Người thầy giáo tật nguyền và giấc mơ có thật

Thứ Ba, 15/09/2015, 14:16
Đứng lớp bằng xe lăn, dùng miệng ngậm bút dạy học trò, chưa qua một lớp đào tạo sư phạm nào, nhưng anh Phùng Văn Trường (Nhân Lý, Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn được mọi người gọi là thầy. Có lẽ đây là thành quả kỳ diệu sau những tháng ngày nhọc nhằn luyện chữ bằng miệng của người đàn ông nghị lực này.
Luyện chữ để ghi nợ

Giữa trưa nắng chang chang, ngôi nhà của anh Phùng Văn Trường đầy ắp tiếng cười, tiếng trẻ nhỏ nô đùa. Vốn là người bị bại liệt, mới chỉ học hết lớp 8 nhưng người dân nơi đây vẫn nhất mực gọi anh với danh xưng thân thương: "thầy Trường".

Trường là con cả trong gia đình có 5 anh chị em, mới 2 tuổi anh đã bắt đầu có dấu hiệu của bệnh teo cơ. Từ đó mọi sinh hoạt, đi lại đều được bố mẹ và người thân giúp đỡ. Con đường đến trường của anh gắn liền với tấm lưng của cha mẹ, gắn liền với đôi tay của bạn bè. Dù vậy Trường vẫn nỗ lực đến trường và 8 năm liền, năm nào anh cũng đạt học sinh giỏi. Cậu bé Trường ngày một lớn lên nhưng chân tay cứ nhỏ dần. Thương bố mẹ vất vả, ngại bạn bè, trường học bị chuyển đi cách nhà hơn 10km, anh đành ngậm ngùi nghỉ học.

Những tháng ngày nghỉ học ở nhà, giam mình quanh bốn bức tường là quãng thời gian chán nản nhất, buồn bã nhất, thất vọng nhất. Nhớ trường, nhớ lớp, bạn bè rồi lại nghĩ đến tương lai vô định của mình, Trường lại khóc. "Thực sự lúc đó tôi buồn chán lắm. Nhiều lúc đã nghĩ đến cái chết để bố mẹ nhẹ gánh, để giải thoát cho mình. Thế nhưng lại nghĩ, mình phải sống tốt, làm điều gì có ích hoặc ít nhất cũng phải tự lo cho mình, điều đó mới là cách tốt nhất để báo hiếu bố mẹ" -  Trường nhớ lại.

Thế rồi Trường quyết định xin bố mẹ mở cho quán tạp hóa đầu làng, bán cái kẹo, chai nước, gói mỳ tôm. Vì thương con, muốn con tiếp xúc với thế giới bên ngoài, bố mẹ anh đành chiều lòng. Nói đến đây mắt anh Trường như nhòa đi, anh bảo: "Từ ngày có cửa hàng tạp hóa, tôi như người được hồi sinh. Lúc đó cứ nghĩ mỗi ngày mình lãi được 1 gói mỳ tôm thôi cũng hạnh phúc lắm rồi. Thế rồi có cái quán mình được tiếp xúc với mọi người, nhìn mọi người thấy đời phấn chấn hẳn lên".

Nhìn nét chữ của anh Trường ít ai nghĩ nó được viết ra từ miệng.

Trường vốn là người hiền lành, ăn nói lại dễ nghe, cửa hàng tạp hóa ngày một đông khách. Người quen mua hàng nợ nhiều khiến anh không nhớ nổi. Trong khi đó bản thân lại không thể cầm bút viết được. Từ đó ý tưởng tập viết bằng miệng xuất hiện.

Trường nhặt được mẩu bút chì, cứ thế anh ngậm vào miệng cặm cụi vẽ vào tờ giấy. Ban đầy lóng ngóng, anh thường xuyên bị bút chọc sâu vào họng gây nôn ọe. Khoảng cách từ miệng tới giấy quá gần khiến mỗi lần tập viết ngẩng lên là hoa mắt, chóng mặt. Dần dần miệng đã quen với bút, anh Trường sử dụng bút chì dài hơn, rồi kết hợp cả bút dạ… cứ như vậy những nét chữ đầu tiên bắt đầu rõ dần, khiến anh rơi nước mắt.

Không bằng lòng với những con chữ ngả nghiêng, xiêu vẹo, anh quyết tâm luyện cho bằng được chữ đẹp. Trường tâm sự: "Viết được bằng miệng đã khó, viết đẹp thì quả là khó lắm. Muốn đẹp thì phải lái được bút, căn li chuẩn, hầu hết cơ mặt phải làm việc". Cuối cùng thì những hàng chữ đẹp như in được anh cho ra đời. Người làng nhìn ai cũng trầm trồ, họ khen chữ một nhưng khen nghị lực của anh Trường mười. Lớp luyện chữ đẹp của một người thầy nghị lực được bắt đầu từ đó.

Hằng ngày, sau giờ đến trường, những đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 trong làng lại được bố mẹ chở đến nhà "thầy Trường" học viết chữ đẹp. Dù không qua một khóa học nghiệp vụ sư phạm nào nhưng thầy Trường vẫn tự tay soạn giáo án, bài giảng, viết chữ và phép tính cộng, trừ, nhân, chia vào những quyển sách đã ghi tên từng em nhỏ.

Anh Trường đang viết mẫu cho học sinh.

Lớp học đặc biệt này không phân biệt tuổi tác, mà chỉ phân biệt trình độ, kiến thức của các em. Hơn nữa ở đây chưa khi nào anh Trường nhắc đến chuyện tiền học phí. Tất cả đều là tự nguyện của gia đình. Anh bảo: "Tôi mở lớp dạy các cháu mục đích là để giúp đỡ. Đồng thời đem lại niềm vui cho bản thân, thấy mình là người có ích. Bố mẹ các cháu thương mình, quý mình người thì đưa 100 nghìn, 200 nghìn/tháng. Thậm chí không đưa đồng nào tôi cũng không có ý kiến gì cả".

Chị Nguyễn Thị Thủy có con gửi tại lớp anh Trường chia sẻ: "Thực sự con nhà tôi gửi ở đây cháu tiến bộ lên rất nhiều. Được bác Trường kèm cặp cháu viết chữ rất đẹp, tính toán cũng nhanh hơn. Bên cạnh việc học, chúng tôi còn muốn các cháu học được tính nhẫn nại, nghị lực phi thường của anh Trường".

Giấc mơ có thật

Qua tuổi 30 anh Trường bắt đầu thấy mình cô độc, thấy mình cần một người sớm hôm sẻ chia những tâm sự. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đã đều yên bề gia thất. Người nào lấy vợ, lấy chồng sớm thì con cái cũng đã đến tuổi cập kê. Nhìn lại thân mình, Trường càng thấy tủi. Tuổi tác ngày một cao lên, sức khỏe thì chỉ có yếu đi, nhưng anh vẫn hằng ngày phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc.

Ước ao về một mái nhà có người vợ hiền và đàn con thơ dường như quá xa xỉ. Bởi trước đó Trường cũng được chị gái bắc cầu, dẫn mối cho làm quen với mấy cô gái. Nhưng chỉ cần gặp anh lần đầu thôi người thì bỏ của chạy lấy người, người thì hờ hững, không ai có ý định tiến sâu hơn. Có lần Trường nói với chị: "Em biết chị thương em nhưng thôi đừng cố dẫn ai về xem mặt nữa. Đằng nào thì cũng có kết quả gì đâu mà nó khiến em buồn thêm".

Với anh Trường có được ngày hôm nay như một giấc mơ có thật.

Biết là vậy nhưng chị của anh Trường vẫn xót em, lúc nào cũng đau đáu mong em tìm được chốn bình yên. Lần khác, chị anh lại giới thiệu cho anh một cô gái làm nghề gánh gạch tên Hường ở xã bên. Cô gái này hơn anh 5 tuổi. Với anh Trường bây giờ thì tuổi tác hơn thua đâu còn là điều quan trọng. Anh chỉ lo người con gái ấy cũng sẽ như bao người con gái trước kia, họ lặng lẽ rút lui để lại trong anh một nỗi tủi phận, ê chề.

Nhưng mọi chuyện đã diễn ra không như anh liệu trước. Bởi ánh mắt mà người con gái ấy nhìn anh lần đầu tiên dâng trọn một niềm cảm thông sâu sắc. Chị không đến một lần mà còn những lần tiếp theo. Mỗi lần đến chị đều chăm sóc anh rất ân cần cứ như thể anh đã là người thân của chị vậy. Hai bên dù không nói ra nhưng biết người kia rất yêu mình.

Yêu nhau một thời gian, chị quyết định về nói chuyện tình cảm của mình cho bố chị biết. Nghe con kể, người bố già 83 tuổi cực lực phản đối. Ông thương đứa con gái quá lứa nhỡ thì, giờ lấy người tàn tật thì sau này biết dựa vào đâu. Không phản đối nhưng chị cứ lặng lẽ yêu anh và thuyết phục bố mình. Cuối cùng bố chị cũng đồng ý gọi điện cho anh.

Ông hỏi lý do vì sao anh lại yêu và muốn lấy con gái ông thì Trường đáp: "Trước tiên cô ấy là người khỏe mạnh, có thể giúp đỡ con. Nhưng cái quan trọng hơn cả, con biết cô ấy là người đức hạnh". Nghe vậy, bố vợ anh đã đồng ý cho hai người lấy nhau. Từ khi được chấp thuận cho tới khi đám cưới được tổ chức vỏn vẹn chỉ có 5 ngày chuẩn bị.

Giấy khen của các cấp chính quyền tặng bởi những nỗ lực phi thường của thầy giáo Phùng Văn Trường.

Trong trạng thái lâng lâng nhưng Trường vẫn đủ tỉnh táo để nói với vợ rằng: "Nếu lấy anh em sẽ phải chấp nhận 3 điều kiện: Người ta lấy nhau vì yêu nhau, anh biết em lấy anh vì thương anh nhưng thương anh em vẫn phải trọng anh. Thứ 2, sống với người khuyết tật em phải xác định họ có thể sống nay chết mai. Thứ 3, chúng ta lấy nhau nhưng chưa chắc gì đã sinh được con… Nếu em đồng ý thì hãy lấy anh làm chồng".

Ngày cưới, Trường nhất định không chịu đến nhà gái đón dâu. Anh bảo, người ta có thể nghe và biết anh khuyết tật nhưng không muốn gia đình, họ hàng nhà gái tận mắt nhìn thấy anh. Anh sợ người ta xì xào, dị nghị sẽ khiến vợ anh buồn. Nhưng chị của anh đã nói với anh rằng, em không đến đón dâu mới làm cô ấy buồn gấp nhiều lần. Cuối cùng Trường đồng ý ngồi lên xe hoa nhưng lại đưa ra điều kiện sẽ chỉ ngồi trên xe thôi chứ không vào nhà cô dâu.

Đến đó, kịch bản lại thay đổi, mọi người nói anh còn phải cùng cô dâu làm lễ gia tiên nên không thể không vào. Hôm đó Trường không mang theo xe lăn. Chú rể bất đắc dĩ được người em trai bế vào nhà gái. "Cảm giác đó tôi không bao giờ quên. Mỗi lần nghĩ đến tôi vẫn thấy sởn da gà. Tôi không dám nhìn ngang liếc dọc xem đám cưới có những ai, mắt nhìn thẳng về phía trước vì tôi sợ phải chứng kiến những ánh nhìn soi mói mình".

Anh không nhìn ai nhưng anh vẫn nghe ngóng, xem người ta bàn ra tán vào ra sao. Trong lúc hoang mang ấy anh bỗng thấy ấm lòng khi được nghe mọi người nói về anh: Thương quá! Mặt mũi sáng sủa vậy mà thiệt thòi; rồi họ yêu nhau như thế chắc chắn sau này sẽ có tương lai tốt; rồi quan trọng là yêu nhau chứ lành lặn lấy nhau có khi đánh chửi nhau suốt ngày…

Cưới vợ được ít lâu, anh Trường đón nhận tin vui, vợ mang bầu. Với anh nó là một giấc mơ, một giấc mơ có thật! Có mơ anh cũng chẳng thể tin được mình sẽ có con, lại là con trai đầu lòng… Anh bảo: "Tôi nghĩ mình sẽ chẳng thể có con. Có con là niềm mơ ước không chỉ của tôi mà của cả gia đình nội, ngoại. Vậy là tôi lại có thêm chỗ dựa tinh thần, vậy là con tôi sẽ làm được điều mình chưa thể làm được đó là báo hiếu bố mẹ tôi".

Chia tay anh Trường mà chúng tôi chẳng thể quên ánh mắt hạnh phúc dâng trào mỗi lần anh nựng cháu Trường Quảng. Ông giáo làng đầy nghị lực ấy đang thắp lên niềm hy vọng cho tương lai của chính mình. Những nỗ lực ấy không chỉ giúp bản thân mình vươn lên, sống đẹp hơn mà nó còn là tấm gương cho thế hệ sau nơi thôn quê ấy noi theo.

Song Anh
.
.
.