Những "đôi bàn tay vàng" nhân lên sự sống!
Sự sống được hồi sinh dưới những "đôi bàn tay vàng" của các phẫu thuật viên. Liên tiếp các ca ghép tạng thành công, thực hiện đồng thời trong cùng một thời điểm đã cho thấy một sự nỗ lực tận cùng của các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức; đã như một minh chứng sinh động nhất cho thấy Việt Nam hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép tạng - một kỹ thuật khó nhất của ngoại khoa mà vài thập kỷ trước còn là ước mơ xa xỉ thì nay, nó đã trở thành một kỹ thuật thường quy.
Không chỉ một lần đến đây để viết bài về những ca ghép tạng. Không chỉ một lần đến đây để chứng kiến sự vật lộn của các phẫu thuật viên trong những khoảnh khắc cân não đối mặt với cái chết rình rập, quyết giành lại sự sống cho người bệnh. Thế nhưng, mỗi lần được tin Việt Đức lại ghép tạng thành công, tôi và nhiều đồng nghiệp của mình đều thấy lòng rộn lên những xúc cảm thật khó tả.
Còn điều gì tuyệt vời hơn khi sự sống được hồi sinh từ mấp mé hố "tử thần". Đã có những bệnh nhân rơi vào sự tuyệt vọng cùng cực khi bị ung thư gan, suy thận giai đoạn cuối, suy tim nặng nhưng sau khi được ghép tạng, họ đã khỏe mạnh trở về bên gia đình, người thân. Với người thầy thuốc ngoại khoa, đó cũng là hạnh phúc lớn nhất.
Các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đang thực hiện một ca ghép tạng. |
Còn 1% sự sống là còn hy vọng
Ghép tạng là một kỹ thuật cao nhất trong ngoại khoa, bởi nó huy động tổng thể sự tham gia của nội khoa, ngoại khoa, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, dược. Nói cách khác, nếu ghép tạng thành công thì các lĩnh vực khác phải rất mạnh. Trên thế giới, năm 1953 đã thực hiện ghép thận, năm 1963 thực hiện ghép gan và năm 1967, ca ghép tim được thực hiện ở Nam Phi. Tại châu Á, kỹ thuật ghép tạng đã được tiếp cận từ những năm 60 của thế kỷ XX.
Còn tại Việt Nam, GS.VS Tôn Thất Tùng đã thấy được kỹ thuật ghép tạng cần phải được phát triển nên năm 1965, ông đã ghép tạng thành công trên súc vật trong điều kiện cực kỳ khó khăn, kim chỉ, thuốc men hầu như không có do chiến tranh. Sau năm 1975, Bệnh viện Việt Đức cũng chưa thực hiện được tiếp điều tâm huyết, trăn trở của Giáo sư Tôn Thất Tùng bởi lúc đó Bệnh viện đang phải căng mình để xây dựng, phát triển bệnh viện.
Cho mãi đến năm 1990, Việt Đức đã bắt đầu ghép thận nhưng chỉ được một vài ca vì điều kiện quá khó khăn, trong khi tiềm lực con người quá mạnh. Mười sáu năm trôi qua, đến năm 2006, khi vấn đề chống quá tải ở bệnh viện đã tạm ổn thì Bệnh viện Việt Đức mới tiếp tục thực hiện kỹ thuật chuyên sâu và ghép thận trở lại.
Như một sự chạy đua với thời gian, như một sự bứt phá ngoạn mục trên hành trình không mệt mỏi chinh phục đỉnh cao y học, đến nay, Việt Đức là bệnh viện dẫn đầu trong cả nước về số ca ghép tạng, trong đó thực hiện được 225 ca ghép thận; 23/26 ca ghép gan người lớn (trong đó có 3 ca từ người cho sống và 20 ca từ người cho chết não) và 9/11 ca ghép tim. Bệnh viện Việt Đức còn là một trong số rất ít các bệnh viện trên thế giới cùng một lúc thực hiện nhiều ca ghép tạng tim, gan, thận.
PGS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Tiến Quyết khám sức khỏe cho bệnh nhân sau ghép tạng. |
Chúng tôi tìm gặp PGS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khi ông vừa rời phòng mổ và được ông thông báo tin vui: Những bệnh nhân thực hiện ghép tạng ngày 5/6 hiện sức khỏe đã ổn định, hồi phục.
Họ đã mang trong mình một quả tim khác, một lá gan khác hoặc một quả thận khác, nhưng họ đang và tiếp tục được sống cuộc đời thực của mình. Với Anh hùng Lao động Nguyễn Tiến Quyết, người "có đôi bàn tay vàng" trong phẫu thuật khối tá tụy thì cuộc đời làm thầy thuốc, nghiên cứu khoa học đã cho ông biết bao kỷ niệm đẹp với người bệnh và cho ông cả những giây phút cân não cực kỳ căng thẳng mà chỉ cần thiếu một chút quyết liệt, thiếu một chút nhạy cảm lâm sàng, rất có thể ông và đồng nghiệp của mình đã bước qua những cơ hội hồi sinh sự sống. Ông tâm sự, đã là bác sỹ cầm dao mổ thì phải nghĩ đến ghép tạng, đó cũng là tự trọng nghề nghiệp và là đỉnh cao mình phải vươn tới. Khó đến mấy cũng phải khắc phục để làm vì hiện có quá nhiều người bệnh cần được ghép tạng và chỉ có ghép tạng, họ mới có cơ hội sống. Ngoài việc phải mạnh về các chuyên khoa, tay nghề của các phẫu thuật viên thì mỗi ca ghép tạng được chuẩn bị kỹ càng tới từng chi tiết nhỏ.
Một ca ghép gan sẽ kéo dài từ 8 đến 10 tiếng, ghép tim 5 - 6 tiếng và ghép thận khoảng 3 tiếng. Kíp ghép sẽ gồm có 150 bác sỹ, y tá, điều dưỡng với sự hỗ trợ tối đa của các loại máy móc, thuốc men. Từ khi chẩn đoán chết não đến khi lấy tạng phải mất 13 tiếng và để hồi sức tế bào sống là một kỹ thuật cực kỳ khó, tốn kém kinh khủng. Việc chăm sóc một bệnh nhân sau ghép tạng, ngoài bác sỹ ngoại khoa, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh luôn phải có 8 điều dưỡng thay nhau chăm sóc.
Sau ghép cứ 1, 2 tiếng phải làm xét nghiệm sinh hóa, tế bào và ngày nào cũng phải thử nồng độ thuốc… Bệnh viện Việt Đức đã làm chủ các kỹ thuật này. Đáng ngại nhất là những khoảng thời gian bệnh nhân "không gan", nhưng có những bệnh nhân 3 tiếng liền "không gan" vẫn được các bác sỹ gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt Đức hồi sức bình thường. Đặc biệt, kỹ thuật lấy gan từ người hiến tạng của Bệnh viện Việt Đức đã đạt được tới đỉnh cao: lấy gan hầu như không chảy máu.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết nhớ lại: "Năm 2008, một đoàn giáo sư, bác sỹ của chúng ta sang Đài Loan thăm quan, khi thấy họ cùng một lúc ghép cả tim - gan - thận thì rất ngưỡng mộ và tự hỏi bao giờ Việt
Giây phút cân não
Trở lại những giây phút cân não căng thẳng mà PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết và các đồng nghiệp đã trải qua. Ông bảo, có những quyết định được quyết chỉ trong chớp mắt, không có chỗ cho sự do dự và thật may mắn, những quyết định đó hoàn toàn chính xác.
Đó là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn T.A., 38 tuổi, ở Hà Nội. Anh bị giãn cơ tim và chỉ nằm chờ chết. Nhưng anh T.A khá may mắn khi được một người chết não đồng ý hiến tạng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân T.A chuẩn bị lên bàn mổ, thực hiện ghép tạng thì bất ngờ người bệnh sốt rất cao, 39 - 40 độ. Kíp ghép vô cùng đắn đo.
Sốt mà ghép rất có thể sẽ chết vì nhiễm trùng. Nhưng nếu không ghép thì bệnh nhân trước sau cũng tử vong. Người chết não đã mổ rồi. Giây phút cân não trôi qua cực kỳ căng thẳng và cuối cùng, sau khi được gia đình đồng ý, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết quyết định vẫn ghép.
Kíp ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức. |
Sau một loạt các thao tác, bệnh nhân được rửa sạch lồng ngực, ghép tim vào. Và cũng như có một phép mầu kì diệu, khi quả tim mới vừa đưa vào thì lạ thay, bệnh nhân lại hết sốt. Sau ghép 6 tiếng, bệnh nhân được rút nội phế quản và sau một thời gian điều trị, anh đã xuất viện, đi làm trở lại. Năm 2012, Bệnh viện Việt Đức thực hiện một ca ghép gan cho bệnh nhân đã 74 tuổi. Đây là độ tuổi mà y học thế giới khuyên không nên ghép (chỉ ghép gan cho người từ 65 tuổi trở xuống).
Bệnh nhân này bị ung thư gan và xơ gan nên phải ghép gan thì mới hy vọng kéo dài tuổi thọ. Nhưng tình huống khó xử là khối u gan lại quá lớn, nhiều rủi ro khi ghép gan. Tuy nhiên, vượt lên trên mọi áp lực đó, tập thể các y, bác sỹ của bệnh viện vẫn quyết tâm ghép. Và thật bất ngờ, dù bệnh nhân tuổi đã cao, dù khối u quá lớn nhưng cuộc phẫu thuật ghép tạng đã thành công ngoài mong đợi.
Bệnh viện Việt Đức hiện có 30 phòng mổ nhưng hằng ngày vẫn phải mổ phiên thường quy. Trong khi đó, người chờ ghép tạng ngày càng nhiều, nguồn tạng lại quá ít ỏi. Đủ điều kiện để ghép tạng, có cơ chế để ghép và phải có bồi dưỡng thỏa đáng cho những thầy thuốc không chỉ là mong muốn của Bệnh viện Việt Đức mà còn là của hầu hết các bệnh viện lớn trên cả nước. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nền y học của Việt