Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Đau đáu vì di sản
Sau nhiều năm ẩn giật, giờ đây, ở tuổi 51, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tiếp tục trình làng công trình nghiên cứu hơn hai năm ròng rã về trình thức Hát cửa đình của Ả đào. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền về vấn đề này!
- Thưa nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, tôi biết dự án này anh đã theo đuổi ròng rã nhiều năm. Điều gì khiến anh cứ trăn trở và theo đuổi những cái "khó" mãi vậy, mà không tìm một con đường nào trải nhiều hoa hơn để đi?
+ Tôi đã sung sướng đến trào nước mắt vì công trình nghiên cứu của mình được ra mắt tới đông đảo bạn yêu nhạc, được các nhà nghiên cứu bậc đàn anh, các cha chú trong nghề thừa nhận. Nó không phải chỉ cho riêng mình tôi, mà cho cả một hệ thống nhạc Ả đào của cha ông lần đầu tiên được Lý thuyết hóa và có một niêm luật rõ ràng để có thể truyền lại cho thế hệ sau.
Thực ra, tôi đã nghiên cứu cổ nhạc hơn 20 năm nay rồi, nên tôi có thể tự tin nói rằng tôi nắm khá vững về quy luật âm điệu của các thể loại tài tử - cải lương, chèo, tuồng, xẩm, quan họ, hát văn..., nhưng riêng mảng Ả đào (tức ca trù) thì mới chỉ dừng ở các nghiên cứu lịch sử văn hóa. Và để làm được điều đó, tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để nghe lại các băng, đĩa của các cụ ngày xưa, có những đoạn băng đã gần như bị hỏng, bị đứt, nhàu vì thời gian quá lâu rồi.
Có lúc tôi ngồi cả ngày chỉ để khôi phục lại một đoạn băng để có thể nghe và ghi chép lại tỉ mẩn từng câu hát, từng câu chỉ dạy của các nghệ nhân dân gian đã đi vào thiên cổ. Điều đó có ý nghĩa vô cùng đối với công trình của tôi vì rõ ràng, nếu mình không làm thì mọi thứ cũng sẽ chỉ nằm ở đó, trong đống băng cũ rích và những tài liệu ít ỏi được truyền lại từ các bậc nghệ nhân, và chắc chắn, sẽ bị hỏng hóc đi cùng thời gian.
- Điều gì đã khiến anh cho rằng, trình thức Hát cửa đình của nhạc Ả đào đang bị mai một, trong khi ngày nay, có vẻ rất nhiều chiếu ca trù đang được khôi phục lại trong địa bàn Hà Nội và rất nhiều bạn trẻ đang nổi lên nhờ dòng nhạc này?
+ Vấn đề là ở chỗ đó. Tôi biết rằng, cần thiết phải vỗ tay để khen cho những bạn trẻ đi theo âm nhạc dân tộc đặc biệt là ca trù để khích lệ sự sinh sôi về số lượng và đó cũng là một cách bảo tồn di sản. Nhưng, có một vấn đề xảy ra khiến tôi cần phải đi từ chính bản thân mình vì trách nhiệm và lòng yêu cổ nhạc.
Chuyện là năm 2014, tôi có may mắn được mời làm giám khảo trong liên hoan ca trù toàn quốc, được ngồi chấm thi cùng cụ Nguyễn Phú Đẹ - kép đàn lão thành cuối cùng của thế kỷ XX, nghệ nhân duy nhất còn lại từng tham gia trình diễn nhạc Ả đào ở cả 2 không gian: cửa đình và ca quán. Trong một tiết mục của một đoàn trên sân khấu biểu diễn hát cửa đình và sử dụng quạt để múa.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và danh ca Nguyễn Thị Chúc. |
Cụ Đẹ có nhận xét là xưa nay, tôi chưa thấy hát cửa đình người ta dùng quạt bao giờ thì ở trên sâu khấu, cô diễn viên trẻ măng "cãi" luôn là "Con nhìn thấy hát cửa đình dùng quạt nhiều lần rồi!". Nói thật là tôi đây có hơn 20 năm nghiên cứu cổ nhạc, nhưng chưa bao giờ dám cãi cụ Đẹ một câu nào, là bởi vì mình không biết thì phải "dựa cột mà nghe", cụ đã ngoài 90 tuổi, là người sống cả đời trong vùng văn hóa dân gian ấy, nên cụ nói về vấn đề này thì cấm có sai.
Khi nghe cụ phân tích thì mình mới thấm, mới hiểu và tôi giật mình, trời ơi, nếu những người như cụ Nguyễn Phú Đẹ, một mai kia lại về với tiên tổ thì còn ai nữa để mà hỏi, mà lắng nghe, mà quan sát. Ngay sau liên hoan, tôi về bàn bạc với vợ và quyết định dừng tất cả mọi việc đang làm dang dở để lên đường về Tứ Kỳ, Hải Dương cùng ăn cùng ở với cụ Đẹ để tìm hiểu mọi thứ đến nơi đến chốn.
Trong buổi thuyết trình về tom, chát. |
Thú thực thời gian này, tôi làm việc như điên bất kể ngày đêm cùng các nguồn tư liệu đang sưu tầm, cái thì được bạn bè, người thân trao tặng, cái thì bỏ tiền mua. Trong đó rất nhiều tư liệu vô cùng quý hiếm được tôi dày công phục chế từ những cuốn băng cassette cũ nát...
Lúc đó, mục tiêu duy nhất đề ra là phải làm càng nhanh càng tốt khi mà cụ còn đủ minh mẫn, sức khỏe. Tới đầu năm 2016, vừa khi tôi hoàn thành các nghiên cứu cơ bản của công trình thì nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ không may lâm bệnh trọng với cơn tai biến buổi xế chiều.
- Và anh bắt đầu công trình lý thuyết hóa ca trù để truyền dạy cho thể hệ trẻ như thế nào?
+Mọi việc đành tạm ngưng đến cuối năm 2016, biết được tính chất hệ trọng của công trình tôi tiến hành mấy năm qua, quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khi đó là PGS.TS Từ Thị Loan đã khẩn thiết yêu cầu tôi xây dựng một dự án bảo tồn Ca trù ở địa bàn Hà Nội. Và, tôi quyết định tiến hành một đề án với mục tiêu tập huấn nhạc Ả đào cổ điển theo phương pháp tiếp cận mới.
Từ cuối tháng 2/2017, lấy nhóm Ả đào Phú Thị làm đối tượng, tôi dùng chính hệ thống lý thuyết mới nghiên cứu tiến hành thử nghiệm việc học nhạc đi kèm với việc học âm luật. Xưa kia, đào kép các giáo phường thường chỉ học bài bản qua việc truyền ngón nghề, truyền khẩu theo phương pháp tại chỗ.
Còn bây giờ, tất cả mọi chi tiết, thành tố nghệ thuật âm nhạc từ toàn bộ đến từng phần đều được đúc kết, lý thuyết hóa để giúp đào kép hình thành sự cảm nhận với ý thức chủ động. Mặt khác, căn cứ trên hệ thống lý thuyết đã đúc kết, chuẩn mực nghệ thuật cổ điển của Ả đào hy vọng sẽ được lưu truyền vững chắc với việc xác định rõ các khái niệm cơ bản như: khổ đàn, khổ phách, âm điệu, cấu trúc bài bản các loại...
- Rõ ràng, nói đến anh, thường người ta hay nói bằng một câu đơn giản là "thán phục" bởi những gì anh đã làm cho cổ nhạc dân tộc. Tuy nhiên, đã là những gì thuộc về số đông thì luôn gặp phải những ý kiến trái chiều. Anh có lo ngại sẽ có những ý kiến phản bác rằng, những lý thuyết và khái niệm cơ bản mà anh đã dày công soạn sửa, ghi chép, in ấn và công bố kia chưa chắc đã là những chuẩn mực của hát Ả đào. Anh sẽ đối diện với vấn đề này thế nào?
+ Tôi sẵn sàng lắng nghe và đối chất với bất cứ câu hỏi nào, bất cứ thắc mắc nào cũng như mọi phản biện. Vì tôi làm khoa học thì dĩ nhiên, tôi có cơ sở. Cơ sở đó ngoài hệ thống lý thuyết của cả một thế kỷ tổng kết về ca trù thì còn rất nhiều băng đĩa phục dựng, là những cuộc gặp gỡ, phỏng vấn các nghệ nhân của dân tộc như cụ Đẹ và những danh ca một thế kỷ qua có cụ đã đi vào thiên cổ nhưng tôi vẫn còn những file ghi âm lại như cụ Quách Thị Hồ, cụ Chu Thị Năm hay các nghệ nhân như Nguyễn Thị Trúc, Phó Thị Kim Đức... để đưa ra một đáp án cuối cùng, đâu là đúng, đâu là sai, đâu là một đáp án hợp lý dựa trên các tư liệu đã có.
Nhóm hát của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trong dự án khôi phục nhạc Ả đào. |
Nói thật là có làm đến nơi đến chốn mới thấy trong lĩnh vực này, mình như một đứa trẻ, cứ đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cứ "ô", "a" suốt thôi như tìm thấy chân lý. Ngày nay, nhiều bạn trẻ được học hát nhưng hát chưa đến nơi đến chốn, có khi tôi cảm thấy vì chưa hiểu hết và chưa được nghe có hệ thống các lối hát của các cụ ta xưa nên đôi khi tôi nghe các bạn hát như bị cái gì xiết vào cổ ấy, không thoát ra được. Ca trù không phải thế. Cũng qua đây, tôi mong các đào kép hiện nay đang theo đuổi dòng nhạc này phải bình tĩnh lại thì sẽ tốt hơn và sẽ đi được bền hơn trong con đường nối tổ nghiệp...
- Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền!