Nữ họa sỹ Phương Lan, "phù thủy" của tranh ghép vải
Cảm hứng bất tận từ những mảnh vải vụn
Sinh năm 1940 tại thị xã Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội), có bố mẹ làm khảm trai truyền thống, bố là nghệ nhân từng được vào cung làm khảm chân dung của vua Bảo Đại, ngay từ nhỏ, nữ họa sỹ Phương Lan đã có hứng thú với việc vẽ. Bà là cựu sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Khoa Trang trí vải lụa. Sau khi tốt nghiệp, bà "đầu quân" cho Nhà máy bóng đèn phích nước với công việc vẽ trang trí. Nhưng rồi nhà máy bị giặc đánh bom, bà lại về làm cho một xí nghiệp dược phẩm, vẽ nhãn mác…
Mặc dù so với nhiều người, sau khi tốt nghiệp, bà có một công việc đúng ngành nghề nhưng với bà, đây là những công việc sự vụ và đi làm cho có nơi để "chui ra chui vào", không gợi nhiều cảm hứng. Sau đó, bà làm thêm phần văn hóa quần chúng của cơ quan, của Hà Nội, được công đoàn tạo điều kiện cho đi trại sáng tác. Từ đó, bà vẽ tranh cho mình, cho nội tâm đầy xúc cảm của mình với cuộc đời. Cũng từ đây, vẽ trở thành nghiệp, cũng là điều mà cho tới bây giờ, khi đã ở cái tuổi 74, bà cũng phải thừa nhận "vẽ cho mình bao giờ cũng rất khó".
Nữ họa sỹ Phương Lan. |
Với nhiều người, vải vụn là thứ bỏ đi thì với bà, nó trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu và niềm say mê bất tận. Bà nhìn những mảnh vải vụn ấy như một đối tượng thẩm mỹ đặc biệt. Để rồi, từ đáy sâu nhạy cảm, tinh tế và thiết tha với đời sống của mình, họa sỹ Phương Lan đã chắp cánh cho những thứ vụn vặt, nhỏ bé thăng hoa, trở thành những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa. Những bức tranh của bà là một sự nhìn nhận lại các giá trị mà đôi khi dòng chảy bộn bề của cuộc sống cuốn chúng ta đi. Với bà, ngay cả những thứ thừa thãi nhất cũng không vô nghĩa nếu chúng ta biết cách quan tâm, trân trọng nó.
Lấy tay chỉ những bức tranh được tạo từ những mảnh vải vụn đang treo trên tường, bà đi tìm những tập sách cũ, chụp lại các tác phẩm của mình. Nhẩm đếm sơ sơ cũng mấy trăm bức. Rồi bà chỉ vào bức tranh bà đang làm dang dở. Một bức tranh về núi, đầy sao trời và cảm xúc lãng mạn, dễ gợi cảm giác mênh mông, thăm thẳm mà cũng quá đỗi bay bổng. Bà bảo, bà đang băn khoăn làm sao tìm được một mảnh vải ghép vào chỗ này chỗ kia, làm sao để cái sau ăn nhập với cái trước. Mảnh vải là của người ta đấy, nhưng nó mới là một phần của bức tranh thôi.
Để tạo được nếp gấp trên chiếc váy phải tìm được những mảnh vải mỏng tang. |
Phải tìm làm sao cho ra một mảnh vải khác "anh em" với nó để khi ghép chúng cạnh nhau, người xem vẫn thấy chúng liền mạch, đó lại là công việc của người nghệ sỹ, người sáng tạo. Rồi bà chỉ sang những những bức tranh chân dung, làm sao tạo lại được từng chi tiết nhỏ nhất như nếp nhăn, hay chân mày; hoặc những bức đặc tả chi tiết, như vẽ những vũ công đang múa ba lê chẳng hạn thì làm sao tạo được những nếp gấp của chiếc váy. Thỉnh thoảng vừa kể, bà lại cười rất tươi, như nhớ lại phát hiện của mình. Cũng có thể, bà nhớ lại niềm vui khi tìm được mảnh vải vụn phù hợp với ý tưởng của mình.
Bà kể, có nhiều người nhầm tưởng rằng, với một bức tranh ghép vải, bố cục, chủ đề là những yếu tố quyết định, nhưng thực ra lại chính là khâu lựa vải. Vải sẽ cho người nghệ sỹ bố cục, cho cả chủ đề (trừ tranh chính trị thì không nói làm gì), họa sỹ Phương Lan chia sẻ.
Nhưng để lựa được mảnh vải vụn phù hợp cũng không phải dễ. Nó là câu chuyện của nghệ thuật, liên quan tới sự mẫn cảm, nhạy cảm của người nghệ sỹ. Và người nghệ sỹ ấy phải có cái nhìn vô cùng nhạy bén, tinh tế, vì trong bọc vải có vô số mảnh vải vụn ấy, người làm nghệ thuật phải nhìn ra được đâu là mảnh vải mà mình đang tìm kiếm. Rồi ghép như thế nào để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, chỗ nào cần đậm, chỗ nào nên mờ nhạt đi một chút để chuyển tải chủ đề, tư tưởng của người nghệ sỹ. đó là một câu chuyện thú vị nhưng không phải ai cũng làm được.
Và nữ họa sỹ Phương Lan là người làm chủ những mảnh vải vụn ngỡ chỉ có thể bỏ đi ấy một cách rất thành công, nếu không muốn nói là "bậc thầy" như lời nhận xét của một đồng nghiệp. Đến nay, người tổ chức triển lãm công khai về tranh dạng này ở nước ta, bà là người đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất. Nhiều bức tranh ghép từ những vải vụn của bà trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mang lại mỹ cảm mới, gợi cảm xúc cho người xem.
Về quá trình ghép, bà kể, việc đầu tiên chính là tìm một mảnh vải làm nền, đó sẽ là bố cục lớn nhất, sau đó mới đến phần chi tiết. Tất cả đều phải được là mếch thật kỹ, thật chắc và cẩn thận. Nhờ vậy mà có những bức tranh từ năm 1994 đến nay của bà vẫn nguyên vẹn, thậm chí nước mưa thấm vào cũng không bị ảnh hưởng gì cả.
Tôi hỏi bà lấy những mảnh vải vụn ở đâu mà nhiều thế? Bà cười kể, bà đi xin ở những hiệu may quen. Tháng vài lần, con trai bà qua lấy về thành từng bọc vải to. Sau đó, bà sẽ phân loại vải để khi cần lấy ra cho nhanh. Dẫn vào kho chứa vải vụn của mình, bà mở tủ lấy cho tôi xem tận mắt từng bọc, từng bọc. Bọc này là vải voan, bọc kia là vải hoa, bọc kia nữa là vải nhung… Tất cả được bà ghi chú lại cẩn thận.
Mỗi bức tranh là một câu chuyện thú vị
Đề tài trong tranh của họa sỹ Phương Lan khá đa dạng. Từ miền núi, phố, thôn quê, tĩnh vật đến chân dung… Ngoài tranh ghép vải, bà còn sáng tác tranh trên chất liệu bột màu, sơn dầu. Và dù chất liệu gì đi chăng nữa, những hình khối màu sắc đều "lấp lánh" trong bà. Bởi bà đã gom góp vào đó tất cả đam mê của mình. Bởi tranh đó là đời bà đó, nguệch ngoạc lại những con đường đã qua, những người bà đã gặp, những người đã đi chung với bà một hành trình. Bởi ở cái tuổi 74 không còn nhiều sức lực để có thể đi đây đi đó nữa và cũng nhiều tâm sự của tuổi già, những bức tranh làm bà thấy mình còn được sống, được sáng tạo, được giãi bày. Nó giống như một nỗi niềm vui vầy, làm cho bà bớt cô đơn và nhẹ nhõm hơn. Tuổi già vì thế không phải là một điều gì đó đáng sợ nữa. Và tranh đó còn là câu chuyện tình yêu, là nỗi nhớ với người chồng đã khuất của mình.
Nhìn hai bức tranh treo trên tường, bên trái là bức chân dung bà tự họa, bên phải là bức tranh chồng mình (ông mất cách đây đã lâu), bà bảo, đó là bức tranh có một không hai trên đời, là bức tranh đẹp nhất trong đời làm nghệ thuật của mình. Bà nhớ lại khi tìm những tấm vải vụn để ghép chân dung chồng, phải làm sao tìm được những chi tiết vải phù hợp. Bởi chồng bà hơi gầy, người xương xương, phải làm sao tạo được một mảnh vải đúng với một bàn tay gầy, không mũm mĩm, mà lại tạo được cảm xúc ấy. Rồi đôi mắt, vì là đôi mắt của người yêu, người chồng nên có hồn và tình cảm lắm. Hai bức tranh đặt cạnh nhau như một ký thác về nỗi nhớ, tình cảm, cũng như không có điều gì có thể chia lìa dù cho cái chết đã đến và mang ông đi.
Bức tranh tinh tế hơn nhờ điểm xuyết là những bông hoa xung quanh. |
Trong những bức tranh bà cho tôi xem, tôi ấn tượng mãi về bức tranh một người con gái đẹp. Bức tranh khổ 25 x 35cm, nhỏ nhắn hơn so với nhiều bức tranh trong gian phòng chật chội ấy. Tôi cũng có câu hỏi như bạn tôi đã hỏi, cô gái ấy là ai. Bà nhẹ nhàng cười: "Chả là ai cả cháu ạ". Thì ra, bà đã tìm thấy cô trong một tấm vải cũ mà người ta vứt đi. Rồi bà điểm xuyết thêm những bông hoa xung quanh. Bà bảo, bức tranh là ước muốn thanh xuân của bà.
Họa sỹ Nguyễn Thị Phương Lan: Sinh năm 1940 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội và Hội Mỹ thuật Việt Nam; Giải A Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 1977; Giải nhì tranh cổ động toàn quốc 1982 và 1996; tham gia Triển lãm mỹ thuật châu Á tại Nhật Bản các năm 1998, 1999 và 2000; có tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, Bảo tàng Quân đội, bảo tàng địa phương và các sưu tập cá nhân trong và ngoài nước; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam năm 2004. |