Nữ quản giáo say mê với công việc thức tỉnh bản thiện của các phạm nhân
Với nữ quản giáo thì nhiệm vụ lại càng khó khăn, gian khổ gấp bội phần. Song vượt lên tất cả là niềm vui được sống với nghề, cống hiến sức lực để thức tỉnh tính bản thiện trong mỗi con người. Thiếu úy Nguyễn Thị Dung, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an Hòa Bình là một trong những con người như thế.
Nữ quản giáo có tên khá mộc mạc Nguyễn Thị Dung sinh ra và lớn lên ở xã Cao Dương, Lương Sơn (Hòa Bình), vùng quê sơn cước với những cánh đồng trải rộng, những người nông dân thật thà, chất phác chăm lo xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ngay từ khi còn nhỏ, Thiếu úy Dung có niềm đam mê với nghiệp Công an, được thức tỉnh những mảnh đời lầm lỗi, gieo mầm hướng thiện để cuộc sống tốt đẹp hơn. Cha mẹ vốn là nông dân thuần chất, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, khắc phục khó khăn, thiếu thốn để nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Thị Dung trúng tuyển vào Trường Trung cấp Trại giam, ra trường chị được phân công về Trại tạm giam Công an tỉnh. Lúc đầu, gia đình hết sức lo lắng, can ngăn Dung nên chọn công việc khác, bởi Dung có dáng người mảnh dẻ, yếu đuối, hơn nữa công việc lại vất vả, cực nhọc. Tuy nhiên, sau khi nghe Dung giãi bày tâm sự muốn được góp sức mình cải tạo những người lầm lỗi để họ trở thành người có ích cho xã hội, thì gia đình ủng hộ, giúp đỡ để Dung theo con đường đã chọn.
Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu úy Nguyễn Thị Dung ví von câu hát “nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Bởi theo chị, nhiệm vụ giáo dục, quản lý đối tượng mang tính nhân văn sâu sắc. Từ một cô sinh viên vừa tốt nghiệp, hiền lành và có phần nhút nhát, Dung dần trưởng thành và vững vàng hơn trong công việc, được Ban giám thị tin tưởng giao trông coi, quản lý nhiều nữ phạm nhân mang trọng tội.
Thiếu úy Nguyễn Thị Dung. |
Quản lý, giáo dục can, phạm nhân đã khó, đối với nữ quản giáo thì nhiệm vụ lại càng khó khăn, nặng nề hơn gấp bội phần. Khu giam giữ là thế giới hoàn toàn khác xa bên ngoài, nơi chất chứa nhiều loại người trong xã hội, từ những người nông dân hiền lành phạm tội, đến những người có địa vị cao trong xã hội, giàu có, đối tượng lưu manh, côn đồ, mại dâm, cờ bạc… Nguy hiểm hơn, số đối tượng mắc các căn bệnh truyền nhiễm, thậm chí mắc căn bệnh nan y HIV/AIDS không phải hiếm. Chính vì vậy, nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Thiếu úy Dung chia sẻ: đã có một số quản giáo bị phơi nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với đối tượng có HIV. Chúng tôi khá hoang mang, lo lắng cho công việc của mình. Song được Ban Giám thị và đồng đội kịp thời động viên, đưa đi chữa trị kịp thời nên chúng tôi có thêm động lực để cống hiến. Mỗi con người dù xấu xa vẫn mang trong người tính bản thiện. Nhiệm vụ chúng tôi là khơi gợi cái thiện trong con người họ, giúp họ nhận ra lỗi lầm và sửa chữa để trở thành người có ích cho xã hội.
Trong số tử tù chị trực tiếp trông coi, Nguyễn Thị Lợi để lại cho chị ấn tượng sâu sắc. Nữ tử tù ấy phạm tội vận chuyển trái phép 20 bánh hêrôin. Mặc dù biết trước kết cục song khi tòa tuyên án, Lợi bật khóc xin tha tội chết. Những giọt nước mắt lăn dài, ân hận rơi trên khuôn mặt sạm đen của người đàn bà đã bước qua tuổi ngũ tuần.
Ngày bị tuyên án tử, Lợi chẳng thiết ăn uống, đêm nào thị cũng trằn trọc nhìn ra khoảng không mịt mùng, khẽ thở dài. Ngày ngủ, đêm thức, thoắt vui rồi lại buồn, nếp ấy đến giờ vẫn chưa thay đổi. Cơ thể của thị suy sụp, bạc nhược một cách ghê gớm. Ðã có lúc, thị định phó thác cho số phận nhưng rồi khát khao được sống lại thôi thúc.
Nắm được hoàn cảnh của tử tù, Thiếu úy Nguyễn Thị Dung thường xuyên có mặt để động viên, giúp Lợi ổn định tinh thần, tránh hoang mang dẫn đến tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe. Trước đây, do đi lao động tại các bãi vàng nên Lợi bị nhiễm độc, tóc rụng dần. Tuổi ngày càng cao, sức khỏe suy yếu, lại trong hoàn cảnh éo le này nên thị suy sụp rất nhiều. Nhờ sự gần gũi của quản giáo mà Lợi dần ổn định, chấp hành quy định của trại. Những lúc thị đau yếu, các y, bác sỹ đều có mặt thăm khám, cấp thuốc giúp thị ổn định tinh thần.
Nữ tử tù chia sẻ: "Cuộc đời mình đã hết rồi, mình tự đẩy bản thân vào cõi chết. Niệm Phật ngày đêm sẽ giúp cõi lòng nhẹ nhàng hơn, để rồi ngày mai nếu phải đưa đi thi thành án, ở thế giới bên kia, lòng mình sẽ thanh thản hơn phần nào". Nhiều lúc, Lợi khóc vì thương mẹ già đang ở cái tuổi gần đất xa trời, phải chịu đau khổ vì đã sinh ra đứa con tội đồ.
Nữ tử tù Nguyễn Thị Lợi có tuổi đời đúng bằng bố, mẹ Thiếu úy Nguyễn Thị Dung nên trong quá trình tiếp xúc, Dung gọi Lợi là cô, xưng cháu để thể hiện kính trọng. “Trong cuộc sống ai cũng có lúc sai lầm, chúng tôi đối xử với họ như người bình thường để họ tránh mặc cảm, tự ti, sống đúng với con người thực của mình” – Dung chia sẻ.
Thiếu úy Nguyễn Thị Dung tâm huyết với nghiệp giáo dục phạm nhân. |
Chính đức tính nhân hậu, vị tha của Dung đã lay động tính bản thiện trong con người Lợi, làm thu hẹp ranh giới giữa quản giáo và tử tù. Sau lần đó, Lợi thường chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, có khi cả những câu chuyện xưa kia mà ít khi Lợi nhắc đến. Mỗi lần như vậy, Lợi cảm thấy thoải mái, mãn nguyện hơn.
Nhờ sự động viên của nữ quản giáo, tâm trạng Lợi vơi đi ít nhiều. Giờ đây, niềm vui lớn nhất của nữ tử tù là mong đến ngày thăm nuôi hàng tháng để được gặp gia đình. Lợi đã có cháu nội và cháu ngoại. Mỗi lần 2 người con mang theo các cháu lên thăm là Lợi mừng lắm. Dù chưa một lần được chăm bẵm các cháu của mình, nhưng mỗi lần nhìn thấy chúng cười qua tấm kính ngăn trong phòng thăm gặp là Lợi thấy ấm lòng.
Trong công việc, Thiếu úy Dung tiếp xúc với nhiều mảnh đời, nhiều nữ phạm nhân lầm lỗi, song nỗ lực, cố gắng cải tạo tốt, làm gương cho các phạm nhân khác noi theo. Nữ phạm nhân Đào Thị Thủy, SN 1966, trú tại xã Lạc Thịnh, Yên Thủy (Hòa Bình) phạm tội môi giới mại dâm, bị kết án 27 tháng tù giam. Quá trình thụ lý tại Trại tạm giam Công an tỉnh, thị Thủy gặm nhấm lỗi lầm, ân hận vì đẩy các cô gái nhẹ dạ vào con đường tội lỗi.
Được sự động viên của cán bộ quản giáo mà trực tiếp là Thiếu úy Nguyễn Thị Dung, Thủy có niềm tin vào cuộc sống. Thị cố gắng cải tạo thật tốt, chấp hành các nội quy, quy định của phân trại, tích cực tham gia các hoạt động do Ban Giám thị trại tạm giam phát động. Hàng ngày, thị được nữ quản giáo Dung cung cấp sách báo, phổ biến, giáo dục pháp luật, xác định quyền và trách nhiệm của công dân với cộng đồng, xã hội.
“Những lúc như vậy, tôi mới thấm thía tội lỗi của mình. Tôi biết ơn Thiếu úy Dung và cán bộ quản giáo đã giúp tôi có thêm nghị lực để làm lại cuộc đời. Trong cuộc sống ai cũng có sai lầm, quan trọng hơn phải biết đứng dậy từ chỗ vấp ngã” – Thủy chia sẻ.
Những lúc Thủy đau ốm, Thiếu úy Dung là người gần gũi, động viên để Thủy mau khỏi bệnh. Nhìn ngắm hàng rau xanh mướt khẽ đưa đẩy trong gió, thị Thủy thấy mãn nguyện vì nỗ lực, cố gắng bấy lâu được đền đáp. Thời gian tới đây, Thủy sẽ hết thời hạn chấp hành án, trở về với xã hội. Chắc hẳn Thủy sẽ nhớ ơn nữ quản giáo Nguyễn Thị Dung nhiều lắm.
Đại úy Nguyễn Xuân Điệp – Đội trưởng phân trại quản lý phạm nhân (Trại tạm giam Công an Hòa Bình) nhận xét: Thiếu úy Nguyễn Thị Dung là nữ quản giáo duy nhất của phân trại, trực tiếp quản lý, giáo dục trên 20 phạm nhân, trong đó có 5 nữ phạm nhân. Mặc dù nhiệm vụ khó khăn, vất vả song Dung rất nỗ lực, cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi chưa hề thấy Dung than vãn về công việc hoặc đề đạt nguyện vọng chuyển đơn vị khác để được an nhàn. Trong công việc, Dung không nề hà bất kỳ việc gì, không so sánh thiệt hơn với các đồng nghiệp nam. Chị luôn tận tâm, tận lực để thức tỉnh tính bản thiện trong mỗi phạm nhân được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục.
Phải đối mặt với công việc đầy khó khăn, gian khổ hẳn không dễ dàng đối với một cô gái tuổi 23. Dung may mắn vì có gia đình là điểm tựa, luôn ủng hộ, động viên chị trong công việc và cuộc sống. Cha dạy rằng “Làm việc gì đều xuất phát từ cái tâm trong sáng”, đó là định hướng để nữ quản giáo trẻ Nguyễn Thị Dung vững tin trên con đường đã chọn. Chúc chị có sức khỏe, say nghề và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.