Bangladesh cho mở cửa lễ hội tôn giáo bất chấp các ca nhiễm kỷ lục

Thứ Tư, 14/07/2021, 09:35
Chính phủ Bangladesh hôm 13/7 cho biết sẽ dỡ bỏ phong toả toàn quốc để chào đón lễ hội tôn giáo lớn thứ hai của quốc gia này trong năm nay, bất chấp các ca nhiễm COVID-19 mới tăng lên mức kỷ lục.

Chính phủ Bangladesh cho biết tất cả các hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng từ ngày 15/7 trước thềm lễ hội Eid al-Adha. Sự kiện tôn giáo của người Hồi giáo này sẽ được tổ chức từ ngày 20 đến 22/7.

Việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ "bình thường hóa các hoạt động kinh tế" trước khi lễ hội diễn ra, chính phủ Bangladesh cho biết thêm.

Vào dịp Eid al-Adha, hàng chục triệu người dân sẽ về nhà thăm gia đình và chào đón lễ hội. (Ảnh: Asianews)

Bangladesh đã áp đặt lệnh phong toả nghiêm ngặt nhất từ ​​trước đến nay từ đầu tháng 7, trong bối cảnh các trường hợp và ca tử vong do COVID-19 mới tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại quốc gia Nam Á này.

Trong thời gian phong toả, mọi người chỉ được phép rời khỏi nhà trong trường hợp khẩn cấp và mua nhu yếu phẩm cần thiết, trong khi các phương tiện giao thông công cộng, cửa hàng và văn phòng buộc phải dừng hoạt động và đóng cửa.

Tuy nhiên, các ca nhiễm tại Bangladesh vẫn tiếp tục gia tăng, với gần 14.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính vào hôm 12/7. Đây là số ca nhiễm hàng ngày kỉ lục được ghi nhận cho tới nay tại Bangladesh, qua đó nâng tổng ca nhiễm ở nước này vượt ngưỡng một triệu.

Số ca tử vong đã tăng lên trên 16.600, song các chuyên gia cho rằng số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều do báo cáo thiếu.

Mohammad Shahidullah, người đứng đầu ủy ban y tế cố vấn cho chính phủ về xử lí COVID-19, cho biết ông và nhóm chuyên gia phản đối việc nới lỏng các hạn chế.

"Ủy ban cho rằng lệnh phong toả nghiêm ngặt nên được tiếp tục cho đến khi các ca nhiễm mới có xu hướng giảm. Hiện mức độ lây nhiễm vẫn còn rất cao", ông Shahidullah nói.

"Việc nới lỏng hạn chế có thể gây đại hoạ. Tình hình dịch đang ở mức đáng báo động", cựu cố vấn khu vực Đông Nam Á cho  Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Muzaherul Huq cảnh báo.

Giới chuyên gia lo ngại rằng khi nới lỏng các hạn chế, nhiều người dân sẽ đổ về các khu chợ để mua bán gia súc về giết thịt, cũng như diễn ra các cuộc tụ tập đông người, từ đó có thể dẫn đến tình trạng siêu lây nhiễm.

Cùng ngày, Bangladesh cũng cho khởi động lại việc tiêm chủng COVID-19 sau khi quốc gia này phải hoãn lại chiến dịch này vào cuối tháng 4 do yêu cầu tạm dừng nhập khẩu vaccine từ Ấn Độ.

Bangladesh cũng vừa nhận được 2 triệu liều vaccine của hãng Sinopharm từ Trung Quốc và 2,5 triệu liều vaccine Moderna từ Mỹ thông qua cơ chế COVAX. Dự kiến ​​sẽ có thêm 6 triệu liều vaccine Moderna và 5 triệu liều vaccine Sinopharm sẽ đến Bangladesh vào tháng 8 tới.

Cao Trung (Thep AFP)
.
.
.