campuchia xác nhận bệnh nhân là nam giới, 38 tuổi, là một trong 4 người Campuchia tiếp xúc thường xuyên với hành khách Nhật Bản bị COVID-19. Còn tại Philippines, Tổng thống Duterte đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch COVID-19 trên toàn quốc sau khi xác nhận trường hợp nhiễm bệnh do lây nhiễm cộng đồng tại nước này.

Tại châu Âu, các quốc gia như Italy, Pháp và Đức đều ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày tăng nhanh, trong đó Italy tăng thêm 1.247 trường hợp chỉ trong vòng 24 giờ, mức tăng cao nhất tại nước này khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số người nhiễm ở Italy lên gần 6.000 ca. Số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở Italy chỉ cao thứ 2 ngoài Trung Quốc với 233 ca.

Chính phủ Italy cũng đang nghiên cứu khả năng phong toả nghiêm ngặt hơn toàn bộ vùng Lombardy và 11 tỉnh khác của các vùng Piedmonte và Emilio-Romagna, với tổng số 16 triệu dân cho đến ngày 3/4 và chỉ cho phép ra vào trong trường hợp có các lí do đặc biệt nghiêm trọng. Hiện Italy mới chỉ phong toả một khu vực có 50.000 dân.

Trong khi đó, ngày 7/3, tại Pháp và Đức lần lượt ghi nhận thêm 296 và 130 ca nhiễm mới, khiến 2 quốc gia này đều sắp cán mốc 1.000 trường hợp nhiễm bệnh. Pháp cũng có thêm 7 người tử vong, hầu hết đều trên 70 tuổi, nâng tổng số người chết vì dịch COVID-19 ở quốc gia này lên 16 người. Người đứng đầu cơ quan y tế quốc gia cho biết các bệnh viện ở Pháp đang chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp, trong đó có cả việc huy động các bác sĩ nghỉ hưu và sinh viên y khoa để đối phó với dịch bệnh trong trường hợp cần thiết.

Một người trong độ tuổi 80 đã trở thành trường hợp tử vong thứ 2 ở Vương quốc Anh sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và mắc các bệnh nền khác. Quốc gia này cũng có thêm 46 ca nhiễm mới ngày 7/3, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây lên 209 người.

Cùng ngày, giới chức Hy Lạp cho biết nước này đã xác nhận thêm 21 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 66 trường hợp. Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu khác như Slovakia, Serbia cũng ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên trong khi Hà Lan vừa có 1 trường hợp đầu tiên tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2.

Tại châu Mỹ, số ca nhiễm dịch COVID-19 tại Mỹ đã lên đến 438 trường hợp với 19 ca tử vong. Một số bang đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với dịch bệnh gồm California, Florida, Indiana, Kentucky, Maryland, New York, Utah và Washington.

Đáng chú ý, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 7/3 xác nhận một người từng tham gia Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC) - một trong những cuộc gặp thường niên lớn nhất của các chính khách bảo thủ ở Mỹ thu hút hàng nghìn người tham gia, trong đó có Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence, đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Liên minh Bảo thủ Mỹ (ACU), đơn vị tổ chức CPAC, cho biết: “Nhân vật trên không có tương tác với Tổng thống hay Phó Tổng thống và không tham gia các sự kiện tại sảnh chính”.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post, Chủ tịch ACU Matt Schlapp cho biết ông đã tương tác với người nhiễm bệnh trên tại sự kiện này và đã bắt tay Tổng thống Donald Trump trên sân khấu vào cuối ngày hội nghị. Trong khi đó, Bộ Y tế Argentina ngày 7/3 đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là ca tử vong đầu tiên tại khu vực Mỹ Latinh liên quan tới căn bệnh này.

Tại Trung Đông, Iran tiếp tục là “tâm điểm” của dịch COVID-19 ở khu vực này với hơn 1.000 ca nhiễm mới, nâng số trường hợp nhiễm bệnh tại nước này lên 5.823 người với 145 trường hợp tử vong. Một số quan chức cấp cao của Iran cũng đã qua đời vì nhiễm SARS-CoV-2, trong khi 8% thành viên Quốc hội nước này nhiễm bệnh.

Trong khi đó, Bộ Y tế Ai Cập công bố phát hiện thêm 33 trường hợp nhiễm COVID-19 trên 1 tàu du lịch ở tỉnh Luxor bên bờ sông Nile. Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện nay là 48 trường hợp. Trong khi đó, Bộ Y tế Israel đã xác nhận có thêm 8 người được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 25 người.

Theo bộ trên, 25 bệnh nhân này đều đang được cách ly và sức khỏe đang ổn định. Một số quốc gia Trung Đông khác như Kuwait và Iraq tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới. Dịch COVID-19 đã lan ra trên khắp các châu lục, chỉ trừ châu Nam Cực khi các ca nhiễm SARS-CoV-2 mới lần lượt được ghi nhận ở cả châu Phi và Nam Mỹ.

Mới đây, trên trang South China Morning Post, các nhà khoa học Trung Quốc đã nhận định số ca nhiễm SARS-CoV-2 sẽ tăng lên gấp 10 lần trong mỗi chu kỳ 19 ngày nếu không có các biện pháp mạnh mẽ được thực hiện nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nếu điều này xảy ra, số ca nhiễm ở trên thế giới sẽ vượt số ca nhiễm tại Trung Quốc chỉ trong 1 vài tháng. 

Theo WHO, số người thiệt mạng do COVID-19 trên thế giới đã lên tới 3.597 ca vào sáng 8/3. Trong số 105.912 người mắc bệnh này, có ít nhất 25.912 ca nhiễm dịch được ghi nhận tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.