Tổng thống Putin thăm Pháp

Bước tái khởi động quan hệ Nga - châu Âu

Thứ Ba, 20/08/2019, 07:59
Thông tin về chuyến thăm Pháp của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 19-8 được coi là một chủ đề “hot” trên các mặt báo lớn tại châu Âu suốt những ngày vừa qua...


Giới chuyên gia phân tích chính trị thế giới đánh giá, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hàm chứa nhiều ý nghĩa to lớn, không chỉ đơn thuần làm sâu sắc quan hệ Paris – Moscow, mà còn tạo ảnh hưởng đến cục diện chính trị - an ninh tại châu Âu.

Ngày 19-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đón tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin đến thăm nước này, tại pháo đài Fort Bregancon, miền Nam nước Pháp, nơi nghỉ dưỡng quen thuộc của gia đình ông Macron trong dịp nghỉ hè.

Theo phát biểu với báo giới, trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết trong chuyến thăm một ngày tới Pháp, Tổng thống Putin cùng ông Macron đã thảo luận về các giải pháp cải thiện quan hệ song phương, vốn có chiều hướng phát triển tích cực trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có việc bảo đảm an ninh tại châu Âu và hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), cuộc khủng hoảng tại Syria, Ukraine, Lybia… hay vấn đề nhức nhối liên quan đến hoạt động chống khủng bố và an ninh mạng.

Tổng thống Putin thăm Pháp được coi là bước đệm giúp tái khởi động mối quan hệ Moscow – Brussels.   Nguồn: The Irish Times

Điểm đáng chú ý là cuộc gặp song phương cấp cao giữa hai ông Macron và Putin diễn ra ở tư dinh nghỉ dưỡng của Tổng thống Pháp và chỉ vài ngày trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm bảy nước Công nghiệp Phát triển (G7) họp tại thành phố Biarritz (Pháp) vào cuối tuần này.

Đây được xem là một sự lựa chọn mang nhiều thông điệp của Paris trong chuyến thăm chính thức nước Pháp đầu tiên của ông Putin, kể từ khi Tổng thống Macron đắc cử. Euronews dẫn quan điểm của bà Ekaterina Narochnitskaya, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Châu Âu thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga cho biết, Tổng thống Macron có chủ ý muốn tiếp đón Tổng thống Putin tại tư dinh mùa hè chứ không phải ở Điện Élysée, để đem lại cho chuyến thăm một tính chất riêng tư và báo hiệu mong muốn theo đuổi một đường lối chính trị độc lập của Paris.

Bà Narochnitskaya nói: "Ông Macron cần cuộc gặp này. Ông ấy đã vất vả giải quyết những thách thức nội bộ và cuộc khủng hoảng gây ra bởi phong trào phản kháng của phe "Áo ghilê vàng" trong nhiệm kỳ đã qua. Vì vậy, điều quan trọng đối bây giờ là ông Macron cần củng cố vị trí của mình. Ngay lúc này, nhiệm vụ của ông là thu hút thêm người ủng hộ trong cuộc bầu cử và làm suy yếu phe đối lập".

Ngoài ra, bà Narochnitskaya nhấn mạnh, Tổng thống Pháp cũng hiểu rằng khi thảo luận về các vấn đề quốc tế, không thể bỏ qua lập trường của Nga.

Theo giới phân tích, quan hệ giữa Moscow và Paris đang dần nồng ấm trở lại khi các cuộc tiếp xúc giữa hai bên, đặc biệt ở cấp cao ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Trong năm nay, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng đã đến thành phố Le Havre, vùng Normandie, miền Tây Bắc nước Pháp, để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Edouard Philippe.

Hôm 28-6, hai Tổng thống đã gặp nhau Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản). Nhờ có các cuộc tiếp xúc cấp cao nên nhiều cơ chế hợp tác quan trọng giữa hai nước, vốn bị đóng băng sau năm 2014, đã được khôi phục hoạt động, trong đó đáng chú ý là Ủy ban hợp tác an ninh với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, tức là cơ chế “2+2” và Ủy ban hợp tác kinh tế, tài chính, công nghiệp và thương mại. Lĩnh vực kinh tế thương mại cũng ghi nhận chiều hướng đi lên.

Kết thúc năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 11%, đạt 17,2 tỷ USD so với năm trước đó, khối lượng vốn của Pháp đầu tư vào nền kinh tế Nga đạt hơn 18 tỷ USD. Hơn 600 doanh nghiệp Pháp hoặc liên doanh đang hoạt động tích cực trên thị trường Nga.

Hơn nữa, kể từ sau G20, ông Macron nói rằng các nhà lãnh đạo G7 nên hợp tác với Nga và tìm kiếm các hình thức tương tác mới về các mối đe dọa sự ổn định quốc tế. Cụ thể, Pháp cũng là một trong những nước G7 ủng hộ ý tưởng từng bước đưa Nga quay trở lại nhóm này, sau khi Moscow bị loại khỏi G8 vào năm 2014.

Chưa hết, với sự thay đổi nhân sự quan trọng trong khối EU thời gian vừa qua và sự tham gia tích cực của Tổng thống Macron, cũng như vai trò mang tính xây dựng của Pháp đã góp phần khôi phục đầy đủ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng châu Âu. Hiện giới quan sát châu Âu đang theo dõi rất chặt chẽ các động thái mới trong quan hệ Pháp - Nga bởi có không ít ý kiến cho rằng, giới ngoại giao Pháp đang muốn xích lại gần Nga để tạo nên một đối trọng với Mỹ, trong bối cảnh Mỹ đang dần xa lánh các đồng minh châu Âu, với chính sách ưu tiên quyền lợi nước Mỹ trên hết.

Pháp với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo của EU sẽ hoàn toàn có thể tạo điều kiện cho đối thoại EU với Moscow, nhất là khi phía Nga nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng nối lại đối thoại chính trị với khối này. DW dẫn quan điểm của giới học giả nhận định, cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin không chỉ giải quyết các vấn đề song phương, mà đồng thời là cơ hội để tái khởi động quan hệ Moscow – Brussels.

Linh Đan
.
.
.