Biển người Thái Lan tiễn biệt nhà vua quá cố

Thứ Năm, 26/10/2017, 08:29
Sáng 25-10, khi mưa vẫn đang rơi nặng hạt phủ dày Bangkok thì trên mọi nẻo đường của Thủ đô, hàng trăm nghìn người dân xứ Chùa Vàng đang đổ về nơi đây để nói lời tiễn biệt cuối cùng đến vị quốc vương Bhumibol Adulyadei đáng kính trong lễ hỏa táng của ông.

Ngày 13-10-2016, người dân Thái Lan chìm trong đau buồn và tiếc thương khi đối diện với biến cố quá lớn của cả dân tộc - Quốc vương Bhumibol Adulyadej qua đời. 

Ngay sau đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã tuyên bố, quan chức chính phủ nước này sẽ để tang nhà vua trong một năm và kêu gọi người dân Thái mặc đồ đen để thể hiện sự tôn kính với cố quốc vương. 

Một năm đã trôi qua, niềm đau thương vẫn còn trong ánh mắt, trong trái tim của hàng triệu người con xứ Chùa vàng, nhưng giờ là lúc người dân Thái kính tiễn lần cuối vị vua quá cố muôn vàn kính yêu.

Sự chuẩn bị công phu đến phút cuối

Sáng 25-10, lễ hỏa táng cố quốc vương Thái Lan Bhumibol chính thức bắt đầu. Trong bầu không khí trầm mặc nhưng đầy tôn kính, những hoạt động chuẩn bị cuối cùng cho lễ hỏa táng đã được hoàn tất. Tang lễ cố quốc vương được tổ chức theo nghi thức đạo Phật và kéo dài 5 ngày với nhiều nghi thức hoàng gia hàng trăm năm tuổi. 

Nhà chức trách Thái Lan đã mất gần một năm để chuẩn bị cho tang lễ ước tính lên đến 90 triệu USD, theo Reuters. Trong đó đáng lưu ý là công trình đài hóa thân hoàng gia - nơi diễn ra nghi thức hỏa thiêu nhà vua quá cố.

Trong suốt một năm qua, hàng nghìn nghệ nhân, kiến trúc sư, nhà thiết kế và thợ thủ công đã được huy động để hoàn thiện công trình đồ sộ với 9 cấu trúc tháp này. 

Dòng người đổ về trung tâm Bangkok để theo dõi lễ hỏa táng nhà vua quá cố Bhumibol Adulyadei. Ảnh: The Nation.

Tọa lạc tại quảng trường Sanam Luang, Bangkok, đài hóa thân hoàng gia nổi bật với phần trung tâm là giàn hỏa thiêu mạ vàng cao 50m cùng 8 cấu trúc tháp nhỏ hơn được bố trí xung quanh. Gần như mọi chi tiết trang trí cho công trình đều được thực hiện thủ công, ròng rã nhiều tháng trời với sự cẩn thận tuyệt đối. Một tháng trước khi lễ hỏa táng diễn ra, Thái Lan đã tổ chức 3 buổi tổng duyệt trang trọng lần lượt vào các ngày 7,15 và 21-10 tại Bangkok.

Lễ hỏa táng nhà vua Bhumibol Adulyadej dự kiến sẽ diễn ra tuần tự với 5 hoạt động lớn gồm lễ cúng viếng được tổ chức ngày 25-10 tại Cung điện Dusit Maha Prasat, nơi đặt linh cữu nhà vua; lễ hỏa táng - hoạt động quan trọng nhất- được tổ chức tại đài hóa thân quảng trường Sanam Luang một ngày sau đó. Trong 3 ngày còn lại, tro cốt của nhà vua sẽ được thu nhặt và làm lễ cầu phúc trước khi chuyển về hoàng cung. 

Để đảm bảo an ninh cho quá trình diễn ra lễ hỏa táng, khu vực trung tâm lịch sử của Bangkok sẽ tạm dừng mọi hoạt động trong ngày diễn ra nghi lễ hỏa thiêu, các con đường quanh hoàng cung cũng bị phong tỏa. Đồng thời, người dân Thái Lan cũng được yêu cầu phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt khi tham gia lễ hỏa táng, trong đó bao gồm cả việc mặc quần áo màu đen, không mặc trang phục bó sát hay thiếu trang trọng. 

The Guardian cho biết, hàng nghìn tình nguyện viên, nhạc công và diễn viên sẽ tham gia buổi lễ cùng với khoảng 80,000 nhân viên cảnh sát được huy động để bảo vệ không gian buổi hỏa táng. Sự cầu kỳ và chu toàn trong từng chi tiết của chính phủ chính là cách thể hiện sự tôn sùng và thành kính vô ngàn mà đất nước Thái Lan dành cho vị cố quốc vương của mình.

Triệu trái tim đang hướng về Bangkok

Trong ngày 25-10, nghi lễ hỏa táng được bắt đầu bằng lễ cúng cho nhà vua tại điện Dusit Maha Prasat. Nghi lễ này chỉ cho phép một số ít người chứng kiến, song rất đông người dân đã có mặt khu vực Hoàng cung để có được một vị trí tốt cho buổi lễ vào sáng hôm sau. Dưới màn mưa dai dẳng, dòng người tiến về trung tâm Bangkok như nối dài thêm. 

Tại những con phố có đoàn xe đưa thi hài của Vua Rama IX đi qua, khoảng 1.000 người đã đổ về từ đêm 24-10, họ mang theo lều bạt, áo mưa và kiên nhẫn chờ đợi, trên tay đều cầm những tấm ảnh của Nhà Vua. Ước tính khoảng 250.000 người dân Thái Lan sẽ trực tiếp theo dõi sự kiện diễn ra tại trung tâm thủ đô Bangkok. 

Cụ bà 72 tuổi Chalermporn chia sẻ với Reuters rằng: "Tôi đã đến đây từ hai ngày trước và giờ thì có thể yên tâm là những người đầu tiên có vị trí tốt nhất để tiễn biệt nhà vua". Một người dân Thái cũng cho biết: "Tôi quyết tâm đến và chờ đợi vì nhà vua là nghị lực tinh thần cho chúng tôi".

Dự kiến, Vua Vajiralongkorn sẽ dẫn đầu đoàn rước linh cữu cố quốc vương trong khi công chúa Maha Chakri Sirindhorn sẽ dẫn đầu đoàn thành viên hoàng gia. Các thành viên của chính quyền quân sự do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng đầu cũng như các thành viên của Hội đồng Cơ mật cũng sẽ là những nhân vật chính của đoàn rước. 

Theo thông báo chính thức của Chính phủ Thái Lan, đại diện hoàng gia và chính phủ của hơn 40 nước sẽ tham dự nghi lễ chính diễn ra vào ngày 26-10, trong đó có Hoàng tử Andrew của Anh; Hoàng tử Akishino của Nhật Bản; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis,... Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự nghi lễ. 

Quả thực, những ngày này, không chỉ riêng người dân Thái, mà cả thế giới cũng đang dành một khoảng lặng để hướng về vị quốc vương từng cai trị Thái Lan trong suốt 7 thập kỷ, vị vua được tôn vinh là người đã làm hồi sinh vị thế danh giá của Hoàng gia.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trong một lần gặp gỡ báo chí đầu tháng 10 đã nói: "Tháng 10 là một tháng buồn". Nỗi buồn của những người dân xứ sở Chùa Vàng khi mất đi vị quốc vương đáng kính có lẽ sẽ chẳng thể nào nguôi ngoai. 

Nhưng cũng chính bởi vậy mà họ mong muốn và cố gắng dành những gì trang trọng nhất, linh thiêng nhất cho lễ hỏa táng của ông. Dòng người đổ về thủ đô vẫn ngày một đông hơn, trong mắt họ là chan chứa nỗi buồn quyện với muôn vàn tôn kính.

An Nhiên
.
.
.