Cuộc thương chiến Mỹ - Trung phủ bóng Hội nghị IMF-WB

Thứ Sáu, 12/10/2018, 08:53
Diễn ra từ ngày 8 – 14-10 tại Nusa Dua trên đảo Bali của Indonesia, Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm nay thu hút sự tham gia của 34.000 đại biểu là các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương cùng giới chuyên gia và doanh nghiệp, đại diện các tổ chức xã hội dân sự và học giả của 189 quốc gia thành viên của IMF và WB.


Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những rủi ro đối với nền kinh tế thế giới, trong đó chủ nghĩa bảo hộ là một trong những vấn đề được quan tâm nhất.

Cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một trong những chủ đề nóng được thảo luận tại hội nghị lần này. 

Phát biểu tại Hội nghị hôm 10-10, Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Sri Mulyani Indrawati cho biết, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi một thỏa thuận tốt hơn cho các công ty và nông dân Mỹ đã mở màn cho việc thiết lập chủ nghĩa bảo hộ. 

Từ trái qua phải: Giám đốc IMF Christine Lagarde, Thống đốc Ngân hàng Indonesia Agus D.W. Martowardojo, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro và Chủ tịch WB Jim Yong Kim tại Hội nghị thường niên IMF-WB 2018. Ảnh: Reuters

Bà khẳng định: “Khi tất cả các nền kinh tế bắt đầu thực hiện chủ nghĩa bảo hộ, kinh tế toàn cầu sẽ tồi tệ hơn do khối lượng thương mại bị giảm, tăng trưởng cũng sẽ giảm”.  

Trước đó, trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới được công bố ngày 9-10 tại Hội nghị, IMF đã lần đầu tiên hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau hơn 2 năm kể từ tháng 7-2016, chủ yếu xuất phát từ những quan ngại về sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Cụ thể, IMF đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu xuống mức 3,7% trong năm nay và năm 2019, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 7 vừa qua. 

Báo cáo mới nhất của IMF cũng nêu rõ căng thẳng thương mại leo thang là một thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới khi “những tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ đang dần biến thành hành động” và “chính sách thương mại hiện nay phản ánh tình hình chính trị ở một số quốc gia vẫn chưa ổn định, do đó có thể gây ra nhiều rủi ro hơn nữa”. 

Giám đốc IMF Cristine Lagarde cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến kinh tế thế giới, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, trước mắt sẽ ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản và dòng vốn bị chảy ra ngoài.

Còn đối với hai “người trong cuộc”, phân tích của các chuyên gia IMF cho thấy, căng thẳng thương mại leo thang sẽ  gây thiệt hại lớn cho cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này trong năm 2019, trong đó khả năng Trung Quốc sẽ phải hứng chịu tổn thất nặng nề hơn. 

IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc sẽ chậm hơn, ở mức lần lượt đạt 2,9% và 6,6% trong năm nay và giảm chỉ còn 2,5% và 6,2% trong năm 2019. 

Đáng chú ý hơn, IMF cho rằng, một khi cuộc chiến tranh thương mại toàn diện Mỹ - Trung nổ ra, với  mức thuế nhập khẩu cao cộng với những rào cản thương mại ngày một khốc liệt áp đặt trong mọi lĩnh vực hàng hóa, gánh nặng sẽ đè lên nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ Washington và Bắc Kinh. 

Báo cáo nhận định nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện thực hóa tất cả đe dọa về thuế quan, bao gồm tăng thuế đối với ôtô nhập khẩu, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm hơn 0,8% vào năm 2020 so với kịch bản không có chiến tranh thương mại. Với Trung Quốc, tăng trưởng GDP sẽ bị giảm 1,6% vào năm tới, còn con số này của Mỹ sẽ là 0,9%.

Trong khi đó, tại châu Âu, sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, cũng gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế châu lục này. 

IMF đánh giá tăng trưởng trung bình của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chỉ đạt 2% trong năm nay, thấp hơn 0,2% so với ước tính hồi tháng 7 vừa qua, và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 1,9% trong năm tới. 

Đối với Đức, tăng trưởng của nền kinh tế “đầu tàu châu Âu” này sẽ giảm còn 1,9% trong cả năm 2018 và 2019 do sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu và sản xuất công nghiệp. 

Trong khi đó, nền kinh tế Pháp ước tính sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,6% trong năm nay và năm tới, giảm tới 0,3 điểm phần trăm so với năm 2017. 

Đối với Anh, quốc gia không phải là thành viên Eurozone và sẽ rời EU từ tháng 3-2019, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ lần lượt duy trì ở mức 1,4% và 1,5% trong năm nay và năm sau.

Trong khi rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những khó khăn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc gây ra, việc hợp tác nhằm giảm thiểu những thiệt hại từ cuộc chiến này cũng rất khó khăn. 

Bộ trưởng Sri Mulyani nói: “Thật khó để chỉ ra rằng, các quốc gia có liên quan sẽ phối hợp hiệu quả hơn như thế nào trong tình hình hiện nay, nhất là khi mỗi quốc gia có những vấn đề nội tại khác nhau”. 

Nhà kinh tế trưởng IMF, ông Maurice Obstfeld, nhấn mạnh rằng, thế giới sẽ trở thành một nơi “nghèo nàn và nguy hiểm hơn”, nếu lãnh đạo các nước không cùng hợp tác để tập trung xây dựng các chính sách phù hợp, trong đó đảm bảo tăng trưởng thương mại tiếp tục là một yếu tố then chốt để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Có quan điểm tương đồng, Giám đốc IMF khẳng định: “Lợi ích sẽ có trong tầm tay nếu chúng ta biết hợp tác và tập trung tạo ra một hệ thống thương mại toàn cầu”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.