VĐV bóng chuyền Phạm Thị Kim Huệ - Hồng nhan đa truân

Thứ Tư, 13/05/2020, 15:47
Dù luôn xinh đẹp trong mọi thời điểm, nét buồn vẫn là một thứ mãi đeo đẳng cựu VĐV bóng chuyền đội tuyển quốc gia Việt Nam, Phạm Thị Kim Huệ.


Với suy nghĩ thông thường, nhan sắc là một món quà của tạo hóa. Người vừa có nhan sắc, vừa có tài năng coi như đã có xuất phát điểm trong cuộc sống cao hơn một bậc. Nhưng cổ nhân cũng có câu "hồng nhan đa truân", cựu VĐV bóng chuyền đội tuyển quốc gia Việt Nam, Phạm Thị Kim Huệ chắc chắn thấm thía điều này bởi dù luôn xinh đẹp trong mọi thời điểm, nét buồn vẫn là một thứ mãi đeo đẳng người phụ nữ sinh năm 1982 này.

Những thiệt thòi trong sự nghiệp

Gần 20 năm thi đấu với những thăng trầm trong sự nghiệp, Kim Huệ trở thành một tượng đài của làng bóng chuyền nữ Việt Nam với 9 chức vô địch quốc gia, 7 tấm Huy chương Bạc SEA Games cùng kỷ lục 17 lần liên tiếp tham dự giải vô địch quốc gia. Bên cạnh đó là hàng loạt các danh hiệu tập thể cũng như cá nhân tại các giải đấu trong và ngoài nước.

Nhưng khác với nhiều đồng nghiệp, Kim Huệ không sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao. Dù được thừa hưởng gen cao khi các thành viên họ hàng nội ngoại đều cao trên 1,70m nhưng Kim Huệ lại thiếu sự định hướng chuyên nghiệp trong giai đoạn rất quan trọng thuở ban đầu.

Kim Huệ đến với đam mê cả đời theo cách vô cùng tình cờ. Đó là khi đang học cấp 2, trong một cuộc thi cấp trường, Huệ giành được tấm Huy chương Đồng môn… điền kinh. 

Ngày đó, cô bé cao 1m68 nhưng nặng có… 40kg rất mê chạy. Sau đó, Huệ được tuyển vào đội trẻ điền kinh Hà Nội rèn giũa khoảng 5 tháng. Năm 1996, khi đội bóng chuyền Bộ Tư lệnh Thông tin tuyển sinh lứa tuổi từ 1979 đến 1982, mẹ Huệ vì thương con theo nghiệp điền kinh vất vả nên đã đưa đi thi và trúng tuyển, sau đó cô trụ lại qua nhiều lần sàng lọc gắt gao.

Theo thời gian, với năng khiếu bẩm sinh, Kim Huệ phát triển thần tốc. Chưa đầy 19 tuổi, Kim Huệ được giao chiếc băng đội trưởng ở cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia. Thời đỉnh cao 2002 - 2007, không ai ở khu vực có thể chơi hay hơn cô ở vị trí phụ công, cũng như có sức ảnh hưởng đến một đội tuyển quốc gia và CLB như Kim Huệ. 

Còn nhớ SEA Games 2003 trên sân nhà, Kim Huệ đã khẳng định bản thân với tư cách mũi đánh nhanh vào loại hay nhất Đông Nam Á, đặc biệt với cú đánh một chân ở vị trí số 2 đủ khuất phục mọi dàn chắn. Kim Huệ cùng với Ngọc Hoa từng là cặp đôi Phụ công hàng đầu Đông Nam Á. 

Kim Huệ từng là phụ công số 1 của bóng chuyền Việt Nam.

Nhưng để nói về lứa VĐV bóng chuyền nữ đầu tiên xuất ngoại và thành công ở Việt Nam, lúc nào cũng là Ngọc Hoa chứ không phải là Kim Huệ. Trước cả thời điểm Ngọc Hoa sang Thái Lan thi đấu cho Ayutthaya, Kim Huệ cũng lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển dụng nước ngoài. 

Tuy nhiên, nhớ lại mọi chuyện chỉ là niềm tiếc nuối với hoa khôi bóng chuyền Việt Nam một thời: "Điều tôi cảm thấy hối tiếc nhất trong suốt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao chính là việc chưa thể một lần được đi đấu thuê ở nước ngoài. Tôi không biết vì lý do gì, hay như thế nào mà dù đã có những lời mời từ phía các CLB nước ngoài nhưng đến những khâu cuối cùng thì tôi lại phải nhận thông báo phải ở nhà".

Chưa dừng lại ở đó, vinh quang chỉ là phần nổi che giấu những nỗi niềm không thể tỏ cùng ai. Nhớ lại nững thăng trầm trong sự nghiệp của mình, có lẽ thời điểm năm 2006 là giai đoạn Huệ cảm thấy thất vọng nhất, vì cảm giác nghề nó quá bạc bẽo với mình. Đầu năm 2006, Kim Huệ bị chấn thương phải mổ ống quyển ở Bệnh viện 108. Chỉ 2 tuần sau ca phẫu thuật, Kim Huệ phải tập lại để chuẩn bị thi đấu vì các giải đấu liên tiếp.

Thế nên, việc bị tái phát chấn thương không có gì lạ và cuối năm 2006, Kim Huệ phải mổ lần nữa, lần này chuyển sang một bệnh viện khác phẫu thuật. Tuy nhiên, vì trái tuyến nên cô không được hỗ trợ gì cả, đều phải tự bỏ tiền túi chi trả. 

"Sau đó còn một số chuyện mình cảm thấy rất khó chịu mà không muốn nhắc lại. Tôi cảm thấy bạc bẽo quá, cảm thấy mình không được quan tâm. Tôi đã quyết định dừng lại, lập gia đình rồi sinh con thời điểm 2007-2008", Kim Huệ kể trong ấm ức.

Kể cả lúc chia tay Bộ Tư lệnh Thông tin sau 16 năm cống hiến, Kim Huệ cũng phải chịu rất nhiều điều tiếng phía sau lưng nói rằng chẳng qua thành công được là nhờ một tập thể quy tụ toàn tuyển thủ quốc gia, chắc chắn sẽ thất bại khi rời đội.

Kim Huệ và con gái.

Tình duyên lận đận

Ngoài tài năng, Kim Huệ còn nổi bật với nhan sắc khả ái khi không biết bao nhiêu lần trở thành hoa khôi tại các giải đấu tham dự. Với món quà trời ban như vậy, tưởng như đời sống tình cảm của Kim Huệ sẽ vẹn toàn dễ dàng nhưng đời mấy ai biết được chữ ngờ. 

Khi mới 19 tuổi, thời điểm chỉ là cô gái mới lớn, Kim Huệ từng bị một chàng trai phản bội. "Lần đầu tiên trong đời, tôi đã yêu, tôn trọng, tin tưởng, nhưng cuối cùng bị anh ta  "đá". Tôi hụt hẫng, choáng váng, mất ngủ triền miên và sụt tới 3kg", Kim Huệ chia sẻ.

Đến cả khi kết hôn với một chàng trai hoàn toàn không liên quan gì tới thể thao mang tên Phạm Thanh Tùng, Kim Huệ cũng không nhận được sự đồng thuận của gia đình. "Nhiều người bảo thời điểm trước khi lập gia đình, tôi có nhiều lựa chọn, tại sao tôi lại chọn anh ấy. Gia đình cũng cấm cản không cho yêu nhưng rồi tôi vẫn quyết định theo tiếng gọi của trái tim. Tôi bảo với cha mẹ: "Sướng khổ gì sau này con chịu!". Cơ bản, tôi đã nhìn ra những hạn chế của chồng mình nhưng "nhân vô thập toàn" mà, bản thân tôi cũng vậy".

Không chỉ hiểu chuyện, Kim Huệ còn thực sự là một mẫu phụ nữ của gia đình. Có một khoảng thời gian dài sau khi lấy chồng, Huệ sẵn sàng hy sinh vì chồng con nhưng lại thờ ơ với bản thân.

Thế nhưng, dù quyết tâm hết mình xây dựng mái ấm nhỏ như vậy nhưng Kim Huệ cũng phải dằn lòng ký vào tờ đơn ly hôn vì những mối bất hòa muôn thuở. Sau khi chia tay chồng, cuộc sống của Kim Huệ cực kỳ vất vả và nhiều khi tưởng như sẽ vào ngõ cụt. 

Cô không biết làm thế nào cả khi kinh tế rất hạn chế. Nhưng dù thế nào Huệ cũng muốn có một cái nhà riêng để ở vì không muốn về lại với bố mẹ đẻ. Vậy nên cô đã chấp nhận mua nhà trả góp và đến giờ vẫn đang trả góp.

Mọi thứ thật nhọc nhằn trên đường đời với Kim Huệ âu cũng vì bản tính can trường như trên sàn đấu: "Tôi nghĩ đó mới là cuộc sống. Sau những ngày tháng vất vả trong cuộc sống, mọi thứ cứ tốt dần lên với tôi. Sự thật là có những người muốn lo cho tôi, mua nhà, mua xe cho tôi nhưng tôi đều từ chối. 

Tôi không muốn phụ thuộc vào đàn ông. Cuộc sống không phải lúc nào cũng vui. Tôi không muốn lúc va chạm, người ta lại mang những thứ ấy ra làm sức ép, gây áp lực cho mình. Có thể người ta sẽ đuổi mình ra khỏi nhà lắm chứ. Tôi muốn kiểm soát, chủ động với cuộc sống của tôi".

Kim Huệ lấn sân sang làm golf thủ chuyên nghiệp

Sau hôn nhân đổ vỡ, chồng cũ Kim Huệ nhận chăm con nên cô có nhiều thời gian hơn cho bản thân, đặc biệt là cuối tuần. Kim Huệ có một người chị trước làm bóng chuyền Thái Bình giờ kinh doanh đồ golf nên động viên em chơi để có bạn. Huệ kể: "Chị cho tôi mượn gậy, đưa quần áo cho chơi vì thực ra đây là môn chơi xa xỉ, đồ quá đắt, trong khi mình vẫn còn phải trang trải cuộc sống. Ban đầu, tôi cũng chỉ định chơi cho vui thôi, không nghĩ sẽ theo đâu.

Chơi rồi mình với bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về môn golf, mình chịu khó đầu tư sẽ có kết quả. Trước mắt, nhờ golf tôi có thêm những người bạn, mở rộng quan hệ, tìm được những hợp đồng quảng cáo từ đây, nhờ đó mà kinh tế ổn định hơn. Tôi dự định sẽ cố gắng tập cho tốt, nếu có thời gian sẽ theo golf chuyên nghiệp".

Chuyển sang một môn thể thao khác hẳn về mặt bản chất, từ đồng đội thành cá nhân, Kim Huệ lại phát hiện ra những tố chất khác của mình, thậm chí đôi khi golf còn nói lên được tính cách thật của cựu thủ quân tuyển bóng chuyền Việt Nam: "Rất khó bởi "đang từ bóng to mình chuyển xuống chơi bóng nhỏ" cần có thời gian thích nghi và tập luyện rất nhiều. Hơn nữa mình là người mới nên việc làm quen sẽ phải bắt đầu từ đầu, mỗi ngày lại vỡ vạc ra một ít. Nó cũng như các môn thể thao khác là phải rèn luyện hàng ngày mới có thể tiến bộ.

Bóng chuyền đối với mình là một nghề. Đó là đam mê ngay từ lúc trẻ nên gần như mình dành hết tâm huyết và thanh xuân cho nó. Nhưng nếu thời gian quay trở lại, chắc chắn mình sẽ chọn cả hai môn. Hiện tại thì mình chưa và trong suy nghĩ của mình thì mình cũng sẽ không tham gia bất kỳ một CLB nào bởi kỹ thuật của mình chưa đủ để giúp mình tự tin khi tham gia vào một CLB. Nhiều CLB mời sự kiện thì mình vẫn tham gia với tư cách khách mời"

Hà My
.
.
.