Người thầy khuyết tật chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo

Thứ Sáu, 17/06/2016, 15:07
Tốt nghiệp Cao đẳng Nhạc họa Trung ương với tấm bằng giỏi, anh đã chạm được 1 tay vào ước mơ trở thành thầy giáo. Bỗng dưng tai họa ập đến, tai nạn đã khiến anh liệt cả tứ chi, không thể đi lại được. Nguyễn Đình Huấn khi ấy suy sụp muốn kết thúc cuộc đời ở đó. Bằng nghị lực phi thường, Huấn đã vượt lên số mệnh, quyết tâm cầm bút để vẽ và mở lớp luyện thi cho hàng trăm học sinh nghèo.

Gần chục năm sát cánh cùng các trò nghèo, gặt hái được không ít thành công, anh được mọi người ở Lương Tài - Bắc Ninh gọi trìu mến với cái tên "Thầy Huấn họa sĩ".

Định mệnh của chàng sinh viên giỏi

Miền Bắc đang vào những ngày đầu hè, trời nắng như chảo lửa bỗng dưng lại trở gió mùa. Anh Huấn đau ê ẩm, những vết thương cũ sau vụ tai nạn kinh hoàng cứ thế giày vò anh chẳng yên. Dù đau, dù mệt nhưng thầy giáo làng ấy chưa khi nào bỏ dạy. 

Chứng kiến một buổi học của anh Huấn chúng tôi không khỏi xúc động, thán phục nghị lực phi thường của anh. Người ta vẫn gọi lớp học của anh là "lớp học đặc biệt", đặc biệt cả thầy lẫn trò. Người thầy liệt tứ chi, ngồi xe lăn say sưa nắn từng nét vẽ cho các trò nghèo. Chiếc bút chì được nẹp cẩn thận vào cổ tay, anh Huấn như gửi cả tâm tình của mình vào từng đường bút. Cho chúng tôi ngắm những tác phẩm anh vẽ trong những lúc đau đớn nhất, bi kịch nhất của cuộc đời mới thấy được anh yêu cái nghề vẽ, yêu nghề dạy đến mức nào.

Thầy Huấn bên chiếc giá vẽ đặc biệt.

Khả năng hội họa của Huấn đã sớm bộc lộ khi còn là một cậu bé. Trưa hè trốn mẹ, lấy gạch non vẽ khắp nơi. Hễ có bức tường nào trống là vẽ, nghĩ gì là vẽ nấy. Điều kỳ lạ, chẳng ai mắng anh vì vẽ bậy, người làng chỉ gật gù khen. Ước mơ trở thành thầy giáo mỹ thuật sớm được Huấn thực hiện khi anh đỗ vào Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương.

Năm 2007 tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, anh Huấn về quê để thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu. Một lần trên đường đi dạy, tai họa đã ập đến với anh. Tai nạn giao thông khiến anh bị liệt toàn thân. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị liệt cơ, giãn thận, viêm tiết niệu mãn tính… Bao ước mơ, bao khát vọng của thầy giáo trẻ như vỡ vụn, tinh thần suy sụp. Huấn tự giam mình trong bốn bức tường, anh khóc rất nhiều, anh tiếc cho tuổi thanh xuân, tiếc cho bao cố gắng của mình giờ đi vào ngõ cụt. Một lần Huấn vô tình thấy mẹ khóc khi chăm sóc mình. Lúc đó anh thầm nhủ với lòng, phải cố gắng phải kiên cường không đầu hàng số phận. Anh không muốn vì mình mà mẹ và người thân phải khổ.

Cuộc hôn nhân định mệnh

Vì thương con, vì hiểu được nỗi lòng của con, cha mẹ Huấn đưa anh đi chữa trị khắp nơi. Khắp trong Nam ngoài Bắc, thuốc Tây rồi thuốc ta, người ta mách ở đâu là đến thử cho kỳ được. Sau 2 năm chạy chữa nhưng bệnh không thuyên giảm, không ít lần Huấn đã "nghĩ dại". 

Trong cái họa lại có cái phúc, năm 2009 được coi là bước ngoặt lớn nhất của đời Huấn. Cha mẹ đưa anh đến chùa Ngòi để điều trị bằng phương pháp Đông y. Như duyên tiền định anh đã gặp được người con gái của đời mình. Chị Nguyễn Thị Huệ, đã động lòng trước số phận của anh, chị phục nghị lực phi thường của anh, và rồi chị yêu anh. Chị Huệ tình nguyện chăm sóc anh suốt quãng thời gian điều trị ở đây. Có mơ anh cũng chẳng dám tin người phụ nữ ấy lại yêu anh và muốn lấy anh làm chồng. 

"Tôi bệnh tật thế này mơ gì được cô ấy yêu thương. Đúng là định mệnh nên chúng tôi mới đến được với nhau". - Anh Huấn tâm sự. 

Với học sinh, thầy Huấn không chỉ dạy kiến thức mà còn là tấm gương của nghị lực phi thường.

Chị ngày đêm chăm lo cho anh, động viên anh vượt qua số phận. Cảm phục người vợ hiền, anh Huấn quyết định thắp lại ngọn lửa đam mê còn dang dở. Anh tiếp tục cầm bút vẽ, nhưng thử thách với anh lúc này là quá lớn. Liệt tứ chi, anh sẽ cầm bút vẽ thế nào. Ngày nào anh cũng nẹp chiếc bút chì vào cổ tay để tập. Cảm phục trước nghị lực của Huấn, một người bạn làm nghề cơ khí đã làm cho anh chiếc giá vẽ đa năng, có thể gắn vào xe lăn. "Ban đầu khó khăn lắm, như trẻ con mới tập vẽ vậy. Rồi khi nẹp bút vào tay đau lắm, toàn thân mỏi nhừ. Tôi có lúc đau muốn phát khóc" - Anh Huấn kể lại.

 Một tháng, hai tháng rồi nhiều tháng sau đó những nét vẽ của anh ngay ngắn dần trở lại. Nó như động lực để anh tiếp tục cố gắng, anh có thể quên ăn, quên ngủ để luyện. Những lúc thấy anh quyết tâm, chị Huệ không cầm được nước mắt. Thương chồng, chị chỉ biết bên cạnh và động viên, giúp đỡ. "Thấy anh ấy miệt mài, cắn răng chịu đau để luyện vẽ tôi đau như cắt từng khúc ruột. Cũng may là anh ấy dần dần hoàn thiện hơn. Nhiều người xem tranh của anh còn nói là không phải một người khuyết tật vẽ. Tôi hạnh phúc lắm". - Chị Huệ nghẹn ngào.

Chắp cánh ước mơ cho trò nghèo

Trải qua những tháng ngày sinh viên nghèo khó, vượt qua những giây phút sinh tử anh Huấn hiểu hơn ai hết những khó khăn của học sinh trường làng. Quanh vùng rất nhiều em có năng khiếu hội họa, lại khó khăn về kinh tế. Anh quyết định mở lớp dạy mỹ thuật cho các em, mục đích cũng là để các em thực hiện ước mơ của mình. 

Năm 2010 anh bắt đầu nhận một vài em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đam mê hội họa để kèm cặp miễn phí. Từ đó, lớp học của thầy Huấn được nhiều người biết đến, người trong vùng chẳng ai tin nổi một người tàn phế như anh lại có thể làm được điều kỳ diệu ấy. 

Lứa đầu tiên của thầy Huấn có tới hàng chục em đỗ vào các trường đại học như Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng, Mỹ thuật… Nhiều ông bố bà mẹ vì tò mò đã đến tận nhà anh để "mục sở thị" lớp học đặc biệt ấy. Thế là hàng trăm em học sinh từ các huyện lân cận, thậm chí tận Hải Dương cũng sang nhờ thầy Huấn kèm cặp. Tuy nhiên mỗi khóa anh chỉ lựa chọn khoảng 30 em thực sự yêu mỹ thuật, có hoàn cảnh đặc biệt. 

"Các em đến đây học đều không mất tiền học phí. Các em có thể đến học bất cứ lúc nào, tôi chẳng có ca kíp gì cả. Thầy và trò thoải mái trao đổi, thoải mái học. Khi nào mệt thì cùng nhau nghỉ, cùng nhau trò chuyện. Mình được ăn học tử tế nhưng lại gặp bất hạnh. Vì thế mình phải làm những điều có ích cho xã hội, không thể thụ động nằm đó mà than thân trách phận được. Mọi người vui là mình hạnh phúc lắm". - Anh Huấn tâm sự.

Có những khi trái gió trở trời, thầy Huấn lại bị những vết thương cũ hành hạ, phải đi viện để điều trị. Sợ các trò dở dang bài học, thầy lại cắn răng xin về dạy. Cứ như vậy, trải qua 5 mùa thi đã có hàng trăm học sinh của thầy Huấn đỗ đạt. 

Em Nguyễn Thị Mý (xã Phú Hòa, Lương Tài, Bắc Ninh) là một trong những học sinh đặc biệt của thầy Huấn. Hoàn cảnh gia đình em vô cùng khó khăn, đã nhiều lần em muốn nghỉ học giữa chừng. Từ khi gặp được thầy Huấn cuộc đời em đã sang một trang mới. Không chỉ dìu dắt, kèm cặp em mà thầy còn là chỗ dựa tinh thần, là tấm gương nghị lực cho em. 

Năm vừa rồi Mý đã hoàn thành ước mơ Đại học của mình, em đỗ trường Đại học Xây dựng với số điểm cao. "Em có được ngày hôm nay là nhờ thầy Huấn. Thầy không chỉ dạy chúng em kiến thức mà còn dạy chúng em về lẽ sống, là tấm gương nghị lực cho chúng em"- Mý xúc động chia sẻ.

Có tiếp xúc với anh Huấn, có nghe các em học sinh ở đây tâm sự chúng tôi mới hiểu lớp học đặc biệt này đông không hẳn vì miễn học phí. Mà vì các em yêu mến thầy, trên hết là nể phục ý chí vượt lên khó khăn của thầy. Nụ cười lạc quan và hình ảnh chiếc giá vẽ gắn trên xe lăn, chiếc bút nẹp vào cổ tay cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Từ đáy lòng mình chúng tôi hiểu, thầy Huấn hạnh phúc thế nào khi những học trò của mình đạt được ước mơ, có lẽ đó cũng là ước mơ lớn lao nhất của thầy bây giờ.

Phong Anh
.
.
.