Người thầy đặc biệt và thư viện chào thế giới

Thứ Năm, 05/03/2020, 13:27
Mặc dù mới chỉ học lớp 8 và chưa một lần đứng trên bục giảng, nhưng anh Phùng Văn Trường, SN 1979, vẫn được người dân thôn Nhân Lý tôn trọng gọi là thầy. Anh không chỉ là người thầy đặc biệt truyền cảm hứng, mang ánh sáng tri thức đến với các em nhỏ trong thôn mà còn là người thầy về nghị lực sống.


Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em ở xã Nam Phương Tiến, “rốn lụt” của huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Phùng Văn Trường sớm phải nghỉ học vì hai tay co cứng không thể cầm được cây bút và đôi chân cũng không thể cất bước dù đã có nạng gỗ.

Thầy Nguyễn Tiến Luận - Hiệu trường trường Đại học Nguyễn Trãi tới thăm anh Trường

Phùng Văn Trường kể khi được sinh ra anh rất bụ bẫm, to và phát triển bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng đến năm 6 tuổi, thấy anh cũng không biết đi gia đình mới lo sợ đưa anh đến bệnh viện khám. Các bác sĩ kết luận anh bị bệnh thoái hóa cơ và phải mổ 2 chân. 

Mổ xong về nhà anh chống nạng tập tễnh đi lại được quanh nhà, nhưng 2 tay thì cứ duỗi ra không cầm nắm được gì. Dù chân tay yếu không tự đi lại được, đến tuổi đi học, Trường vẫn đến lớp với sự giúp đỡ của bố. Bố làm đôi chân cho anh... 

Nhưng anh Trường cũng chỉ ráng học được đến lớp 8 thì phải nghỉ ở nhà vì lúc này cơ thể anh rất yếu, tay co quắp lại không viết được nữa, mặc dù anh học rất giỏi. Mọi giấc mơ của cậu thiếu niên đang rực sáng bỗng lịm tắt nhanh chóng khiến nhiều người không khỏi thương xót.

Anh chia sẻ: “Bố tôi cầm tay tôi để lấy lực tì bút, đưa từng nét, từng nét nhưng bút lại rơi xuống, và từ đó, tôi phải nghỉ học và bắt đầu làm quen với xe lăn”.

Anh Trường là con cả trong gia đình có 5 anh chị em, mới 2 tuổi anh đã bắt đầu có dấu hiệu của bệnh teo cơ. Từ đó mọi sinh hoạt, đi lại đều được bố mẹ và người thân giúp đỡ.

Không thể đến trường, suốt ngày chỉ loanh quanh ở nhà khiến Trường thấy nản. Đầu năm 2010, Trường nói với bố làm cho gian nhà tạm ở ngoài đầu xóm để ra đó bán hàng lặt vặt, một phần tự nuôi sống bản thân, phần có người qua lại cho đỡ buồn. Có quầy hàng, được tiếp xúc với mọi người đến mua đồng quà tấm bánh khiến tinh thần anh khá hơn. Nhưng anh cũng nhận ra việc không thể viết chữ cũng là trở ngại lớn trong kinh doanh vì anh không thể ghi chép lại các mặt hàng…

Thế là anh quyết tâm học viết chữ lại. Không thể viết bằng tay, anh Trường học viết chữ bằng miệng. "Lúc đầu tôi dùng cây bút chì rồi ngậm vào miệng, dùng răng cắn chặt bút và tập viết từng nét một, thậm chí chảy cả máu miệng vì phải cắn chặt bút. Thế nhưng cứ được vài chữ là tôi phải dừng lại nghỉ vì rất mỏi, mắt thì hoa lên vì phải nhìn sát vào trang giấy”, anh Trường cho biết. 

Sau hơn 3 tháng luyện tập không biết mệt mỏi, cuối cùng răng anh đã giữ được bút, còn cổ thì nhịp nhàng đưa bút, không những nhanh mà chữ còn rất đẹp và bay bổng.

Cũng thời gian này, đứa cháu học lớp 1 ngày nào cũng ra cửa hàng của anh chơi, vì rảnh nên anh dạy cháu tập đọc, làm những phép tính đơn giản và dạy cháu viết, dần dần cháu học hành tiến bộ. Hàng xóm thấy thế cũng mang con sang nhờ anh kèm. Lúc đầu chỉ một vài cháu, nhưng dần dần, nhà của anh đã biến thành lớp học miễn phí với hơn 20 em. 

Anh chủ yếu rèn chữ viết và kèm các em học từ lớp 1 đến lớp 5. Em nào đến với lớp học của thầy Trường cũng tiến bộ, ngoan ngoãn và chăm chỉ hẳn lên. Anh vui lắm, nhưng cũng vô cùng khiêm tốn.

Anh bảo: “Đừng gọi tôi là thầy, lớp học của tôi mở ra chỉ là để dạy hay đúng hơn là trông coi bọn trẻ trong xóm để chúng bớt ham chơi, bớt dãi nắng những buổi trưa hè thôi”.

Năm 2014, anh Trường được mời tham gia chương trình “Điều ước thứ 7”. Tại đây, anh đã nói về mơ ước được mở một tủ sách cho các cháu trong vùng có sách để đọc, mở mang kiến thức. Ước mơ này của anh nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Có tủ sách, ngôi nhà của anh trở thành “ngôi nhà tạp hóa” vừa ở, vừa dạy học, vừa là thư viện cho các cháu trong vùng đến đọc và mượn sách mang về hoàn toàn miễn phí. 

Đến đầu năm 2018, với sự giúp sức của anh Nguyễn Huy Tuấn, thư viện nhỏ của Trường mở rộng hơn và có tên là “Chào thế giới” (Hello World) với hàng ngàn đầu sách.

Không chỉ chăm lo đời sống tinh thần cho các em nhỏ, anh Trường còn chăm lo cả đời sống vật chất cho các em cũng như những gia đình khó khăn trong xã. 

Từ năm 2017, anh Trường bắt đầu vận động gia đình, bạn bè gần xa để tổ chức chương trình “Tết ấm yêu thương”, tổ chức cho các cháu thi gói bánh, sau đó dùng bánh này và quà, cùng các cháu tặng cho các gia đình khó khăn, neo đơn trong vùng để các cháu biết trong xã hội vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, từ đó khơi dậy tình yêu thương mọi người trong các cháu. Chương trình được bắt đầu từ 25 Tết, cho đến khi phát hết quà.

Một em nhỏ cùng tủ sách của thầy giáo Phùng Văn Trường.

Anh Trường tâm niệm: “Còn một hơi thở tôi cũng cố gắng để là người có ích cho xã hội, làm được một công việc để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Việc kèm các cháu học cũng mang lại cho tôi biết bao niềm vui trong cuộc sống. Chúng ta không nên để phí những gì có thể cống hiến cho đời, bởi cho đi là còn mãi mãi…”.

Thương Huyền
.
.
.