Căng thẳng Mỹ - Trung có dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới?

Thứ Năm, 29/12/2016, 08:34
Sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, mối quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên rất căng thẳng. Sự mất lòng tin do những lời trách móc của vị tỉ phú bất động sản trước kia, nay càng được kích động thêm với các phát ngôn gần đây khi đã trở thành Tổng thống đắc cử.


Hồi cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama đã ký phê chuẩn Dự luật Cấp phép quốc phòng (NDAA) - văn kiện chính sách quốc phòng thường niên, trị giá 618,7 tỷ USD cho năm 2017. 

Một phần của NDAA 2017 “thể hiện quan điểm của Quốc hội Mỹ rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ nên thực hiện một chương trình trao đổi quân sự cấp cao giữa nước này và Đài Loan (Trung Quốc)”. Điều này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía chính quyền Bắc Kinh.

Trong tuyên bố tối 25-12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã gửi công hàm phản đối tới cơ quan đồng cấp Mỹ, trong đó khẳng định, nội dung liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc) trong NDAA 2017 mới được Tổng thống Obama thông qua không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và là điều mà Bắc Kinh không thể chấp nhận được. 

Tổng thống Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một buổi gặp. Ảnh: National Interest.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi hối thúc Mỹ tôn trọng lời hứa với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), ngừng các liên lạc về quân sự Mỹ - Đài Loan (Trung Quốc) cũng như ngừng bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc), tránh hủy hoại quan hệ Trung-Mỹ và hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc)”. 

Trước đó, ngày 3-12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã gửi công hàm phản đối việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc), bà Thái Anh Văn. Về việc này, ông Trump nêu rõ: “Tôi điện đàm với ai, gặp ai, không liên quan gì tới người khác”. 

Theo các chuyên gia, cuộc điện đàm này là một cách để thăm dò, cũng là sự cảnh báo đối với Trung Quốc. Ông Trump muốn thăm dò nếu trực tiếp điện đàm với lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đến mức nào và Bắc Kinh sẽ phản ứng thế nào (?). Hiển nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ biết trước Trung Quốc sẽ bất bình, nhưng phản ứng đưa ra ở cấp độ nào và ảnh hưởng thế nào tới quan hệ Mỹ - Trung thực sự vẫn là điều vị tỉ phú địa ốc chưa thể biết. 

Rõ ràng, đây sẽ là “tư liệu” rất có giá trị để sau khi lên nắm quyền, ông Trump tiến hành điều chỉnh chính sách đối với Đài Loan (Trung Quốc) và xử lý quan hệ với Bắc Kinh. 

Và gần đây nhất là lời cảnh báo “sự đối đầu với Mỹ” sau khi ông Trump chỉ định ông Peter Navarro, một nhà kinh tế học có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, làm Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia của Nhà Trắng, một cơ quan mới được thành lập.

Sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, mối quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên rất căng thẳng. Sự mất lòng tin do những lời trách móc của vị tỉ phú bất động sản trước kia, nay càng được kích động thêm với các phát ngôn gần đây khi đã trở thành Tổng thống đắc cử. 

Một nhà ngoại giao phương Tây lo ngại: “Lòng tin đã xói mòn. Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Trump sẽ bắt đầu trong sự cảnh giác. Điều đó không hề tốt”. Chỉ qua hai thông điệp trên mạng xã hội Twitter, ông Trump đã cáo buộc Bắc Kinh “phá giá đồng tiền”, “áp thuế cao” lên hàng hóa xuất khẩu của Mỹ và “xây dựng một tổ hợp quân sự lớn” trên Biển Đông. 

Chưa hết, hôm 11-12, vị Tổng thống đắc cử Mỹ còn đe dọa sẽ bỏ qua nguyên tắc “Một Trung Quốc” để đòi Bắc Kinh phải có nhượng bộ quan trọng: “Tôi không muốn Trung Quốc có thể áp đặt lên hành động của mình”. 

Đáp lại, Trung Quốc cho rằng, ông Trump thiếu kinh nghiệm ngoại giao và vẫn tỏ ra thân thiện với những lời nói của vị tỉ phú này. Bắc Kinh chỉ thay đổi giọng điệu một cách mạnh mẽ khi bày tỏ “quan ngại sâu sắc” với người phát ngôn mới nhất của ông Trump. 

Tờ Thời báo Hoàn Cầu, trực thuộc Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhắc lại rằng, chính sách “Một Trung Quốc” “không phải để bán”, đồng thời cảnh báo trong phần xã luận rằng: Nếu ông Trump tiếp tục khiêu khích thì Bắc Kinh có thể sẽ hỗ trợ, thậm chí “viện trợ quân sự” cho các đối thủ của Mỹ. Sự giận dữ còn gia tăng thêm một cấp độ mới khi Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố những kẻ dám xem xét lại nguyên tắc “Một Trung Quốc” chính là “lấy đá tự ghè chân mình”.

Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng, những phát ngôn gây shock của ông Trump có thể làm đảo lộn sâu sắc thế cân bằng quốc tế hơn là hơi hướng Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga. Mỹ và Trung Quốc, dù được ví là “cặp đôi trên đường ly dị” nhưng khó có khả năng trở nên thù địch do phụ thuộc chặt chẽ nhau về kinh tế. 

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước là rất lớn và đã được tích lũy từ hơn 30 năm nay. Trung Quốc là nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ, còn Mỹ là bạn hàng lớn nhất, chiếm gần 20% xuất khẩu của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc chiếm 9% hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Trên lĩnh vực tài chính, Mỹ - Trung cũng có liên quan mật thiết với nhau. 

Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có khoảng 3.000 tỉ USD. Bắc Kinh vẫn tiếp tục đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ, một việc làm cho Washington rất hài lòng. 

Nếu mối quan hệ hài hòa giữa hai nước chấm dứt, Mỹ sẽ rất khó tìm ra nguồn tài trợ cho khoản nợ trên thị trường tài chính nước ngoài. Vì Trung Quốc giữ gần 7% nợ công của Mỹ, tương đương 3.000 tỉ USD. Nhờ đó, Trung Quốc là chủ nợ số một của Mỹ, hơn cả Nhật Bản. Lý do cũng tương tự với các đại doanh nghiệp Mỹ và mối quan hệ giữa người dân hai nước cũng rất chặt chẽ. 

Những điều này là minh chứng cho thấy, mối quan hệ Mỹ - Trung không thể chỉ dựa vào một vài tuyên bố trên truyền hình hay thông điệp trên mạng xã hội của một Tổng thống đắc cử chưa nhậm chức.

Minh An (tổng hợp)
.
.
.