Trọn đời mang khát vọng cứu người

Thứ Hai, 11/06/2018, 10:16
Ở tuổi U80, như chuyến tàu đang trượt dần về ga cuối nhưng bác sĩ đa khoa Trần Văn Đồng (Trưởng phòng Khám đa khoa Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa) vẫn tất bật vượt qua những cơn đau do di chứng chiến tranh để khám chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt. 

Phải biết hy sinh mọi sở thích riêng, tận dụng từng giờ dành cho người khác là tâm niệm khắc sâu vào tiềm thức ông hơn nửa thế kỷ qua.

Luôn đến nơi hiểm nguy nhất

Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, là học sinh xuất sắc của miền Bắc, nhiều người thân đều đinh ninh Trần Văn Đồng sẽ học tập và nghiên cứu ở Hà Nội hoặc Liên Xô (cũ) nhưng đùng một cái, năm 1966, ông khoác ba lô xung phong vào mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng với khát vọng tuổi trẻ phải đến nơi gian khổ nhất, hiểm nguy nhất để phục vụ Tổ quốc.

Bác sĩ Đồng luôn tâm niệm, sống vì người khác là hạnh phúc.

Thông minh, nhanh nhẹn lại tháo vát trong việc băng bó vết thương cho đồng đội nên năm 1967, ông được cử về Học viện Quân y Hà Nội học bác sĩ đa khoa.

Hằng đêm, hình ảnh những chiến sĩ bị thương, những người dân ở các cơ sở cách mạng lên cơn co giật vì những căn bệnh quái ác đã thôi thúc Trần Văn Đồng phải vươn lên thành một bác sĩ giỏi để lại tiếp tục vào chiến trường Quảng Trị cứu chữa cho đồng đội.

Là bác sĩ giỏi nhưng có dáng người nhỏ thó nên khi vào mặt trận Quảng Trị, Trần Văn Đồng liền khoác ba lô y cụ, thuốc men, máy móc nặng gần gấp đôi trọng lượng cơ thể chạy quanh đơn vị để thuyết phục cấp trên cho mình được trực tiếp sát cánh bên các chiến sĩ trong những trận đánh.

Hồi ức như sống dậy mãnh liệt, ông tâm sự: "Lúc đó, trong đầu chỉ sôi sục ý nghĩ cứu người nên có lúc vai rộp cả mảng da cũng không thấy đau. Điều kiện trong chiến trường còn khó khăn, mình làm phẫu thuật, chuyên xử lý các ca khó thì phải bám sát các trận đánh. Có lần trong một trận càn, vừa cầm súng bắn hạ địch vừa đeo máy móc thuốc men vượt rừng cấp cứu bộ đội, cấp cứu xong xuôi thì mình lại bị dính mảnh bom găm vào người.

Ý chí tạo nên nhiều điều kỳ diệu lắm, sau khi tự băng bó vết thương, mình vẫn tươi cười như thường. Thực ra lúc đó đau lắm nhưng cứ phải tự nhủ không được kêu rên, không được nhăn mặt".

Sau ngày giải phóng miền Nam, mang trong mình nhiều vết thương lẫn chất độc da cam nhưng bác sĩ Đồng vẫn hăng hái vào Tây Nam và cứu chữa cho đồng đội.

Ông bộc bạch: "Không lý giải được nhưng mình luôn thấy rằng, nếu giỏi mà không đến nơi ác liệt nhất thì day dứt lắm. Mỗi lần gặp hiểm nguy, ý chí càng trở nên mạnh mẽ hơn. Mấy lần bị mìn nổ hất văng làm tai ù, ngực thắt, khó thở lại tự động viên có gục xuống cũng phải phẫu thuật, phải gượng dậy cấp cứu đồng đội".

Dẹp yên Pôn-Pốt từ chiến trường Tây Nam, bác sĩ Đồng lại ngược ra phục vụ cấp cứu và phẫu thuật cho bộ đội ở mặt trận biên giới phía Bắc (năm 1979). Ông thổ lộ rằng: "Vượt qua bao nhiêu trận càn, bao mưa bom, bão đạn, hàng ngàn ca phẫu thuật ở những địa điểm cận kề súng đạn của địch mà mình vẫn còn sống là điều kỳ diệu lắm rồi. Nhiều đồng đội không có được điều kỳ diệu đó vậy thì sao mình có thể về nơi yên bình được".

Bác sĩ Đồng và lương y Nguyễn Trung Kiên bên phác đồ điều trị đông y để điều trị miễn phí cho người nghèo, cựu chiến binh khó khăn.

Năm 1980, ông se duyên với một phụ nữ ở Khánh Hòa rồi bác về làm Chủ nhiệm quân y Trường Sĩ quan Thông tin (nay là Trường đại học Thông tin Liên lạc).

Bước vào giai đoạn mới, bác sĩ Đồng tự như không được lơ là, không được để xảy ra sai sót, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vậy nên suốt bao năm chăm sóc, chữa trị cho hàng nghìn cán bộ, học viên trong trường nhưng bác sĩ Đồng không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Ông tâm sự: "Đã là bác sĩ thì trong tình huống nào cũng phải xem người mình cần cứu chữa như là ruột thịt của mình vậy. Làm bằng tất cả trách nhiệm, tâm huyết thì sẽ có những kết quả tốt thôi. Tôi vẫn truyền đạt ý nghĩ này cho mọi thế hệ học trò của mình".

Không chỉ điều hành, quản lý công tác khám chữa bệnh của toàn Trường Sĩ quan Thông tin mà tất cả các ca bệnh khó bác sĩ Đồng đều tham gia hội chẩn và tham gia chữa trị. Buổi tối hoặc những ngày cuối tuần ông lại thăm khám miễn phí cho những bộ đội phục viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trong trường, ông còn được nhiều cán bộ, chiến sĩ gán cho biệt danh "ông chủ nhiệm 3 trong 1" vì vừa làm bác sĩ khám chữa bệnh, ông Đồng vừa làm giáo viên giảng về kiến thức y học, về những bài thuốc quý, những kinh nghiệm sơ, cấp cứu ông học được từ những năm lăn lộn trong chiến trường cho tất cả học viên, chiến sĩ trong toàn trường.

Những chương trình ngoại khóa, bác sĩ Đồng lại đóng vai trò là nhà tâm lý truyền cảm hứng, khát vọng cống hiến cho đất nước với các chiến sĩ trẻ. Những câu chuyện về các tấm gương quả cảm hy sinh vì đất nước luôn được ông chuyển tải xúc động.

Thiếu tá Trần Văn Nam và nhiều người từng học tại Trường Sĩ quan Thông tin cảm kích cho biết: "Có những ca giảng bài thấy mồ hôi của bác sĩ Đồng túa ra nhiều, biết bác đang lên cơn đau trong người. Bác là bác sĩ, nhưng cũng là thương binh nặng, vì sợ học viên, chiến sĩ phân tâm nên bác vẫn giảng giải hăng say".

Sống vì người khác là hạnh phúc

Sau những ngày tháng miệt mài cống hiến cho các cơ quan, tổ chức, năm 2.000, bác sĩ Đồng nghỉ hưu. Được ví như kho tư liệu sống về kinh nghiệm khám chữa bệnh nên nhiều nơi đặt vấn đề và sẵn sàng mời ông phụ trách một phòng khám hoặc một bệnh viện tư nhân với thu nhập cao nhưng ông đều gạt đi và bùng cháy khát vọng phải tiếp tục đi cứu chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cho nạn nhân chất độc da cam, bộ đội phục viên có hoàn cảnh khó khăn đến đến khi sức khỏe không cho phép mới thôi.

Khát vọng của bác sĩ Đồng đã được hiện thực hóa khi Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa quyết định thành lập một phòng khám đa khoa chỉ để khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Tất cả bác sĩ, nhân viên vào làm trong phòng khám cũng tự nguyện, không lương.

Không quản ngày đêm, mưa dông hay ngập lụt, bác sĩ Đồng cùng nhiều y, bác sĩ khác trong phòng khám làm việc miệt mài.

Ông chia sẻ: "Hiện tại Phòng khám Đa khoa Cựu chiến binh Khánh Hòa có 13 người, trong đó có 3 bác sĩ, còn lại là y sĩ, y tá, lương y thực hiện Khám nội tổng hợp, Khám ngoại, Tư vấn sức khỏe, Chuyên khoa tai mũi họng, Chuyên khoa răng hàm mặt, Y học cổ truyền…

Tất cả đều xác định cống hiến đến cuối đời. Mỗi tháng trung bình khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho khoảng 200 đối tượng là người nghèo, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.

Nguồn thuốc của phòng khám do Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa đi vận động các hội viên có điều kiện hỗ trợ. Sổ sách cấp phát thuốc được theo dõi, kiểm duyệt chặt chẽ. Hằng tháng, hằng quý phòng khám còn lên kế hoạch đến các buôn làng vùng sâu khám và phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo.

Hơn 20 năm bán quán nước ở gần Phòng khám Đa khoa cựu chiến binh Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Hải ngỡ ngàng: "Lạ thật, họ đi xe cà tàng, có người đi xe đạp, có người vừa đi vừa ôm ngực, có người điều kiện kinh tế cũng không giàu có gì vậy mà từ chối nguồn thu nhập vài chục triệu một tháng để đi làm việc không công, ngày cuối tuần còn lặn lội đi cơ sở nữa".

Phòng khám luôn là địa chỉ tin cậy của những cựu chiến binh.

Giải tỏa những hiếu kỳ của người dân, bác sĩ Đồng hiền từ: "Đúng là có người vừa đi khám chữa bệnh miễn phí vừa ôm ngực vì đau thật như trường hợp của y sĩ Cao Thị Soa mới mổ sỏi mật xong vẫn gắng đi làm vì thấy có nhiều người nghèo, cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam đang chờ.

Trường hợp các bác sĩ, y sĩ, lương y; Phan Văn Liêm, Nguyễn Văn Toại, Nguyễn Trọng Khánh, Nguyễn Trung Kiên… đều vừa là thương binh vừa mang trong mình chất độc da cam và nhiều bệnh tật khác nhưng vẫn miệt mài đi cứu người miễn phí. Tất cả chúng tôi đều nói với nhau rằng, sống vì người khác là hạnh phúc".

Suốt bao năm kể từ ngày về hưu, miệt mài tham gia khám chữa bệnh miễn phí ở Phòng khám Đa khoa cựu chiến binh Khánh Hòa, những bác sĩ, nhân viên y tế ở đây đã hồi sinh, tiếp sức cho bao hoàn cảnh vượt qua bệnh tật.

Lương y Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: "Kể ra không hết đâu. Đã dốc sức làm miễn phí rồi thì phải làm cho đến tận cùng. Nhiều bệnh nhân xương khớp, xơ gan nặng… được chúng tôi tìm kiếm các bài thuốc nam kết hợp thuốc Tây điều trị rất hiệu quả".

Một trong những điều trăn trở lớn nhất của bác sĩ Đồng, lương y Kiên cũng như các bác sĩ khác ở phòng khám là nhiều người đã già, sức khỏe gần như suy kiệt mà lực lượng kế cận thì khan hiếm quá, trong khi bệnh nhân nghèo, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh khó khăn vẫn còn nhiều.

Bác sĩ Trần Văn Đồng chia sẻ: "Sau những giờ miệt mài làm việc miễn phí ở phòng khám, tôi lại về dùng tất cả lòng chân thành, thiết tha của mình tìm đến những bác sĩ chuẩn bị nghỉ hưu động viên họ sau khi nghỉ hãy dành phần đời còn lại cống hiến miễn phí cho Phòng khám đa khoa này".

Tuấn Hà
.
.
.