Các quốc gia chạy đua về chi tiêu quốc phòng

Chủ Nhật, 30/04/2017, 10:08
Đây là khẳng định của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Thụy Điển trong kết quả nghiên cứu mới được công bố hôm 24-4. Báo cáo thường kỳ về buôn bán vũ khí và xu hướng chi tiêu quân sự cũng cho thấy, khi kinh tế dần hồi phục, các quốc gia trên thế giới lại càng đổ tiền nhiều hơn cho các chiến lược quốc phòng lớn.

Khoản chi 1.686 tỷ USD

Báo cáo của SIPRI nhấn mạnh, chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2016 là 1.686 tỷ USD, tăng 0,4% so với năm 2015. Đây là năm thứ 2 liên tiếp các quốc gia trên thế giới dành nhiều tiền cho ngân sách quốc phòng. Cũng theo SIPRI thì lượng tăng chi tiêu quốc phòng nhiều nhất chủ yếu là các quốc gia Tây Âu và Bắc Phi. Trong suốt 7 năm qua (từ năm 2010), các quốc gia này có xu hướng tăng dần đều các chi tiêu quân sự.

Theo nhận định của các chuyên gia SIPRI, việc gia tăng chi tiêu quốc phòng là một xu hướng tất yếu và nó cũng là một phần nguyên nhân xuất phát từ việc thay đổi chính quyền ở các quốc gia khác nhau trên thế giới. Khu vực châu Âu tăng tới 20% trong năm 2016 và dự kiến có thể sẽ tăng tiếp 2,8% trong năm 2017 với các quốc gia chủ chốt là Pháp, Anh, Đức và Italia.

SIPRI cũng nhận định, các quốc gia vùng Baltic cũng tham gia cuộc đua về tăng chi tiêu quốc phòng với khả năng tăng tới 44% và trở thành một mối đe dọa lớn tới khu vực Trung Âu. Riêng các quốc gia châu Phi, kinh tế dần phục hồi, ổn định chính trị cũng là 2 trong nhiều yếu tố khiến chính quyền các nước đầu tư hơn cho lĩnh vực vũ khí.

Chỉ có một số quốc gia ở vùng sa mạc Sahara trong đó có Angola, Algeria là giảm nhẹ chi tiêu quốc phòng kể từ năm 2013 đến nay nhưng vẫn loanh quanh ở mức từ 3,2 tỷ USD đến 6,1 tỷ USD/năm. Nam Sudan, quốc gia từng là nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất Đông Phi hiện giờ chỉ chi có 525 triệu USD cho quân sự. Các quốc gia khác như Mali, Kenya và Botswana thì mức chi thấp hơn, tầm trên dưới 300 triệu USD/năm.

Châu Á thì lại khác. Một số căng thẳng trong khu vực như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông, căng thẳng giữa Pakistan-Ấn Độ… khiến các quốc gia có vẻ mạnh tay hơn trong chi tiêu quốc phòng. Nhà phân tích hàng đầu Craig Caffrey của tờ Janes Defense Weekly cho rằng, một xu thế chủ yếu của quốc phòng các nước châu Á- Thái Bình Dương là từ phòng thủ lãnh thổ truyền thống sang thể hiện thực lực.

Ông Craig Caffrey nói: “Đây là xu thế mới của khu vực và việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng gián tiếp làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng khu vực. Thống kê của SIPRI thì cho biết, tổng chi tiêu quân sự của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lên tới 450 tỷ USD trong năm 2016, tức là tăng tới 4,6% so với năm 2015. Trong danh sách 15 quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thì có tới 5 quốc gia đến từ châu Á-Thái Bình Dương. Còn nếu so con số này với con số chi tiêu quốc phòng cách đây 10 năm thì đã tăng tới 64%.

Mỹ đang muốn tăng chi tiêu quốc phòng để xây dựng hải quân với lực lượng gồm 350 tàu chiến. Ảnh: Heritage Foundation.

Và cuộc đua giữa các “ông lớn”

Đứng đầu bản danh sách về chi tiêu quốc phòng trên thế giới hiện nay vẫn là Mỹ với mức chi tiêu cao gấp 3 lần so với Trung Quốc và gần 9 lần so với Nga. Tuy nhiên theo hãng tin CNBC, mức chi tiêu này vẫn thấp hơn 20% so với thời điểm đỉnh cao của Mỹ cách đây 5 năm. Hiện chi tiêu của Mỹ là 611 tỷ USD và chính quyền Tổng thống Donald Trump đang muốn gia tăng khoản chi tiêu này lên tới gần 670 tỷ USD (tức tăng 11%).

Thậm chí, người ta cũng không loại trừ khả năng, chi tiêu quân sự Mỹ có thể tăng tới mức tối đa 1.000 tỷ USD dưới thời Tổng thống Donald Trup bởi khi còn tranh cử, nhà tỷ phú này đã cam kết tăng cường an ninh quốc phòng, kêu gọi tuyển thêm 90.000 binh sĩ chuyên nghiệp; xây dựng hải quân với lực lượng gồm 350 tàu chiến và mua thêm 100 tiêm kích cùng với việc tăng cường tiềm lực hạt nhân.

Quan điểm của tân Tổng thống Mỹ khá giống với cố Tổng thống Ronald Reagan là dùng chi tiêu quốc phòng để kích thích nền kinh tế. Ủy ban khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS) hồi đầu năm từng tuyên bố rằng, với mục tiêu xây dựng đội tàu chiến 350 tàu thì Mỹ phải cần thêm tới 11 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia với tổng trị giá đã lên tới hơn 22 tỷ USD.

Ở vị trí á quân, Trung Quốc đã chi tới 215 tỷ USD cho lĩnh vực quân sự, tăng tới 5,4% so với năm 2015. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng chiếm tới 48% chi tiêu quân sự của cả khu vực châu Á –Thái Bình Dương và gần gấp 4 lần so với quốc gia đứng thứ 2 trong khu vực là Ấn Độ.

Con số chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc mà SIPRI đưa ra cũng đã củng cố nhận định của giới chuyên gia quốc tế rằng, chi tiêu quốc phòng thực tế của Trung Quốc thường cao hơn nhiều so với những gì được công bố. Trước đó, chính quyền Bắc Kinh công bố ngân sách quốc phòng năm 2016 là 954 tỷ nhân dân tệ (tương đương 146 tỷ USD).

Tờ South China Morning Post thì khẳng định, năm 2017, ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ phải tăng ít nhất 7% do Mỹ đang gia tăng chi tiêu quốc phòng. Điều này cũng có nghĩa, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đến năm 2020 có thể đạt ở mức 250 tỷ USD, tức là gấp đôi so với mức chi tiêu năm 2010 là 125 tỷ USD. Và đến năm 2025, dự tính chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ vượt tổng cộng tất cả các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Quốc gia có chi tiêu quân sự lớn thứ 3 thế giới là Nga, với mức 69,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2015 và vượt qua mặt Arab Saudi (quốc gia xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng năm 2015). Mức chi tiêu này cũng đạt tỷ lệ cao nhất trong GDP (5,3% GDP) kể từ sau khi Liên Xô tan rã.

Trả lời phỏng vấn báo giới về việc này bên lề Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, đại diện thường trực của Nga tại tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Aleksandr Grushkov cho biết, sở dĩ, trong điều kiện không có mối đe dọa thực sự nhưng Moscow vẫn buộc phải gia tăng chi tiêu quốc phòng là do các nước thành viên NATO cũng tăng ngân sách quốc phòng.

Ông Aleksandr Grushkov nhấn mạnh, các nước châu Âu đã chi cho quốc phòng tới 335 tỷ USD và đây là con số rất lớn, vượt cả tổng chi tiêu quân sự của Nga và Trung Quốc cộng lại.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.
.