Đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ - Triều tiếp tục bế tắc
Thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng và Washington kỷ niệm 2 năm diễn ra cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore.
Trong tuyên bố có tựa đề “Thông điệp của chúng tôi chuyển tới Mỹ là rõ ràng”, Ngoại trưởng Ri Son Gwon cho biết: “Trong quá khứ, tất cả những hành động thực tiễn của chính quyền hiện nay ở Mỹ không đem lại thành quả về chính trị.
Câu hỏi đặt ra là liệu có cần giữ hình ảnh về cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo tại Singapore hay không khi chúng ta nhận thấy rằng không có sự cải thiện quan hệ thực tế giữa Mỹ và Triều Tiên qua việc duy trì quan hệ cá nhân giữa nhà lãnh đạo tối cao của chúng ta và Tổng thống Mỹ”.
Bộ trưởng Ri nhấn mạnh Triều Tiên “sẽ xây dựng một lực lượng đáng tin cậy hơn để đối phó với các mối đe dọa quân sự lâu dài từ Mỹ”. Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Triều Tiên nhấn mạnh, các chính sách của Mỹ cho thấy Washington vẫn là mối đe dọa lâu dài đối với nhà nước và nhân dân Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại cuộc gặp ở Bàn Môn Điếm hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters |
Theo quan chức này, khi điểm lại những sự kiện đã qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như chỉ tập trung ghi điểm về mặt chính trị, trong khi đó tìm cách cô lập và “bóp nghẹt” Bình Nhưỡng, đe dọa nước này bằng các đòn tấn công phủ đầu và sự thay đổi chế độ.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ cho nhà lãnh đạo Mỹ cơ hội nào khác để ghi thành tích mà không nhận được bất cứ điều gì từ phía họ”, ông Ri Son Gwon nói và cho biết thêm rằng, Triều Tiên mong muốn mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới sâu rộng hơn bao giờ hết nhưng tình hình trên Bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên tồi tệ.
“Mỹ tuyên bố ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên, nhưng trên thực tế, họ chỉ làm tình hình trở nên xấu hơn”, ông nhấn mạnh. Ngoại trưởng Ri Son Gwon tuyên bố, Triều Tiên sẽ tiếp tục củng cố lực lượng quân đội để đối phó với các mối đe dọa từ Mỹ. “Mục tiêu chiến lược của Triều Tiên là xây dựng lực lượng đáng tin cậy hơn để đối phó với mối đe dọa quân sự lâu dài từ Mỹ. Đây là thông điệp chúng tôi muốn gửi tới Mỹ nhân dịp kỷ niệm 2 năm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12-6”.
Trước đó, hôm 11-6, Triều Tiên tuyên bố Mỹ không có tư cách gì bình luận về các vấn đề liên Triều, đồng thời khuyên Washington giữ yên lặng nếu muốn cuộc bầu cử tổng thống sắp tới diễn ra suôn sẻ. Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ thất vọng đối với hành động ngừng đường dây liên lạc với Hàn Quốc của Triều Tiên vào hôm 9/6.
KCNA dẫn lời ông Kwon Jong-gun, người phụ trách các vấn đề Mỹ trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên, cho hay: “Nếu Mỹ quan tâm tới chuyện của các nước khác với những phát ngôn không cẩn trọng, thay vì tập trung giải quyết vấn đề nội bộ của mình, sẽ có thời điểm tình hình chính trị của Mỹ rơi vào bế tắc tồi tệ chưa từng thấy và họ có thể đối mặt với một tình huống rất khó giải quyết”.
“Mỹ nên ngưng nói và giải quyết các vấn đề của riêng mình nếu không muốn tiếp tục bị dựng tóc gáy. Điều đó không chỉ tốt cho lợi ích của nước Mỹ mà còn tạo thuận lợi cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới”, ông Kwon Jong-gun nhấn mạnh.
Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này ngày 11/6 cho biết Washington vẫn duy trì cam kết thực thi thỏa thuận Singapore đạt được giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6-2018; đồng thời khẳng định, Washington sẵn sàng áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Mỹ cam kết cùng với Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa để người dân Triều Tiên có thể hiện thực hóa một tương lai tươi sáng hơn”. Theo quan chức này, Mỹ sẵn sàng thực hiện một cách tiếp cận linh hoạt để đạt được một thỏa thuận cân bằng đối với tất cả các cam kết đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Singapore.
Cách đây 2 năm, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã có cuộc gặp lịch sử đầu tiên tại Singapore nhằm đàm phán việc dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra một tuyên bố chung, theo đó Bình Nhưỡng sẽ “nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên” nhằm đổi lấy sự bảo đảm an ninh của Mỹ. Hai bên cũng nhất trí hợp tác để cải thiện quan hệ song phương, xây dựng thể chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và hồi hương hài cốt lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.
Sau cuộc gặp tại Singapore, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có thêm hai cuộc gặp khác tại Việt Nam và khu phi quân sự liên Triều. Tuy nhiên cho tới nay, các cuộc đàm phán nhằm thực hiện thỏa thuận giữa hai bên vẫn rơi vào bế tắc do những bất đồng về phạm vi phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, cũng như sự phối hợp giữa hai bên trong triển khai các bước đi cụ thể. Bình Nhưỡng liên tục bày tỏ thái độ không hài lòng khi Washington từ chối nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Hôm 9/6, Triều Tiên cho biết sẽ ngưng hoạt động các đường dây liên lạc với Hàn Quốc để phản đối việc Seoul không ngăn chặn hành động thả bóng bay tuyên truyền chống phá Triều Tiên tại khu vực biên giới. Sau đó một ngày, Hàn Quốc thông báo sẽ có hành động pháp lý nhằm vào hai tổ chức thực hiện hành vi chống phá Triều Tiên.
Từ những năm 1970, Hàn Quốc và Triều Tiên thiết lập ít nhất 49 đường dây nóng để sắp xếp các cuộc đàm phán ngoại giao, xuống thang các hoạt động quân sự, điều phối giao thông đường hàng không và đường biển, tổ chức các cuộc thảo luận nhân đạo và hợp tác về các vấn đề kinh tế. Hàn Quốc coi hệ thống đường dây liên lạc này như một phương thức quan trọng để hóa giải những hiểu lầm trong các sự kiện khủng hoảng.
Tờ Rodong Sinmun, Cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 11/6 tuyên bố nước này có “ý chí sắt đá” trong việc trừng phạt Hàn Quốc liên quan tới vụ những người đào tẩu Triều Tiên ở Hàn Quốc tuồn truyền đơn chống Bình Nhưỡng vào nước này, ngay cả khi việc trừng phạt đó có thể dẫn đến “sự hủy hoại hoàn toàn” quan hệ liên Triều.