Bầu cử Tổng thống Iran: Kinh tế là mối lo ngại chính của các cử tri

Thứ Bảy, 20/05/2017, 06:39
Sáng 19-5, 63.500 điểm bỏ phiếu trên toàn đất nước Iran đã mở cửa để đón khoảng hơn 54 triệu cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống mới trong nhiệm kỳ 4 năm. Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào cuối ngày 19-5 và kết quả bầu cử dự kiến có vào sáng 20-5.


Hôm 20-4, Hội đồng tối cao Guardian Council Iran đã rút gọn danh sách gồm 1.636 người đăng ký hy vọng ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống này xuống còn 6 ứng cử viên. 

Những người này gồm Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani; Giáo sĩ theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi, người phụ trách Quỹ Imam Reza đầy quyền lực; Thị trưởng Tehran Mohamed-Bagher Ghalibaf; ông Eshagh Jahagiri, Phó Tổng thống theo chủ nghĩa trung dung của Tổng thống Rouhani; các ông Mostafa Hashemi-Taba và Mostafa Mir-Salim, các cựu bộ trưởng lần lượt theo chủ nghĩa trung dung và bảo thủ. 

Tuy nhiên, sau khi hồi đầu tuần này có 2 ứng cử viên rút lui, cuộc bầu cử tổng thống năm nay được đánh giá là cuộc đua chính giữa Tổng thống Rouhani và Giáo sĩ Raisi. Giả định rằng ông Rouhani giành được lá phiếu của phe trung dung, ông có cơ hội tái đắc cử trước các đối thủ bảo thủ của mình, nhưng phải rất nỗ lực. 

Cử tri Iran xếp hàng đợi tới lượt bỏ phiếu.  Ảnh: Reuters

Về khía cạnh kinh tế, kinh nghiệm 1 năm điều hành Quỹ Imam Reza của ông Raisi nhiều khả năng đem lại cho ông rất ít lợi thế, khi xét tới việc các quỹ như vậy có tiếng là thiếu trách nhiệm giải trình. Hơn nữa, khác với Tổng thống Iran đương nhiệm, Giáo sĩ Raisi vẫn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị quốc tế. Trừ phi ông Raisi rút lui, các triển vọng đắc cử của Thị trưởng Ghalibaf vẫn ở mức thấp ngay cả trong tình huống tốt nhất, chứ chưa nói đến các cáo buộc hối lộ chống lại ông. Nhưng, như sự kiện Brexit hay sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, những điều bất ngờ đều có thể xảy ra. 

Theo giới chuyên gia, nếu Tổng thống Rouhani tái đắc cử nhiệm kỳ 2, Iran nhiều khả năng sẽ tiếp tục đường lối mở cửa về kinh tế và đẩy nhanh can dự chính trị của nước này với châu Âu. 

Ở kịch bản khác, khi một chiến thắng dành cho một trong số các đối thủ bảo thủ của ông Rouhani, Giáo sĩ Raisi và Thị trưởng Ghalibaf, nhiều khả năng sẽ dẫn tới một con đường theo chủ nghĩa biệt lập hơn. 

Việc 2 ứng cử viên hàng đầu có lập trường chính trị khác nhau cho thấy kết quả cuộc bầu cử Tổng thống lần này sẽ mang tính chất quyết định chính sách trong nước cũng như ngoại giao của quốc gia Hồi giáo này trong tương lai.

Cho dù lá phiếu có được dành cho ai thì vấn đề chính trong cuộc bầu cử này vẫn là tình trạng của nền kinh tế. Đây cũng là mối lo ngại chính của các cử tri. Kể từ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được thực thi và các biện pháp trừng phạt được nới lỏng vào tháng 1-2016, mà được coi là nhờ vào công lao của Chính phủ Tổng thống Rouhani, lĩnh vực dầu thô của Iran gần như đã phục hồi về mức độ khai thác trước các lệnh trừng phạt là 4 triệu thùng/ngày. 

Vào tháng 2 năm nay, xuất khẩu thậm chí đã chạm tới mốc 3 triệu thùng/ngày trong một thời gian ngắn, lần đầu tiên kể từ năm 1979. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Iran đã tăng tới 7,4% trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9-2016, cho dù mức tăng trưởng như vậy hầu như không đáng ngạc nhiên khi xét tới mức xuất phát điểm vốn đã thấp. 

Ngược lại, nền kinh tế không bao gồm ngành dầu mỏ của Iran lại phát triển ì ạch với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm chỉ 0,9% trong năm 2016, với nhiều người đổ lỗi cho sự miễn cưỡng của các ngân hàng lớn trên thế giới làm ăn trở lại với quốc gia Hồi giáo này. Điều tồi tệ hơn là các lợi ích từ sự phục hồi kinh tế tương đối của Iran vẫn chưa ngấm xuống người dân bình thường. 

Theo các số liệu thống kê chính thức, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng nhẹ lên mức 12,7% (30% đối với thanh niên) trong hai năm qua, cho dù lạm phát đã giảm so với thời kỳ cựu Tổng thống Mahmud Ahmadinezhad cầm quyền. Vượt ra ngoài điều đó, các vấn đề môi trường, thường bị làm trầm trọng hơn bởi tình trạng kém phát triển và khai thác quá mức, đang tới mức khủng hoảng.

Chính vì vậy, chiến dịch tranh cử Tổng thống Iran năm nay chủ yếu tập trung vào nền kinh tế nước này. Các đối thủ của ông Rouhani đã công kích chính phủ ông vì đã không thể cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội bất chấp thỏa thuận hạt nhân và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. 

Theo một khảo sát, có tới 72% cử tri tin rằng, thỏa thuận hạt nhân đã chẳng làm gì để cải thiện tình hình kinh tế của người dân bình thường. Cho dù Chính phủ của Tổng thống Rouhani đã thành công trong việc giải quyết tỷ lệ lạm phát tăng vọt (giảm từ mức hơn 40% vào đầu nhiệm kỳ vào tháng 8-2013 xuống còn khoảng 10%), thành tích này phần nhiều là nhờ vào các thay đổi chính sách đối nội hơn là việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. 

Chính phủ của ông Rouhani đã nêu bật tầm quan trọng của đầu tư quốc tế đối với tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, lập luận rằng, chỉ riêng việc hồi sinh khu vực dầu khí của Iran sẽ cần tới 200 tỷ USD đầu tư trong vòng 4 năm tới. 

Tuy nhiên, một điều rõ ràng là các công ty quốc tế vẫn thận trọng trước các khoản đầu tư quy mô lớn vào Iran. Điều này chủ yếu là do các vấn đề liên quan tới việc đạt được sự đảm bảo về ngân hàng và tài chính cho những thỏa thuận như vậy, tâm lý không thích mạo hiểm và sự tồn tại tiếp tục của các biện pháp trừng phạt chủ yếu của Mỹ đối với Iran. 

Kết quả là cho tới nay, việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt đã không đem lại dòng chảy đầu tư hay tạo việc làm như được trông đợi. Thỏa thuận có rất ít tác động hữu hình đối với tầng lớp trung lưu và lao động của Iran, trong khi bất bình đẳng xã hội lại gia tăng.

Các đối thủ của Tổng thống Rouhani đang tìm cách lợi dụng cảm giác vỡ mộng đang lan rộng này để lấy đi một bộ phận người ủng hộ ông.

Cử tri Iran xếp hàng đợi tới lượt bỏ phiếu.  Ảnh: Reuters
Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.