30 ngày điều hành nước Mỹ của tân Tổng thống Donald Trump
Sắc lệnh bãi bỏ Obamacare
Quyết sách đầu tiên của Donald Trump ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức là ký sắc lệnh hủy bỏ chương trình Obamacare bởi theo ông đây một “thảm họa” cần được dỡ bỏ ngay lập tức và thay thế bằng một chương trình khác có tính khả thi và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Mỹ.
Trong tác phẩm mang tựa đề “Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ”, Donald Trump đã phân tích và lý giải đề xuất của ông về bãi bỏ Obamacare với lập luận gồm những điểm cơ bản sau: (1) Obamacare đang phá hỏng hệ thống chăm sóc y tế và giết chết việc làm và sẽ là gánh nặng ngàn tấn vĩnh viễn đè nặng nền kinh tế Mỹ; (2) Obamacare giống như một quả tên lửa có sức công phá mạnh và độ chính xác cao sẽ phá hủy việc làm và các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, đẩy các doanh nghiệp này vào tình cảnh “tồn tại với đời sống đời thực vật”; (3) Obamacare khiến tình trạng nợ công của chính phủ Mỹ trở nên thảm họa với khoản nợ đã lên tới gần 20 ngàn tỷ USD là một vụ “tự sát tài chính”.
Vì thế Donald Trump có kế hoạch thay thế Obamacare bằng một chương trình khác bảo đảm có bảo hiểm cho tất cả mọi người. Hiện tại tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa tiết lộ chi tiết về đề xuất của mình nhưng ông cho biết kế hoạch này gần hoàn tất và sẵn sàng công bố kế hoạch đó cùng với các lãnh đạo của Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát và đợi người mà ông đề cử vào vị trí Bộ trưởng Y tế được phê chuẩn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua hàng loạt quyết sách làm khuynh đảo chính trường. |
Sắc lệnh đưa Mỹ rút khỏi TPP
Chỉ 3 ngày tuyên thệ nhậm chức, vào ngày 23-1-2017, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh khác rất quan trọng và cũng gây nhiều tranh cãi là quyết định đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được đánh giá là “hiệp định xuyên thế kỷ XXI” và là một di sản lớn của người tiền nhiệm Barack Obama.
Với TPP, Barack Obama đã từng tuyên bố, Mỹ “sẽ viết luật chơi cho cả thế giới trong thế kỷ XXI chứ không phải là Trung Quốc hay là Nga”. Thế những, “luật chơi” đó của nước Mỹ đã bị Donald Trump xóa bỏ bằng một chữ ký.
Liên quan tới TPP, trước hết, cần nhận thấy cả Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama cũng như tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đều xuất phát từ mục tiêu đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết. Tuy nhiên, mỗi người thực hiện mục tiêu đó theo cách hoàn toàn khác nhau.
Theo quan điểm kinh tế-chính trị học, trong khi thúc đẩy TPP, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục đưa nước Mỹ đi theo mô hình phát triển chủ nghĩa tư bản tài chính-ngân hàng được hình thành từ năm 1944 bằng Hiệp định Breton-Wood.
Đi theo mô hình này, nền kinh tế Mỹ không còn dựa chủ yếu vào nền sản xuất thực mà là dựa chủ yếu vào dịch vụ tài chính-ngân hàng, đã từng đem lại 60% GDP. Tuy nhiên, mô hình này đã trải qua hai lần khủng hoảng vào năm 1972 và năm 2008, trong đó cuộc khủng hoảng sau là trầm trọng nhất, được nhìn nhận là cuộc khủng hoảng hệ thống.
Để cứu vớt sự sụp đổ mô hình này, Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định đưa Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong hai hiệp định lớn nhất thế giới là TPP và Hiệp định đầu tư-thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), tạo không gian cho đồng đô la Mỹ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu-Đại Tây Dương.
Trong khi đó, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đưa nước Mỹ phát triển theo mô hình chủ nghĩa tư bản công nghiệp mới, theo đó nền kinh tế Mỹ sẽ dựa vào nền sản xuất thực chứ không dựa chủ yếu vào dịch vụ tài chính-ngân hàng.
Do đó, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đưa Mỹ rút khỏi TPP và ngừng đàm phán về TTIP, đồng thời sẽ tiếp tục thương lượng hiệp định mậu dịch song phương với từng nước tham gia TPP nhằm tạo ra nhiều cơ hội cho sản xuất trong nước, biến Mỹ trở thành siêu cường quốc công nghiệp trong thế kỷ XXI, hoặc như ông vẫn nói là “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Ngày 30-1-2017, Mỹ đã hoàn tất thủ tục rút khỏi TPP bằng một thông báo chính thức gửi đến 11 nước thành viên còn lại. Quyết định của ông Donald Trump dừng TPP gây nên cơn bão tranh luận trên khắp thế giới.
Sắc lệnh hạn chế người nhập cư từ một số nước
Ngày 27-1-2017, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp mới, theo đó, Mỹ tạm thời không tiếp nhận công dân đến từ 7 quốc gia có đông dân Hồi giáo vào Mỹ, gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và Syria trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 nước trên nhập cảnh Mỹ trong 90 ngày.
Các trường hợp ngoại lệ bao gồm thị thực của các nhà ngoại giao và Liên Hợp Quốc. Trong khoảng thời gian trên, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ rà soát lại các đơn yêu cầu tị nạn cũng như thủ tục tiếp nhận người tị nạn.
Ngoài ra, theo sắc lệnh mới được ký kết, Mỹ sẽ cắt giảm một nửa hạn mức người tị nạn vào Mỹ trong năm 2017 xuống còn 50.000 người, so với 110.000 người thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Ông Donald Trump cũng quyết định dành ưu tiên cho người theo đạo Thiên chúa và một số cộng đồng tôn giáo thiểu số hơn so với người theo đạo Hồi trong quá trình nhập cư vào Mỹ.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với việc nhập cảnh vào Mỹ, bao gồm quy trình sàng lọc kỹ lưỡng hơn với các cuộc phỏng vấn được thực hiện dày đặc hơn, các cơ sở dữ liệu xác định nhân thân mở rộng hơn và các văn bản xin thị thực được quy định chi tiết hơn.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn tới quyết định của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hạn chế người nhập cư và tị nạn từ một số nước có đông dân theo đạo Hồi xuất phát từ một thực tế là, hiện nay một số thế lực ngầm đang sử dụng dòng người di cư như một lá chắn hợp pháp để di tản các lực lượng khủng bố đang bị Quân đội Syria và Nga truy quét ở Syria.
Câu chuyện này tương tự như hiện tượng đã từng diễn ra vào giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới lần thứ II, trong đó các thế lực ngầm cũng thực thi chiến dịch di tản các phần tử phát xít sắp bị Hồng quân Liên Xô tiêu diệt, chạy sang Mỹ và một số nước phương Tây, chờ thời cơ phục hồi chủ nghĩa quốc xã.
Với lý do đó, cuộc nói chuyện điện thoại giữa tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Bligh Turnbull dự kiến kéo dài một giờ nhưng đã bị chủ nhân Nhà Trắng bất ngờ ngắt vào phút thứ 25 bởi Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhắc nhở ông Donald Trump về một thỏa thuận ngầm giữa Canbera với Washington, theo đó mỗi năm Mỹ tiếp nhận hàng ngàn người di cư bị tạm giữ tại một trung tâm ở Australia.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi thỏa thuận tiếp nhận người tị nạn từ Australia là “hợp đồng tồi tệ nhất mọi thời đại” và cáo buộc Thủ tướng Australia Malcolm Bligh Turnbull có ý định “xuất khẩu những tên khủng bố Boston tới Mỹ”.
Sắc lệnh hạn chế người nhập cư của ông Donald Trump đã vấp phải làn sóng phản đối gay gắt, được thể hiện ở các vụ kiện đã được đệ trình tại các bang Washington, Virginia, Massachusetts, Hawaii, New York, Michigan và California.
Thẩm phán liên bang ở Seattle, bang Washington, đã yêu cầu tạm ngưng thực hiện sắc lệnh hạn chế nhập cư của tân Tổng thống Donald Trump trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới cũng đồng loạt lên tiếng chỉ trích sắc lệnh gây tranh cãi này.
Đối mặt với nội các bất ổn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ
Thông thường, tân tổng thống Mỹ chỉ cần khoảng 30 ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức đã hoàn thành xong bổ nhiệm nội các mới. Thế nhưng, do những quyết sách đầy mâu thuẫn, gây tranh cãi, thậm chí bị phản đối gay gắt ngay trong Quốc hội Mỹ nên đến nay ông Donald Trump vẫn chưa hoàn tất xây dựng nội các.
Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, nhân vật có vị thế quan trọng số 1 trong nội các, vừa phải từ chức do bị báo chí Mỹ cáo buộc “có mối quan hệ không minh bạch với Đại sứ Nga ở Mỹ”.
Liên quan tới hình hình này, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải tuyên bố rằng ông đang phải đối mặt với “một nội các bất ổn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Với 30 ngày điều hành nước Mỹ và với một nội các được ví như một “mớ hỗn độn”, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chèo lái chính trường nước Mỹ đi tới đâu trong những ngày tới là một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ, với những đáp án có lẽ cũng sẽ đầy bất ngờ tương tự như chuyện nhà tỷ phú này giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong năm 2016.