Tấm lòng thiện biết tự lung linh tỏa sáng

Thứ Ba, 28/02/2012, 15:23

“Một bữa cơm chỉ có giá 1.000 đồng, chỉ với rau và cơm, thì hỏi làm sao các em ấy có thể lớn được. Đã vậy, trời lại lạnh căm căm, những đôi chân trần luôn phải bám đất, những tấm áo mong manh sao chống chọi được với quãng đường dài tới lớp. Thương lắm các em nhỏ vùng cao...”. Đó là những lời tâm sự thật lòng của bạn Minh Hoàng - học sinh lớp 10 trường Phổ thông Chuyên Sư phạm, một thành viên trong nhóm “The present” nói với tôi lúc đầu mới gặp.

“The present” là một nhóm gồm 3 thành viên: Nguyễn Trần Gia Linh, Lê Minh Hoàng (học sinh Phổ thông Chuyên Sư phạm) và Trịnh Hà My (học sinh trường chuyên Hà Nội - Amsterdam). “ The Present” có nghĩa là một món quà - một món quà gồm cả vật chất lẫn tinh thần mà các bạn ấy muốn gửi tới đồng bào và trẻ em vùng cao, thông qua dự án “Bữa cơm có thịt” do nhà báo Trần Đăng Tuấn khởi xướng.

Lòng thiện bắt nguồn từ trái tim biết rung cảm

Gặp Nguyễn Trần Gia Linh và Lê Minh Hoàng tại một quán cafe nhỏ, ấm áp trên đường Trần Quốc Hoàn, tôi không khỏi ngạc nhiên khi hai bạn ngồi trước mình vẫn còn đang là học sinh phổ thông, vậy mà lại có thể làm được một công việc ý nghĩa đến như thế. Nét mặt thanh tú, thư sinh, và một vẻ thông minh, dễ mến là điểm đầu tiên tôi nhận thấy trên khuôn mặt Gia Linh và Hoàng - hai trong ba thành viên của nhóm “The Present”.

Chưa kịp ngồi ấm chỗ, Minh Hoàng đã nhanh nhảu nói: “Tiếc quá chị ạ, hôm nay do em và bạn Gia Linh đều bận học, không thì đã cùng tham gia chuyến đi lên A Pa Chải, trong dự án “Bữa cơm có thịt”, cùng với cả các cô chú và cả chị Hà My nữa. Hi vọng sang hè, chúng em sẽ được đi. Nóng lòng muốn gặp các em bé vùng cao lắm rồi”. Nói xong, Minh Hoàng nở nụ cười tươi rói.

Vừa xoa đôi tay vào nhau, Gia Linh nói với giọng còn run run vì lạnh: “Cũng rất tình cờ thôi ạ, một lần em lang thang vào đọc blog cá nhân của chú Trần Đăng Tuấn, em có thấy được hình ảnh và những câu chuyện có thật về cuộc sống của trẻ em vùng cao. Lúc ấy, thương các em lắm, chỉ biết mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ các em, dù là bé thôi cũng được”.

Hai bạn Lê Minh Hoàng và Nguyễn Trần Gia Linh.

Còn với Minh Hoàng, hình ảnh những em bé đi chân trần trên đất, tay chân thâm tím vì cái lạnh, khuôn mặt nhem nhuốc hiện hữu trên từng bức ảnh đã làm cho bạn ám ảnh nhiều lần. Hoàng nói thêm: “Một bữa ăn cho trẻ mầm non, chỉ có cơm và rau, thì làm sao các em bé ấy có thể lớn được...”. Nói xong, cậu cúi mặt nhìn xuống, gương mặt đầy lo âu ẩn hiện sau cặp kính cận dày cộp, như còn chứa nhiều trăn trở, suy nghĩ lắm.

Còn với Gia Linh, hình ảnh em nhớ nhất tới các em nhỏ vùng cao lại là một hình ảnh đầy ngộ nghĩnh: “Đọc blog của chú Tuấn, bên cạnh sự thiếu thốn, nghèo đói, rét mướt của mùa đông ở vùng cao đã làm các em nhỏ co ro trong giá lạnh, em lại nhận thấy nét hồn nhiên, ngây thơ và ngộ nghĩnh khi thấy các em được mặc tấm áo mới, được xỏ chân vào đôi dép mới mà các nhà tài trợ trao tặng. Hình ảnh đấy làm em thấy ấm lòng hơn, và càng thôi thúc em phải làm gì đó cho các em ấy”.

Chưa một lần được trực tiếp gặp các em nhỏ vùng cao, chưa một lần được đặt chân tới những miền đồi núi xa xôi, nơi cái nghèo, cái đói vẫn quanh quẩn bám lấy từng buôn  làng, hiện hữu trên từng gương mặt các em nhỏ, vậy mà các bạn ấy đã thấu hiểu được hoàn cảnh của các em nhỏ, và đã trực tiếp biến nó thành hành động thật đáng khâm phục. Gia Linh là người đã đưa ra ý tưởng làm postcard để bán đầu tiên. Linh đã nghĩ ra ý tưởng thiết kế, in và bán những postcard về phong cảnh cũng như về con người vùng cao. Mỗi postcard bán ra với giá 8.000 đồng, và sẽ được trích 5.000 đồng vào quỹ “Bữa cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn, để góp phần cải thiện bữa ăn cho các em.

Gia Linh cho biết: “Ý tưởng đến với em cũng tình cờ lắm. Sau khi đọc và hiểu hoàn cảnh của các em nhỏ vùng cao, em muốn xin tiền bố mẹ để giúp đỡ các em ấy, nhưng cảm thấy việc đó không được lâu dài, mà cũng không nhiều ý nghĩa. Em đã ấp ủ phải tự mình làm cái gì đó, vừa giúp đỡ các em về vật chất, lại vừa làm ấm lòng các em ấy hơn”. Sau đó, Gia Linh đã mạnh dạn vay tiền bố mẹ để in postcard và làm một số tờ rơi. Ngay lần in đầu tiên, các bạn đã quyết định in 4.000 tấm liền nên số tiền tiết kiệm không đủ, đành phải nhờ bố mẹ đứng ra cho vay. “Bố mẹ em ủng hộ lắm khi biết em làm công việc này. Quyết là chúng em làm thôi, và hình như ai cũng đầy hứng khởi chị ạ”. Linh cười tươi khi kể lại.

Sáng bừng những trái tim thiện nguyện

Linh và Hoàng vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên khi mà người hai tranh thủ cả buổi sáng được nghỉ học mang những tấm postcard tới các cơ quan, văn phòng công sở làm việc để rao bán. Đầu tiên là nơi làm việc của mẹ Gia Linh. Nhớ lại kỉ niệm đầu tiên ấy, Minh Hoàng kể: “Lần ấy, khi bọn em tới để bán postcard và nói cho mọi người biết về dự án bán tranh, cũng như dự án “Bữa cơm có thịt” . Thấy các cô, các chú ấy có vẻ bận nên hình như không lắng nghe chăm chú lắm làm em và Linh chỉ biết nhìn nhau, thấy hơi buồn”. Nhưng cuối cùng, mọi người cũng đã nhiệt tình ủng hộ, và mua cũng khá là nhiều, thậm chí có người còn trực tiếp ủng hộ tiền, khiến ai cũng vui.

Ngay buổi chiều đó, Gia Linh và Minh Hoàng lại vội về trường học cho kịp buổi chiều, hết giờ là lại chạy xô ra rạp Hồng Hà để tiếp tục công việc của mình. Khi thấy các cô, các chú trong đoàn biểu diễn đang tranh thủ ăn cơm, để lát sau diễn tiếp, hai bạn không ngần ngại, lấy hết dũng khí, tự tin và sự nhiệt tình, một lần nữa đưa tận tay các cô, các chú những tờ rơi giới thiệu về việc bán postcard. “Chắc đó là giờ giải lao, các cô chú ấy tranh thủ ăn, nên cũng không chú ý lắm tới bọn em, còn kiểu như không nhìn thấy bọn em nữa cơ. Em và Minh Hoàng một lần nữa lại buồn thiu, không biết nói gì tiếp nữa. Nhưng cũng may sao, sau đó, các cô chú ấy cũng nhiệt tình mua ủng hộ làm chúng em cũng vui hơn và phần nào thấy được an ủi”, Gia Linh cho biết thêm.

“Sau buổi đi bộ mệt lử ngày hôm đó, vì vừa phải đi nhiều, vừa phải nói nhiều, nên về nhà, chân ai cũng rã ra, mỏi nhừ, nhưng mà trong lòng thì vui lắm. Nguyên ngày hôm đó thôi, chúng em bán được khá là nhiều postcard” - Minh Hoàng nhớ lại. Ngoài việc tự mình đi bộ tới các cơ quan, công sở, Minh Hoàng còn cho biết, các bạn còn tận dụng mối quan hệ họ hàng của mình, tận dụng môi trường lớp học để tuyên truyền, kêu gọi mọi người mua postcard ủng hộ cho dự án.

“Một mình mình làm không xuể, thì nhiều người chung tay là làm được mà chị” - Minh Hoàng vừa cười vừa nói. Nhớ nhất là lần cậu em trai học lớp 5 của Minh Hoàng khi thấy anh tham gia bán postcard cũng háo hức tham gia và ủng hộ anh nhiệt tình. Nhắc tới cậu em mình, Hoàng cười tươi, kể: “Cu em nhà em ngộ nghĩnh và cũng nghịch lắm. Nó cứ hỏi em đủ mọi thứ về dự án, rồi có cả những câu hỏi thật khó mà trả lời. Rồi sau đó, nó cũng xung phong mang postcard tới lớp bán cho em. Thế là hôm sau, đi học về, cu cậu hí hửng khoe là đã bán cho em được tận 8 tấm liền. Đó là cộng tác viên nhỏ tuổi nhất của nhóm đấy ạ”.

Cho tới thời điểm hiện tại, việc bán postcard cũng đã gần hoàn thiện, số tiền ấy sẽ được dùng để góp vào dự án “Bữa cơm có thịt” với hi vọng giản dị mà vô cùng có ý nghĩa. Gia Linh nói: “Từ ngày có dự án ấy, em thấy bảo các em nhỏ chăm đi học lắm, bởi đi học, các em mới được ăn cơm với thịt, được ăn cơm no. Mong sao, chẳng bao lâu nữa, sẽ không còn cảnh em nhỏ nào phải nhịn ăn để tới lớp, phải mặc phong phanh trong những ngày đông giá rét như thế này”. Nói tới đây, cô bạn trẻ trầm giọng hẳn xuống, đôi mắt đượm buồn.

Những ngày Tết, khi cái lạnh đang len lỏi vào từng con hẻm, từng ngõ ngách trên đường phố Hà Nội, mọi người hễ cứ đi ra khỏi nhà là ai cũng nai nịt gọn gàng, kín mịt, hết áo nọ đến quần kia mà còn kêu rét. Nhưng liệu có ai chợt nhận ra ở đâu đó, trên những sườn núi cao ngất, nơi nhiệt độ luôn xuống mức âm, nơi có những em nhỏ đang co ro trong manh áo lạnh, đang gồng mình chống chọi với cái đói, cái rét chăng? “Bữa cơm có thịt” nghe chừng đơn giản đối với những người thành phố, sao với các em bé vùng cao lại khó khăn và hiếm hoi đến thế. Thậm chí, khi có thịt để ăn, các em cũng không dám ăn nhiều, thịt luôn được để sang một bên góc bát, chỉ dám ăn cơm không, vì muốn dành thịt cho bát sau, sợ hết thịt...

“Hạnh phúc đến từ sự sẻ chia, chỉ đơn giản, đó là những hành động rất nhỏ, nhưng vô tình chúng ta quên đi... Hãy chung tay góp sức vì một cuộc sống tươi đẹp hơn, vì một cuộc sống ấm no hơn của những trẻ em vùng cao, hay đơn giản chỉ vì một “bữa cơm có thịt” cho những đứa trẻ tội nghiệp.” Đó là thông điệp đầy ý nghĩa mà các bạn trong nhóm “ The present” gửi gắm tới mọi người

.
.
.