Vua gameshow truyền hình thuần Việt: Khát vọng và đam mê!

Thứ Năm, 25/10/2012, 15:06
Anh là người làm kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo truyền thông, còn là một người làm văn hóa, vừa là một nhà hảo tâm lặng lẽ ở Sài Gòn. Trong vòng hai năm cho ra đời đến bốn gameshow truyền hình có sức lan tỏa rộng, anh Nguyễn Đức Tiến-Tổng giám đốc Công ty Quảng Cáo Nhất được mệnh danh là ông Vua gameshow truyền hình thuần Việt.

Cuộc trò chuyện ngổn ngang những trăn trở, những dự định, những mong ước cho công việc không phải để kinh doanh có lãi mà mục tiêu chính là để cho cuộc sống của những người dân nghèo khổ tiến lên cùng xã hội ngày càng phát triển. Chuyến xe từ thiện chương trình truyền hình Khát Vọng Sống được dẫn đường bởi người không còn nghĩ về mình dù là một chút…

Ông Vua gameshow truyền hình thuần Việt

Có lẽ khi xem một chương trình truyền hình, khán giả chỉ quan tâm đến mức độ hấp dẫn của chương trình mà ít ai quan tâm đến người viết ra kịch bản. Những người viết kịch bản gameshow truyền hình như Giám đốc Đức Tiến đang lặng lẽ nỗ lực khẳng định óc sáng tạo vô vàn của người Việt trong sự du nhập của hàng loạt gameshow truyền hình nước ngoài nổi đình nổi đám thời gian gần đây.

Năm 2005, chương trình truyền hình "Việt Nam quê hương tôi" do anh viết kịch bản được phát sóng trên kênh HTV9. Cũng trong năm đó, trước sự gợi ý của Ban giám đốc Đài tiếng nói nhân dân TP HCM về một gameshow trên đài phát thanh, chương trình Cuộc sống quanh ta ra đời và được xác lập kỉ lục trò chơi trên sóng phát thanh đầu tiên tại Việt Nam. 

Năm 2006, anh Tiến tiếp tục viết kịch bản chương trình Thế giới tuổi teen một chương trình thực tế quay ngoài trời cho Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Năm 2007, tiếp tục với chương trình Bước chân thần tốc là một gameshow vận động có nội dung nói đến lịch sử Việt Nam. Danh hiệu Ông vua gameshow truyền hình thuần Việt gắn với anh từ đó.

Tất cả xuất phát từ niềm trăn trở tại sao Việt Nam lại phải đi mua bản quyền của các chương trình nước ngoài, trong khi người Việt Nam vốn được xem là dân tộc có nhiều sáng kiến và sáng tạo. Anh muốn nấu những món ăn tinh thần phục vụ khán giả Việt với mục đích đi sát thực tế cuộc sống người Việt, mang định hướng văn hóa và nhận thức người Việt.

Để có thể khẳng định được chỗ đứng của những gameshow đó, Đức Tiến đã trải qua không ít gian nan, vất vả. Xu hướng làm chương trình gameshow là vận động nguồn tài trợ, nhưng những bước đi đầu tiên để gameshow truyền hình được lên sóng nguồn kinh phí duy nhất là từ hầu bao của bản thân và hỗ trợ của gia đình, cho đến khi các nhà tài trợ đã thấy được tính khả thi và hiệu quả mang lại của chương trình truyền hình đối với công chúng.

Thời điểm hiện tại khi một chương trình mới của anh ra đời, các nhà tài trợ đã không còn băn khoăn đến khả năng thành công của chương trình do anh viết. Quá trình miệt mài với công việc khẳng định hiệu quả của những kịch bản chương trình truyền hình là bước trải nghiệm để anh tiếp tục viết và theo đuổi những chương trình thuần Việt khác nữa.

Tuổi đời của một chương trình truyền hình thường từ hai đến ba năm thì phải thay đổi loại hình mới. Sức sáng tạo trong vóc người nhỏ bé của Giám đốc Đức Tiến liên tục không ngừng. Bên cạnh chương trình truyền hình văn hóa, tâm huyết của anh còn đổ dồn vào những chương trình xã hội từ thiện. Năm 2007, chương trình xã hội từ thiện Khát Vọng Sống ra đời và hiện nay còn có chương trình Cho Lúa thêm bông cũng là một chương trình hỗ trợ người nghèo.

Khẳng định được những thành công của mình trong lĩnh vực truyền hình với hàng chục giải thưởng nhưng anh chỉ dám nhận về mình sự yêu quý của anh em trong giới truyền hình khi gọi anh là ông Vua gameshow truyền hình thuần Việt. Dáng người nhỏ bé với giọng nói miền Nam thân thiện, ông Vua Đức Tiến vi hành khắp làng xóm Việt Nam, tỉ mẩn tìm hiểu cuộc sống và con người Việt; ấp ủ những chương trình gameshow văn hóa, xã hội với mong muốn hiếm có ai dám mơ tưởng đến.

Tẩn mẩn đi tìm những chương trình văn hóa đích thực

Giám đốc Đức Tiến xuất thân là cán bộ đoàn từ những ngày còn đi học. Anh nói rằng hoạt động đoàn là niềm đam mê và yêu thích nhất trong những năm tháng tuổi trẻ của anh. Con người anh lúc đó ngập tràn ý chí và lòng nhiệt huyết khi tham gia những hoạt động chính trị và văn hóa của Đoàn Thanh niên. Anh luôn luôn tin rằng khi người thanh niên có một lý tưởng nào đó thì có sức mạnh dời non lấp biển. Có lẽ những năm tháng tuổi trẻ đó là bước khởi đầu vững chắc cho anh trong công việc văn hóa xã hội hiện nay anh đang làm.

Đam mê những hoạt động văn hóa xã hội từ rất sớm, mục tiêu của Giám đốc Đức Tiến trong công việc sáng tạo những chương trình truyền hình hiện nay là chuyển tải thông tin, kiến thức đến cho người dân lao động Việt Nam còn thiếu. Theo anh, cuộc sống xã hội ngày một tốt đẹp, thì cuộc sống của chính bản thân anh cũng ngày một "giàu có".

Cho nên bất kì một chương trình văn hóa nào của anh ra đời phải mang hiệu quả định hướng tốt anh mới thực hiện..Làm chương trình truyền hình về văn hóa là công việc rất khó khăn. Vừa phải mang tính giải trí vừa phải tạo được giá trị nhất định về văn hóa, tức là truyền tải thông tin hữu ích đến cho người dân nhằm làm phong phú thêm sự hiểu biết và thay đổi cách ứng xử của con người.

Năm 2010, giải thưởng Sáng tạo Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tổ chức dành cho Công ty Quảng cáo Nhất của Giám đốc Đức Tiến trong lĩnh vực truyền hình với đề tài biến đổi khí hậu. Đây là một đề tài rất khó thực hiện trong thực tế cuộc sống người dân còn quá nghèo khổ.

Cái nghèo về vật chất làm cho người dân không thể nào quan tâm tới vấn đề khí hậu hay việc sử dụng năng lượng sạch trong cuộc sống. Với những trăn trở nung nấu từ rất lâu, giải pháp anh đưa ra trong chương trình truyền hình này được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao. Đây cũng là dự định tiếp theo của anh để sản phẩm tinh thần này đến với khán giả trong thời gian tới với niềm tin sẽ thay đổi được hành động của con người để bảo vệ khí hậu, môi trường.

Trăn trở của anh bây giờ là việc anh chưa tìm được sự ủng hộ của các cấp chính quyền về văn hóa đối với những chương trình có giá trị thực tế như thế này. Tỉ mẩn  những công việc nhỏ nhất, anh tin rằng sẽ tìm được chỗ đứng cho những chương trình văn hóa đích thực, trong hiện thực các chương trình truyền hình văn hóa dần mất đi vẻ đẹp của nó bởi những vụ scandal lùm xùm không đáng có.

Đối với Giám đốc Đức Tiến việc làm văn hóa không được phép sinh lợi nhuận, nếu kinh doanh văn hóa thì đã làm biến thái đi giá trị văn hóa và những người làm điều đó là những người vô văn hóa. Khi làm chương trình văn hóa "Bước chân thần tốc" một chương trình về lịch sử Việt Nam, Nhà sử học Dương Trung Quốc có động viên anh rằng: "Tiến làm chương trình này là đã đánh vào tâm thức con người chứ không chỉ đơn thuần đánh vào kiến thức".

Đó là niềm hạnh phúc nhất của anh sau những ngày làm việc không biết mệt mỏi. Anh luôn tâm niệm rằng: "Con người ta luôn chọn những cái nhất" để luôn phấn đấu tạo ra những sản phẩm truyền hình hạng nhất trên mọi phương diện dành cho khán giả, cũng giống như cái tên anh đặt cho công ty của mình.

Khát Vọng Sống sẽ không ngừng

Bên cạnh những chương trình văn hóa, Giám đốc Đức Tiến còn được xem là một nhà hảo tâm tiên phong bởi cách làm mới mẻ và thực chất, từ những chương trình truyền hình xã hội từ thiện của anh, đặc biệt là chương trình Khát Vọng Sống hiện đang được phát sóng trên bốn đài truyền hình: Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Bình Phước.

Trước đây các đài truyền hình thường chọn một nhân vật làm clip phát sóng rồi kêu gọi các nhà hảo tâm, nhưng theo anh Tiến: "Bản thân mình không giúp đỡ người đó sao có thể kêu gọi người khác giúp đỡ được". Những nhân vật trong chương trình Khát Vọng Sống của anh là những người nghèo, những người có cuộc đời khốn khó, bi kịch nhưng họ luôn luôn nỗ lực vươn lên, và có khát vọng sống mãnh liệt.


Chương trình đến với họ vì trách nhiệm giữa con người và con người, là sự chia sẻ chung tay của xã hội chứ không hề là lòng thương hại. Đã đi qua bốn năm phát sóng và giúp đỡ được hàng trăm hoàn cảnh khó khăn thay đổi hoàn toàn cuộc sống, mục tiêu của Khát Vọng Sống mà Giám đốc Đức Tiến hướng đến là trở thành chiếc cầu nối giữa cộng đồng với nhau. Đi khắp 64 tỉnh, thành trên đất nước, chứng kiến nhiều mảnh đời khốn khó, những hoàn cảnh vô cùng éo le đã nảy sinh trong anh ý muốn làm điều gì đó có ích cho con người.

Ngoài sự chung tay của các doanh nghiệp và cá nhân làm từ thiện lặng lẽ, bản thân Giám đốc Đức Tiến cũng tự bỏ kinh phí ra để làm đúng như phương châm của chương trình. Tham gia những chuyến đi từ thiện, những chuyến đi thực tế thăm lại các nhân vật mới thấy được hết những nỗ lực của anh.

Chương trình không chỉ quyên góp vật chất đơn thuần mà còn hỗ trợ những người nghèo có điều kiện khám, chữa bệnh, xây sửa nhà cửa, học tập và quan trọng hơn hết là cùng họ bàn bạc đến giải pháp thoát nghèo trọng hoàn cảnh của riêng từng người. Những nhân vật khó khăn mà chương trình Khát Vọng Sống quan tâm sẽ không bao giờ phải lặp lại hoàn cảnh cũ nữa và còn có thể vươn lên và có ý thức giúp đỡ những hoàn cảnh khác.

Không một chút suy đắn đo, ông Vua gameshow truyền hình thuần Việt nỗ lực cho những trăn trở tưởng chừng như quá lớn lao, quá xa vời. Ai cũng có một cuộc sống riêng cần phải vun đắp, nhưng đối với anh Tiến vun đắp cho xã hội cũng là vun đắp cho chính mình, điều mà hình thành trong anh từ những ba mẹ và cô chú là những nhà giáo trong gia đình từ khi còn tấm bé.

Hạnh phúc của anh ở nhà là có một người vợ đảm đang và luôn ủng hộ anh trong mọi việc, có những đứa con luôn biết sống vì người khác. Có thể công việc buộc anh phải đi công tác nhiều, nhưng dường như cả gia đình anh luôn đồng hành cùng những dự án xã hội mà anh tâm huyết.

Anh nói rằng không có dấu mốc đánh giá sự thành công trong sự nghiệp của anh, càng về sau càng có nhiều việc để làm. Nhưng anh luôn khẳng định một điều chắc chắn rằng: Khát vọng sống sẽ không ngừng kể cả khi anh không còn hiện hữu

Cẩm Huyền
.
.
.