Nữ hiệp sỹ Nguyễn Hồng Xuân Trường:

Xin được hiến xác cho y học

Thứ Ba, 06/12/2016, 11:05
Nói về nữ hiệp sỹ Nguyễn Hồng Xuân Trường ở Câu lạc bộ hiệp sỹ phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hẳn có rất nhiều người biết đến chị. Ngoài thành tích hàng trăm lần bắt cướp chị còn là một võ sỹ taekwondo từng nhiều lần đoạt huy chương cấp tỉnh và là tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống đối với nhiều cô gái thế hệ 8X ở khu công nghiệp V.SIP nơi Trường làm việc.


1. Sáng sớm một ngày giữa tháng 11-2016, khi đang chuẩn bị dắt chiếc xe gắn máy ra khỏi nhà đi làm thì chuông điện thoại của tôi reo vang. Bầu trời ảm đạm, mưa giăng bay do ảnh hưởng của bão chồng áp thấp nhiệt đới nhưng đầu dây bên kia giọng của Nguyễn Hồng Xuân Trường thì cứ vui như tết.

Chưa kịp hỏi thăm gì, Trường đã nhanh nhảu thông báo: "Nhà báo ơi… em đã có được tấm thẻ của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch rồi…Vậy là tâm nguyện của em đã được thỏa mãn… Chiều nay mời anh lên Bình Dương uống bia với gia đình em nhé. Chắc chắn phải có mặt đấy".

Thắc mắc về việc tại sao Trường lại được Trường Đại học Y khoa cấp thẻ, tôi hỏi lại cho rõ nhưng phải chờ đến gần 15 phút sau khi niềm vui lắng lại, Trường mới giải thích cặn kẽ rằng từ nhiều năm nay cô đã nuốm ghi danh để thực hiện mong muốn tự nguyện hiến tạng cho y học. 

Tuy nhiên vì điều kiện cuộc sống gặp nhiều khó khăn, lại phải kiếm tiền chăm lo cho mẹ già và phải đến cuối năm 2016 này cô mới có thời gian rảnh xuống trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đăng ký và được nhà trường đồng ý tiếp nhận.

Xuân Trường tranh thủ nấu cơm tối cho chồng con trước khi lên đường đi tuần tra bắt cướp.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về võ thuật ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cha cô từng là vận động viên taekwondo, mẹ là võ sư vovinam từng mang về cho đoàn thể thao của tỉnh Bình Dương nhiều tấm huy chương khi tham gia thi đấu các giải trong nước và quốc tế.

Ngày Trường mới sinh được 6 tháng, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn nên cha mẹ đã để cô ở nhà cho người chị chăm sóc dành thời gian đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền chăm lo cho gia đình.

Đến năm 12 tuổi, Trường được cha mẹ gửi vào lớp học võ thuật để rèn luyện thân thể. Nhưng có lẽ do được truyền dòng máu võ thuật của cả cha lẫn mẹ nên cô bé mảnh khảnh, nhỏ thó nhanh chóng lĩnh hội được những tinh hoa của môn taekwondo và sau đó cũng đã mang về cho trường cấp 2 mà cô theo học nhiều tấm huy chương vàng, bạc các loại tại Hội khỏe Phù Đổng của tỉnh.

Cũng bởi hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên đầu năm học cấp 3, Trường quyết định không theo nghiệp võ mà hàng ngày cứ sau giờ đi học, cô lại dành gần hết thời gian ra quán phụ bưng bê thức ăn, dọn dẹp bát đĩa, ngoài ra cô còn tranh thủ đi lấy mối các loại lạc rang, bánh phồng tôm, cóc, ổi, xoài… mang về bán cho thực khách nhậu tại quán.

Đến trước thềm tốt nghiệp cấp 3, Trường quyết định không thi vào đại học mà xin đi làm công nhân để kiếm tiền đỡ gánh nặng cho mẹ. Được một thời gian, thì ông chủ người Đài Loan do làm ăn thua lỗ đã cho ngưng hoạt động để thanh lý nhà xưởng và Trường cùng hàng trăm công nhân khác rơi vào cảnh thất nghiệp.

Đang trong lúc ngược xuôi đi tìm chỗ làm mới thì vào cuối năm 2008, Khu du lịch Đại Nam thông báo thuê "hiệp sỹ" vừa làm bảo vệ, vừa đảm nhận công việc cảnh giới, phát hiện và truy bắt các đối tượng trộm cắp, móc túi du khách. Nhận thấy mình có thể đảm nhận được công việc này, Trường nộp đơn xin vào thử việc và chỉ sau vài phút thể hiện, Trường đã được tiếp nhận.

Một đêm gần Tết 2010, đang trong lúc rong ruổi trên đường gần ngã tư Quốc tế, TP. Thủ Dầu Một, Trường bỗng nghe tiếng tri hô cướp… cướp. Vòng xe quay lại, Trường phát hiện 4 đối tượng giật sợi dây chuyền của một nữ công nhân vừa tan ca rồi đạp cô này ngã văng ra đường gây thương tích khá nặng trước khi phóng lên hai xe gắn máy tháo chạy.

Trường lập tức tăng ga đuổi theo. Trong lúc truy đuổi, cô đã bị 4 tên cướp ép cho cả người và xe ngã lăn ra đường. Nhưng bằng sự quyết tâm của mình cùng sự hỗ trợ của một nhóm hiệp sỹ, cô đã tóm gọn được cả 4 tên cướp giao cho Công an xử lý.

Sau lần bắt cướp ấy, hàng đêm cứ vào giờ các công nhân tan ca, Trường lại xách xe gắn máy đi tuần và chỉ trong vòng hơn một tháng cô đã bắt được 16 đối tượng đang thực hiện hành vi cướp tài sản của công nhân.

Nhận thấy bọn cướp giật chủ yếu nhắm vào các nữ công nhân chân yếu tay mềm không có khả năng kháng cự lại, Trường thấy xót xa và muốn làm điều gì đó để giúp đỡ những người phụ nữ cùng cảnh ngộ.

Trường đã về bàn với chồng và mẹ xin nghỉ việc ở Khu du lịch Đại Nam, tìm một việc mới trong khu công nghiệp để mỗi khi tan ca cô có thể hòa nhập với công nhân nhằm dễ bề phát hiện những đối tượng trộm cướp trà trộn vào.

Lúc đầu những người thân của Trường có vẻ ái ngại vì… "con gái lại đi làm công việc nguy hiểm mà trước đó chỉ có đàn ông con trai đảm nhận". Tuy nhiên trước sự quyết tâm của Trường, cuối cùng gia đình cũng đồng ý. Kể từ khi có Trường cùng sự hợp tác của một nhóm hiệp sỹ khác, tình trạng cướp giật tại các cung đường ở một số khu công nghiệp TP. Thủ Dầu Một đã giảm rất nhiều, các nữ công nhân cũng yên tâm hơn mỗi khi tan tầm về nhà.

Thẻ hiến xác do trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp cho Trường.

2. Khi được hỏi cơ duyên nào mà lại quyết định hiến xác cho y học và giúp những người có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo, Trường chìa hai cánh tay với đầy những vết sẹo bảo: "Trong những năm tháng lặn lội trên các cung đường để bắt cướp, em đã đụng độ rất nhiều loại đối tượng từ nghiện hút, trộm cắp vặt cho đến giang hồ chuyên sử dụng mã tấu, kiếm, dao các loại để hù dọa nạn nhân. 

Đặc biệt là sẵn sàng chém những người truy bắt để thoát thân, nhưng dù chúng có hung hãn đến đâu, sử dụng hung khí gì thì cũng phải thúc thủ trước những miếng võ thuật mà cha mẹ em truyền lại, cao lắm thì bị thương chút đỉnh… 

Nguy hiểm nhất là bị bọn tội phạm dùng cây thọc vào bánh xe khi đang trên đường truy đuổi vì đang chạy tốc độ cao mà ngã văng ra đường thì khả năng chấn thương là rất nặng, có khi còn ảnh hưởng đến cả tính mạng… Mình khỏe thế này mà không hiến xác cho y học thì phí lắm…".

Đầu năm 2015, trong lúc một mình chạy xe gắn máy truy đuổi 3 tên cướp, cô đã bị một tên dùng mã tấu thọc vào bánh xe khiến cô ngã văng ra đường. Do đã lường trước được sự việc, cô quăng xe rồi lăn vào lề đường nhưng chẳng may va vào cột bê tông khiến cô bị chấn thương nặng ở đầu, sườn và khớp gối, phải điều trị hàng tháng trời trong bệnh viện.

Thời gian nằm điều trị bệnh, thấy có nhiều bệnh nhân bị các chứng bệnh suy thận, gan… nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên chỉ có thể điều trị cầm chừng và luôn mang nặng tư tưởng phó thác cho số phận.

Nguyễn Hồng Xuân Trường trong lần được nhận giấy khen của Công an tỉnh Bình Dương.

Nhớ lại những lúc đối đầu với lằn ranh sinh tử, Trường chợt nghĩ đã đam mê công việc "vác tù và hàng tổng" (bắt cướp) như bản thân thì chuyện sinh tử không thể nói trước được, mà lỡ có không giữ được tính mạng thì khi chết cũng phải giúp ích được chút gì đó cho đời, cho người.

Nghĩ đến đây, Trường lập tức lết ra hành lang tìm đến phòng bác sỹ trực để hỏi thăm về thủ tục làm sao có thể hiến các bộ phận trong cơ thể cho người bệnh nếu chẳng may qua đời… thì bị người bác sỹ kia mắng: "Bản thân đang bị thương nặng sao không lo cho mình mà lại đi lo chuyện cho người khác…".

Mắng yêu Trường là vậy nhưng dường như thấu hiểu được tâm nguyện của cô nên ngày hôm sau vị bác sỹ này đã đến phòng bệnh hướng dẫn cho cô đến các trường đại học y dược để liên hệ và không quên động viên cô hãy lo cho mình khỏe mạnh trước khi muốn giúp đỡ người khác. 

Mang chuyện này về bàn với những người thân trong gia đình, Trường bị mẹ và chị gái phản đối kịch liệt vì cho rằng nếu có làm ma thì cũng phải giữ lấy cái mạng để kiếp sau còn đầu thai.

Riêng chồng của Trường thì không nói nửa lời mà lặng lẽ làm đơn đưa ra tòa án đề nghị ly hôn. Không từ bỏ ý định của mình, những lúc gia đình quây quần bên nhau, Trường lại lựa lời năn nỉ mẹ, chị và đến khi một thầy giáo trẻ ở cạnh nhà đột ngột qua đời vì tai nạn và gia đình cũng hiến xác cho y học thì những người thân của Trường bắt đầu xuôi tai.

Có được sự hậu thuẫn của gia đình, ngày 30-4-2015, Trường một mình lặn lội xuống TP. Hồ Chí Minh, tìm Bệnh viện Đại học Y dược. Gần một ngày chờ đợi, cô được một bác sỹ tiếp đón nhưng trả lời rằng bệnh viện không nhận hiến tạng mà chỉ có trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mới là nơi để cô gửi gắm ước nguyện.

Nhưng do phải trở về với công việc làm công nhân trong khu chế xuất để kiếm sống nên phải gần một tháng sau Trường mới nhờ người chở xuống TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục đăng ký được.

Trải qua một số công đoạn làm các xét nghiệm, đến giữa tháng 11-2015, Trường đã được bộ môn giải phẫu Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch thông báo chấp thuận đề nghị tự nguyện và cấp cho cô một tấm thẻ hiến xác. Tuy nhiên do thời điểm ấy bọn tội phạm cướp giật ở các khu công nghiệp ở Bình Dương đột ngột gia tăng nên Trường cứ mải miết lặn lội cùng các hiệp sỹ đi bắt cướp và phải đến một năm sau cô mới có thời gian quay lại nhận tấm thẻ hiến xác.

"Nói thật là khi cầm được tấm thẻ trên tay, em mừng như bắt được vàng vì biết rằng dù bản thân có thế nào đi chăng nữa thì mình cũng có thể góp tấm thân cát bụi này giúp ích cho cho những học sinh ngành y có điều kiện tìm hiểu thực tế trên cơ thể người để khi ra trường sẽ vững vàng trong việc chữa bệnh cứu người, nhất là giúp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn vượt qua được cơn hiểm nghèo trở về vui vầy với gia đình họ", Nguyễn Hồng Xuân Trường chia sẻ.

Đức Cương
.
.
.