Người thầy mang quân hàm xanh

Thứ Ba, 20/11/2018, 16:17
Thầy giáo, Trung tá Mai Văn Sơn, Đồn Biên phòng Hải Vân chia sẻ xuất phát từ tình cảm coi dân như người thân trong gia đình mình, mà ngoài công tác chuyên môn của đơn vị, những người lính mang quân hàm xanh đã “giữ" được "lửa” gieo chữ suốt nhiều năm qua.


Người thầy là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Thầy cô là những người đã hun đúc nên tâm hồn thế hệ tương lai của đất nước. Những người thầy mang quân hàm xanh đặc biệt hơn, bởi họ không chỉ là người vun trồng cho các thế hệ tương lai mà còn là những người lính bảo vệ biên cương của Tổ quốc. 

Nhân ngày 20-11 - Ngày hiến chương các nhà giáo, xin được viết về một người thầy như thế: Thầy giáo, Trung tá Mai Văn Sơn, Đồn Biên phòng Hải Vân.

Cơ duyên “gieo chữ”

Sinh năm 1967 tại một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, Mai Văn Sơn tốt nghiệp Trung cấp Biên phòng năm 1992 và được phân công về Đồn Biên phòng 256, thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ. Địa bàn đơn vị anh phụ trách rất rộng, kéo dài từ biển đến vùng rừng núi. 

Theo sự phân công, anh Sơn phụ trách khu vực ven biển. Cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng thiếu thốn và cực khổ bởi nghề nghiệp của họ không ổn định, sống chủ yếu bằng nghề đi biển, đông con, trình độ văn hóa, dân trí thấp, đó cũng là lý do con cái họ cũng không có điều kiện để đến trường.

Thầy giáo - Trung tá Mai Văn Sơn.

Anh Sơn cho biết: "Lũ trẻ thường phụ giúp cha mẹ những việc vặt trong nhà như nấu cơm, bế em. Những đứa lớn một chút có thể làm công việc đồng áng, thậm chí đi biển. Những năm đó, rất nhiều đứa trẻ sống trên ghe, thuyền cùng gia đình. Chúng chỉ quen với cuộc sống lênh đênh trên mặt nước".

Nhận thấy mình cần phải làm cái gì đó để cải thiện cuộc sống của người dân, anh Sơn đề đạt xin cấp trên mở lớp học tình thương, xóa mù chữ cho người dân miền biển. Nghĩ là làm, nhưng thời gian đầu khó khăn chồng chất, đặc biệt khi vận động, thuyết phục người dân học chữ, nhất là những người lớn tuổi. Một số ngại đến lớp vì cho rằng già rồi học không để làm gì nữa, mà có học xong cũng chỉ về làm nông, bám biển. Số khác nói thẳng với anh rằng đi học thì không ai làm nông, đi biển hay trông con cho họ.

Anh nói: “Người dân nơi đây trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Có nhà tới 7-8 đứa con nhưng chỉ đủ khả năng lo cho 1 hoặc 2 cháu đi học. Các cháu lại phải cùng cha mẹ lo bươn chải cuộc sống. Người lớn thì lúc đầu cũng không mặn mà đi học vì lý do tuổi tác, đặc biệt không phù hợp với hoàn cảnh thực tế của họ vì phải làm ăn dài ngày trên biển”.

Tuy nhiên, sau một thời gian sống cùng người dân, chia sẻ và giúp đỡ họ những công việc trong cuộc sống, anh cùng đồng đội khiến người dân tin tưởng. Những đứa trẻ lần đầu tiên học chữ tỏ ra mừng rỡ. Cuối cùng, chúng cũng được cắp sách đến trường như các bạn. Cái duyên “gieo chữ”, trở thành người thầy của anh lính Mai Văn Sơn bắt đầu từ đó. Vui, ấm áp, nhưng lại chẳng dễ dàng chút nào vì “nhiều khi không thể gom lũ trẻ lên bờ để dạy, chúng tôi phải chèo thuyền thúng, tìm đến tận nơi để kèm riêng cho từng cháu. Đó là những năm từ 1992 đến 1999”, thầy giáo Sơn chia sẻ.

Cũng từ đó cho đến khi chuyển công tác đến nhiều đơn vị khác như Đồn Biên phòng Phú Lộc, Phòng Chính trị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng và hiện giờ là Đồn Biên phòng Hải Vân, ở đâu anh cũng trăn trở với việc mang con chữ tới bà con vùng khó. Trong gần 26 năm công tác, Trung tá Mai Văn Sơn đã vận động, tham gia mở và giảng dạy trên 100 lớp học xóa mù chữ cho bà con nghèo, khó khăn.

Coi bà con như người thân trong nhà

“Bí quyết” để có được sự tin yêu của người dân được thầy giáo Sơn bật mí chính là phải coi họ như người thân của mình. Thầy thì phải vừa làm tốt vai trò của người lính canh giữ biên cương vừa phải mang được con chữ đến cho học trò của mình. Nhưng “trò” cũng đâu phải chỉ có việc học, họ còn phải đi cấy, đi gặt, đi biển, trông con... Thế là để người dân có thời gian đến lớp, anh Sơn cùng các đồng nghiệp còn thường xuyên xuống giúp dân gặt lúa, dọn dẹp nhà cửa... Ai có lý do đặc biệt không đến lớp được, thầy Sơn lại tới tận nhà dạy kèm vào lúc rảnh rỗi để kịp mạch học của cả lớp.

Thầy giáo - Trung tá Mai Văn Sơn thăm hỏi người dân thuộc địa bàn Đồn Hải Vân quản lý.

Với những người ban ngày lo việc đồng áng, gia đình, 5-6 giờ chiều lại ra biển, thầy Sơn phải sắp xếp khung giờ học đặc biệt muộn hơn các lớp học khác. Cụ thể trong tuần, cứ cách 2 ngày một lần, thầy Sơn bố trí lớp dạy học vào ban đêm, từ 19-21giờ để dạy cho họ. Nhiều khi thêm 1 giờ vào buổi trưa hoặc tranh thủ những ngày biển động, không có cá, người dân nghỉ ở nhà thì sắp xếp bố trí lớp học vào giờ “nhàn rỗi” đó. Tất cả các lớp học đều được thầy Sơn tổ chức kiểm tra, thi theo từng mức học sau mỗi tháng, mỗi quý để đánh giá chất lượng.

Hiện tại, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đang dạy 7 lớp với 85 học viên. Trong đó, Đồn biên phòng Hải Vân đảm nhận xóa mù chữ cho 12 học viên có độ tuổi từ 36-45. Đặc biệt, trong số này có một học viên nhỏ tuổi vừa câm vừa điếc.

Thầy Sơn chia sẻ xuất phát từ tình cảm coi dân như người thân trong gia đình mình, mà ngoài công tác chuyên môn của đơn vị, những người lính mang quân hàm xanh đã “giữ" được "lửa” gieo chữ suốt nhiều năm qua. Và “Có lẽ cũng vì thế mà người dân cũng xem chúng tôi như những người thân. Hoạt động xóa mù chữ đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công tác bảo vệ biên giới, khi người dân cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia” - anh nói.

Hiền Lê
.
.
.