Những điều chưa biết về thám tử cố vấn lừng lẫy Vernon J. Geberth
Đam mê án mạng
Geberth lớn lên ở Mt. Vernon, ngoại ô thành phố New York. Ngay từ nhỏ, cậu bé Geberth đã có ước mơ sẽ cống hiến trọn đời mình cho ngành cảnh sát, đặc biệt là chuyên viên điều tra án mạng. Lớn lên, cậu theo học tại trường Iona, một trường về kinh doanh. Tuy nhiên, không như những sinh viên quản trị kinh doanh khác, Geberth vẫn luôn mơ ước về ngày được khoác lên mình bộ quân phục cảnh sát. Đối với anh, đó là mục tiêu trọn đời. Vì thế, khi được tuyển chọn vào Sở Cảnh sát New York và được điều đi học nghiệp vụ, anh nhanh chóng bộc lộ thiên hướng của mình. Geberth lọt vào top 5 sinh viên xuất sắc nhất khóa huấn luyện.Và điều dĩ nhiên là Geberth được chọn vào nhóm đặc biệt.
“Tôi được chọn vào TPF – lực lượng tuần tra chiến thuật, nơi chỉ có vỏn vẹn 300 cảnh sát được chỉ định trên toàn thành phố. Điều này có thể khiến nhiều người bật cười. Tuy nhiên với hơn 300.000 cảnh sát trong thành phố thời điểm đó thì được là một trong đội ngũ 300 người là một thành tích đáng kể. Vì nhiệm vụ chính của TPF là giải quyết các vụ bạo loạn và tội phạm đường phố nên chúng tôi được huấn luyện kĩ năng bắn tỉa, bắn súng chiến thuật, kiểm soát bạo động cùng nhiều kĩ năng khác”.
Cuối thập niên 60 đầu thập niên 70, bạo loạn không ngừng lây lan trên khắp đất Mỹ. Lái xe taxi bị giết, tội phạm cướp bóc các xe chở hàng hóa ngay khi xe vừa giảm tốc. Nhưng đó đồng thời cũng là cơ hội cho những cảnh sát trẻ thăng tiến. Trải qua nhiều vụ án, cuối cùng, sau 2 năm rưỡi cống hiến, Geberth cũng được thăng chức. Anh được chỉ định đến đội tuần tra tội phạm đường phố. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng cảnh sát, tình hình cũng dần đi vào ổn định. Geberth cũng trở về làm điều tra viên của TPF. Kinh nghiệm làm việc ở đội tuần tra giúp khả năng phá án của anh thêm nhạy bén. Anh trở thành giám sát viên cao cấp tại cục điều tra. Cuối cùng, anh cũng được chỉ định tới bộ phận bận rộn nhất trong thành phố - đội điều tra án mạng số 7.
Geberth và các ấn phẩm của mình. |
Đội điều tra đặc nhiệm này được cấu thành từ 4 phân khu ở South Bronx. Lần đầu đặt chân tới, Geberth được các tiền bối dạn dày kinh nghiệm dẫn dắt, chỉ bảo. Anh học cách quan sát những thám tử điều tra sắc sảo nhất, ghi chú lại từng chi tiết cụ thể nhất. Chính anh cũng không thể hình dung được tầm ảnh hưởng của những ghi chú này đến tương lai của mình.
Không chỉ thế, anh còn thường xuyên tới thư viện tìm kiếm các tài liệu về những vụ giết người. Trong sở cảnh sát có đầy đủ hướng dẫn về các dạng thức giết người nhưng tuyệt nhiên không có hướng dẫn cách điều tra, phá án. Năm 1978, Geberth bắt đầu viết sách cho Tạp chí Luật pháp và Trật tự. Anh viết từ chính những kinh nghiệm phá án của mình.
Dấu ấn tại vùng đất mới
Năm 1979, công cuộc cải cách diễn ra trên khắp hệ thống cảnh sát Mỹ bởi có ý kiến cho rằng, việc thành lập các đặc khu điều tra là không cần thiết. Trong suốt một năm, công cuộc tái bổ nhiệm âm thầm diễn ra trong các đặc khu. Với tiếng tăm gặt hái được ở Bronx, Geberth được bổ nhiệm làm chỉ huy ở khu vực Riverdale.
Tại nơi làm việc mới, những vụ án nhỏ cùng đội ngũ cảnh sát còn non tay khiến Geberth không giấu nổi nỗi thất vọng.
Một buổi tối nọ, chuông điện thoại bất ngờ reo vang. Geberth đã có trong tay vụ án đầu tiên tại vùng đất mới. Geberth ngay lập tức có mặt tại hiện trường vụ án. Bao trùm nơi đây là bầu không khí hỗn loạn. Nhân viên y tế muốn đưa thi thể đi, người nhà nạn nhân tụ tập xung quanh căn hộ. Nhân viên cảnh sát đã đưa ra kết luận đây là vụ tự sát vì hiện trường còn vương lại lọ thuốc an thần đã hết nhẵn.
Tuy nhiên với kinh nghiệm phá án, Geberth ngay lập tức nhận thấy những điều bất thường trong vụ “tự sát” này.
Anh lại gần thi thể người phụ nữ trẻ, kéo tấm thảm trải sàn lại và nằm xuống. Anh cẩn trọng kiểm tra vành mắt người thiếu phụ. Những vết xuất huyết đốm đã cho anh câu trả lời: “Đây là một vụ mưu sát có chủ ý”. Anh lập tức ra lệnh phong tỏa khu vực và điều tra những người sống trong căn hộ này. Cô con gái 8 tuổi của nạn nhân khiến anh chú ý. Bằng sự quan sát tài tình, anh nhanh chóng nhận ra những bất thường. Vì vậy, anh quyết định tới ngôi trường cô bé đang học để tìm kiếm thông tin. Cô bé cho biết, khi mình thức dậy thì em gái đang xem hoạt hình. Cô cùng mẹ ăn sáng và tới trường lúc 8h25. Khi cô bé rời nhà thì bố đang nằm trên giường và mắng nhiếc mẹ.
Từ đây, bức màn bí ẩn của vụ án dần được hé lộ.
Chồng nạn nhân tốt nghiệp trường John Jay về công lý tội phạm. Hắn nghĩ rằng mình biết hết về cảnh sát nên quyết định ra tay sát hại vợ để kiếm người tình mới. Hắn dựng nên viễn cảnh vợ bị trầm cảm sau khi sinh đứa con gái thứ hai. Hắn dàn dựng việc ra khỏi nhà vào 7h sáng để lấy trợ cấp thất nghiệp. Hắn cũng bịa chuyện mình trở về vào 9h45 thì cửa nhà không khóa. Nghe tiếng con khóc thì hắn vội vã chạy vào và phát hiện vợ gục ngã trên bồn rửa. Hắn đã cố hết sức hô hấp nhân tạo nhưng mọi thứ đã quá muộn. Hắn còn khéo léo khóc lóc và nhờ em trai báo cho cảnh sát.
Toàn bộ mánh khóe của hắn đã bị Geberth phanh phui. Nhất là khi cô con gái ba tuổi của hắn thuật lại việc bố đã khống chế mẹ và ấn đầu mẹ vào bồn nước.
Mỗi khi nhắc lại vụ án này, Geberth vẫn cảm thấy may mắn vì anh đã tiếp cận được 2 cô bé trước khi bố của chúng nghĩ tới điều đó.
Với việc khám phá ra những vết xuất huyết đốm, Geberth không ngờ mình lại phải đương đầu với một tay không hề đơn giản. Nhân viên pháp ý đáng ra sẽ công bố nguyên nhân cái chết vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, chồng nạn nhân đã nhanh chóng thuê luật sư và cánh sát không thể tiếp cận lũ trẻ được nữa.
Không lâu sau đó, Geberth bị vướng vào một vụ bắn súng. Chỉ tới khi cuộc nã đạn kết thúc, anh mới nhận ra danh tính của người đàn ông chỉ xém chút nữa đã bị anh hạ gục.
Súng nổ
Năm 1971, sau khi có mặt tại tòa án Manhattan với tư cách điều tra viên trong một vụ cướp, Geberth nhanh chóng trở về nhà. Khi đang dừng xe chờ đèn đỏ ở phố Canal, anh bắt gặp hai người đàn ông đang khống chế một người đàn ông khác và áp giải anh ta vào xe của mình. Người đàn ông tội nghiệp kêu gào tìm kiếm sự trợ giúp. Máu cảnh sát trong người nổi lên khi anh nghĩ rằng người đàn ông này sắp bị sát hại.
Geberth nhanh chóng lái xe tiến lại gần khi gã đàn ông thứ ba lái xe đi. Anh nghĩ rằng người đàn ông có thể là gangster và sắp sửa bị kết liễu. Anh quyết không để điều đó xảy ra. Đúng lúc đó, chúng phát hiện ra sự hiện diện của anh và thình lình tăng tốc.
Anh lập tức khởi động còi cảnh sát trên xe và cuộc rượt đuổi bắt đầu. Bọn chúng nổ súng trước tiên và anh không ngần ngại nã đạn đáp trả. Anh truy đuổi chúng tới đường Little Lady và chúng bắt đầu mất lái. Chiếc xe lao lên vỉa hè và đâm vào một tòa nhà. Ba gã đàn ông nhanh chóng tẩu thoát. Chúng chạy theo các hướng khác nhau. Anh lập tức đuổi theo tên lớn nhất đang chạy xuống đường lớn.
Đột nhiên, một giọng nói lạnh lùng cất lên từ phía sau anh: “Hạ vũ khí xuống không chúng tôi sẽ bắn”.
Anh nhận ra mình đang bị đội ngũ cảnh sát hùng hậu bao vây với những khẩu súng đã lên nòng sẵn sàng khai hỏa. Anh hạ vũ khí và cố gắng giải thích rằng mình đang trên đường truy bắt tội phạm. Quay trở lại vị trí chiếc xe, anh nhận ra không có ai ở đó. Anh bất chợt thấy người đàn ông tội nghiệp nọ đang tự đấm mình. Hắn ta vừa đấm vừa nói: “Kim cương của tôi? Anh đã lấy hết rồi đúng không?”.
Hắn ta là một tay buôn kim cương, mỗi viên trị giá hơn 100.000 đô la. Hắn tới một tiệm trang sức để khách xem hàng, tuy nhiên đó không phải là mặt hàng chúng yêu cầu. Tất cả chỉ là một vụ dàn dựng.
Viên chỉ huy cảnh sát ở nơi này tỏ ra khó chịu với Geberth, tuy nhiên anh thuyết phục rằng mình chỉ đang làm nhiệm vụ. Khi ở tòa, anh là một người hùng nhưng giờ đây, mọi chuyện có thể bị đảo lộn hoàn toàn.
Sau đó, anh nhận được điện thoại từ văn phòng công tố quận thông báo rằng họ đang tiến hành thủ tục điều tra anh. Geberth nhận ra nguyên đơn đã bị đe dọa. Một thẩm phán khác đã bác đơn kiện. Tòa cũng không có bất kì động thái nào với cả hai bên. Và vụ việc cứ thế giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, với chuỗi thành tích đáng nể trên mặt trận đấu tranh chống phạm, tòa tuyên bố Geberth vô tội. Anh còn nhận được thư khen ngợi của Frank Hogan, công tố viên quận.
Vài năm sau, kết quả của tòa được giải mật. Đó cũng là lúc Geberth biết được danh tính của kẻ mà anh truy đuổi đêm hôm đó – không ai khác ngoài John Gotti.
Thuyết âm mưu
Thành phố New York từng đắm chìm trong bể máu vào những năm 1976 – 1977 từ tên tội phạm với bí danh “sát thủ 44 li”, kẻ xả súng man rợ. Chỉ trong vòng 1 năm, hắn đã tấn công 13 người và 6 trong số đó đã thiệt mạng. Hắn thậm chí còn gửi thư tới tòa soạn báo, gọi mình là “con trai của Sam” và gieo rắc nỗi sợ hãi lên khắp thành phố.
Sau khi David Berkowitz, 24 tuổi bị bắt nhờ tấm vé đậu xe tại hiện trường vụ xả súng, hắn đã thú nhận tội ác của mình. Tuy nhiên, hắn một mực khẳng định rằng những hành động ngu ngốc này của mình là do bị người hàng xóm sai khiến. Khi David cố gắng bán câu chuyện của mình, chính quyền thành phố New York đã ra đạo luật “Con trai của Sam”, theo đó các bị cáo bị cấm kiếm tiền từ những hành động tội ác của mình. David sau đó đã nhập trại và bị kết án 6 năm tù giam. Tưởng rằng vụ án đã khép lại tại đây. Tuy nhiên, tất cả chưa phải là dấu chấm hết.
Trong những bức thư mà “con trai của Sam” gửi đến tòa soạn có hàm chứa những trích dẫn bí ẩn của “một cá nhân” khác, người đồng phạm với David trong những vụ án mạng. Chúng là thành viên của tổ chức theo trường phái quỷ Satan với tên gọi “Tiến trình phán quyết cuối cùng.” Hai thành viên khác của tổ chức này là Michael và John Carr, còn được biết đến với tên gọi khác là "the Joker" và "công tước Tử thần”.
Bố của chúng, Sam Carr, là người đưa yêu cầu giết người cho David. Không một ai khác bị bắt giữ. Tuy nhiên, phóng viên Maury Terry quyết định điều tra vụ việc. Cuốn sách “Tội ác sau cùng” của anh là kết quả cuộc điều tra. Maury tìm ra những bằng chứng về một thuyết âm mưu theo đó tội ác của David không những liên quan đến tổ chức kể trên mà còn có mối liên hệ với vụ án Charles Manson vào năm 1969 tại Los Angeles. Giới truyền thông nhanh chóng nhập cuộc yêu cầu cảnh sát tái điều tra vụ việc.
Vernon Geberth tại một cuộc hội thảo. |
Terry đã tiến hành phỏng vấn David và hắn khẳng định mình chỉ bắn chết hai nạn nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc đã có kẻ khác cũng ra tay giết người nhưng lại thoát tội trót lọt. Terry cũng nhấn mạnh rằng, cả hai anh em nhà Carr đã chết đầy khó hiểu sau khi David bị bắt hai năm. Một tên khi chết có dòng chữ số 666 trên cánh tay, tên còn lại chết vì lái xe khi say rượu mặc dù hắn vốn không biết uống rượu. Terry đi tới kết luận, có nhiều hơn 1 tay súng trong những vụ xả súng đẫm máu ấy.
Từ phiên xét xử kì cục
Vào ngày 12/6/1994, cả nước Mỹ đã không khỏi bàng hoàng trước vụ án mạng đẫm máu. Nicole Brown Simpson, vợ của cựu cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng O. J. Simpson, là nạn nhân của một vụ hành quyết khi kẻ thủ ác chém cô tới chết. Hắn ta cũng dùng dao đâm nhiều nhát vào người đàn ông 25 tuổi đang ở cùng Nicole lúc đó là Ronald Goldman. Cả hai người gục ngã trong bể máu ngay trước cổng nhà.
Mặc dù Nicole và chồng cũ không còn quan hệ hôn thú song cảnh sát vẫn liên hệ với Simpson. Hắn trở thành nghi phạm trong vụ án. Tại nhà riêng của hắn, các thám tử phát hiện những vết máu nhỏ giọt ở cửa chiếc ôtô Ford Bronco của hắn. Vệt máu dẫn ngay tới cửa nhà. Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra vụ việc, Simpson đang trên đường bay tới Chicago.
Hắn quay trở về Los Angeles và đồng ý tham gia điều tra. Các điều tra viên nhận thấy vết cắt ở ngón tay hắn trên bàn tay trái. Lúc đầu, Simpson kể vài câu chuyện đối lập về việc hắn đã bị đứt tay như thế nào. Khám nghiệm hiện trường cho thấy, tên sát thủ đã bị đứt tay và máu của hắn nhỏ giọt bên ngoài cổng.
Máu nhỏ giọt tại hiện trường được đưa đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu máu không trùng với máu của các nạn nhân. Máu Simpson nhanh chóng được xét nghiệm và kết quả hai mẫu máu là trùng khớp.
Nhận thấy rằng, mình có thể bị bắt giữ, Simpson ngay lập tức bắt chuyến bay cùng bạn của mình, Al Cowlings. Cuối cùng, hắn cũng chịu tới sở cảnh sát nhưng khẳng định mình vô tội, đồng thời thuê đội ngũ luật sư hùng hậu để biện hộ cho mình. Họ nhanh chóng bảo vệ bị cáo bằng cách nói rằng thám tử Mark Fuhrman, người đã tới nhà Simpson vào đêm án mạng xảy ra là người phân biệt chủng tộc và anh đã ngụy tạo chứng cứ.
Toàn bộ buổi xét xử được truyền hình trực tiếp trên toàn đất Mỹ. Geberth cũng theo dõi vụ án này. Là chuyên gia điều tra án mạng, Geberth đồng ý trở thành nhà bình luận cho ấn bản hằng tuần Inside. Anh khẳng định rằng Simpson có tội.
Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 4 giờ đồng hồ, bồi thẩm đoàn tuyên bố Simpson vô tội.
Đến văn phòng thám tử tư vấn
Sau khi nghỉ hưu, thay vì làm bảo vệ như bao cựu nhân viên cảnh sát khác, Geberth vẫn muốn tiếp tục điều tra các vụ án mạng. Vì thế, ông bắt đầu kinh doanh dịch vụ tư vấn điều tra án mạng P. H. I. Ông cũng mời những cảnh sát cùng chuyên gia đầy kinh nghiệm tới cộng tác với mình, trong đó phải kể đến Giáo sư Michael Baden, Phó giáo sư Henry Lee và thám tử điều tra cao cấp Raymond Pierce.
Hàng năm trôi qua, ông nhận thấy sự gia tăng của các vụ án mạng liên quan đến tình dục. Vì vậy, ông dành thời gian với các học giả để bàn luận về vấn đề này.
Bàn về vấn đề trên, Geberth đưa ra báo cáo về một vụ việc trên website của mình (www.practicalhomicide.com). Một cô bé 11 tuổi được phát hiện đã treo cổ tự tử ngay trong phòng ngủ của mình. Mẹ cô bé đã báo cho 911. Sau khi khám nghiệm tử thi, các chuyên viên pháp y cho rằng sự việc không đơn giản như vậy nên đã tìm đến sự cố vấn của Geberth.
Tại hiện trường, cô bé bị chiếc vòng cổ chó nối với đoạn dây xích có một đầu có móc câu chữ S thắt chặt khí quản. Mẹ nạn nhân cho biết, anh trai 7 tuổi của cô bé là người đầu tiên phát hiện ra vụ việc. Khi đó, bà đang bận trông trẻ (bà là cô nuôi dạy trẻ tại gia) nên cậu bé được giao nhiệm vụ gọi em gái đang làm bài tập xuống ăn trưa. Bà cũng cho biết rằng, cô bé có thói quen buộc các đồ chơi của mình trong tư thế giống như tư thế khi chết của cô bây giờ.
Khám nghiệm tử thi cho thấy, cô bé đã bị cưỡng bức. Điều này khiến cái chết của cô bé trở nên nghi vấn. Người cha trở thành nghi phạm số 1 của vụ án. Hắn nói rằng, những thương tổn ở âm đạo và hậu môn của cô bé có thể là do sử dụng tampon và từ chối tham gia điều tra bằng máy đo nhịp tim (Thiết bị kiểm tra độ chân thực của lời khai). Tất nhiên, hắn đã thất bại trong cuộc kiểm tra. Hắn thừa nhận mình đã cưỡng bức chính con đẻ của mình.
Người vợ cung cấp chứng cớ ngoại phạm cho chồng nhưng từ chối hợp tác điều tra bằng máy nói dối. Cô dường như không mấy để tâm đến việc con gái đã bị cưỡng bức tới chết. Geberth chú ý tới một điểm bất thường khác của người mẹ này – đó là sau khi phát hiện ra thi thể con gái, cô không hề hạ xác cô bé xuống, điều mà bất cứ người mẹ bình thường nào cũng sẽ làm. Cô ta gọi 911 thay vì xe cứu thương. Câu chuyện của hai vợ chồng càng khiến vụ án thêm phần nghi hoặc.
Thêm vào đó, kết cấu của chiếc thòng lọng là quá phức tạp đối với một cô bé mới chỉ 11 tuổi. Trên tay nạn nhân cũng không hề có gỉ sắt từ chiếc dây xích. Điều này là vô lý nếu như cô bé tự mình thắt cổ tự tử. Bốn người bạn của cô bé cũng khẳng định nạn nhân không hề bị trầm cảm hay muốn tự tử.
Geberth biết rằng, cha mẹ nạn nhân là hai kẻ tình nghi số 1 trong vụ án này. Khi người cha thừa nhận việc cưỡng bức con gái, đội ngũ pháp y kết luận cái chết của cô bé là “chưa rõ nguyên nhân”. Đây là một vụ bỏ sót tội phạm đáng tiếc.
Phá án thành công
Vị trí đáng ngưỡng mộ của Geberth trong ngành điều tra giúp ông có quyền tiếp cận những bằng chứng từ những vụ án đình đám đã từng được điều tra trên nước Mỹ.
Tại New Mexico năm 1999, một người phụ nữ khỏa thân tìm đến cảnh sát thông báo rằng cô vừa bị một người đàn ông bắt cóc. Hắn đã dùng đủ thủ đoạn tra tấn cô trước khi cô may mắn trốn thoát. Nhà chức trách đã tiến hành bắt giữ David Parker Ray, kẻ bạo dâm 60 tuổi. Hắn ta không những chụp ảnh mà còn quay phim lại “thú tiêu khiển” của mình với cô gái bán hoa tội nghiệp. Hắn hành hạ các nạn nhân đáng thương để thỏa mãn nhục dục đầy thú tính của mình. Các nạn nhân mới luôn bị hắn dọa dẫm bằng các video trước đó. Sau khi chán chê, hắn sát hại các nạn nhân và thủ tiêu xác của họ ở vùng ngoại ô hoặc tại một chiếc hồ nào đó.
Bạn gái hắn, Cindy Hendy cùng con gái tên sát thủ máu lạnh Glenda Ray cũng cùng hắn tham gia trò chơi thú tính.
Vụ án được Geberth đưa vào cuốn sách “Những vụ án mạng liên quan đến sex”.
Tại St. Louis, Missouri, năm 2001, gái mại dâm liên tục bị sát hại dã man. Mẫu ADN tại hiện trường các vụ án mạng được đưa đi xét nghiệm. Tuy nhiên giữa chúng không hề có bất cứ sự trùng khớp nào. Bill Smith, phóng viên tờ St. Louis Post Dispatch, đã viết câu chuyện về các nạn nhân và bất ngờ nhận được thư hồi đáp.
Tất cả dẫn cảnh sát đến địa chỉ IP ở ngoại vi St. Louis. Danh tính kẻ thủ ác được hé lộ. Đó là Maury Travis. Khám xét nhà nghi phạm, cảnh sát phát hiện ra hàng loạt bằng chứng về việc tra tấn và sát hại những người phụ nữ.
Khi được xem những bức hình chụp các nạn nhân, Travis vẫn khăng khăng chối tội. Tuy nhiên, hắn đòi được “gặp” lại các cô gái đã bị giết. Cảnh sát không cho hắn biết các nạn nhân xấu số đã chết. Hắn không ngừng nguyền rủa Internet. Khi hắn yêu cầu được uống soda, cảnh sát đã lấy mẫu nước bọt của Travis để xét nghiệm. Mãu ADN của hắn trùng khớp với hai mẫu đã thu được tại hiện trường. Travis bị kết án cho cả 12 vụ án mạng tương tự. Cuối cùng hắn tự kết liễu đời mình trong ngục tối.
Kết
Với đóng góp của mình, Geberth nhận được hơn 60 huân chương cho lòng dũng cảm và những cống hiến phi thường trong suốt 23 năm phục vụ. Ông đã trực tiếp điều tra, giám sát, thẩm định, và khảo nghiệm hơn 8.000 vụ giết người hàng loạt. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách điều tra tội phạm. Suốt 25 năm, ông để lại dấu ấn đậm nét trong ngành điều tra thực nghiệm án mạng cũng như trong giới luật gia trên khắp cả nước, kể cả FBI.