Người đàn ông Pa Kô 30 năm cưu mang những đứa trẻ bất hạnh trên đỉnh Trường Sơn
Gần 80 tuổi đời, nếu tính cả những đứa con do chính mình sinh ra, đến nay người đàn ông ấy đã có hơn 20 đứa con, trong đó phần lớn là không máu mủ ruột rà. 30 năm qua, ông đã cần mẫn nhặt những đứa trẻ bị bỏ rơi, lang thang bất hạnh về nhà nuôi dạy, dưỡng dục nên người, trong đó có những đứa trẻ từ bên kia biên giới Lào. Ông là Hồ Mơ, người dân tộc Pa Kô, ở bản PrinC, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Ngôi nhà sàn của ông Hồ Mơ, nơi mà người dân trong bản vẫn thường nói vui là “ngôi nhà hạnh phúc nhất dãy Trường Sơn”, nằm sâu trong bản PrinC, đã được cơi nới nhiều lần nên nhìn vào rất bề thế, khang trang và sạch sẽ. Chủ nhân của nó, ông Hồ Mơ cho biết cứ phải làm rộng ra để con cái có chỗ ăn, chỗ ngủ và học hành được thoải mái. Mỗi đứa một góc, không tranh giành và lẫn lộn với nhau. Chuyện về người đàn ông hơn 30 năm qua âm thầm đưa những đứa trẻ bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ về nhà mình nuôi dạy nên người là hành trình dài của tấm lòng nhân ái, xuất phát từ trái tim thiện nguyện của một người con Pa Kô anh hùng.
Trái tim người cha xuyên biên giới
Ông Hồ Mơ, sinh ra ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong một gia đình dân tộc Pa Kô nghèo đông anh chị em. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 18 tuổi Hồ Mơ đã tình nguyện tham gia đánh giặc, bảo vệ quê hương theo tiếng gọi của Bác Hồ.
Cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời của chàng trai trẻ Pa Kô bước sang một trang mới, không chỉ là anh lính tự hào được mang họ Bác Hồ, mà anh còn trở thành người mẹ bất đắc dĩ khi nhận rất nhiều đứa trẻ về nuôi nấng. Kể về cơ duyên lần đầu tiên “làm mẹ”, Hồ Mơ nhớ lại, năm đó khi mới 20 tuổi, lúc đang chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên, trên đường hành quân qua một ngôi làng vừa bị giặc càn, anh đang bàng hoàng, xót xa trước thảm cảnh hoang tàn của làng quê thì bất chợt phát hiện một cậu bé tầm 5 tuổi, đang mếu máo khóc trong bụi cây.
Không đành lòng bước đi, chàng trai trẻ Hồ Mơ dừng lại, hỏi han sự tình thì được biết cậu tên là Hồ Văn Thố, cha mẹ và người thân đều mất cả sau trận càn. Thương đứa trẻ bơ vơ, Hồ Mơ dừng bước hành quân, đưa đứa trẻ quay về nhà mình, nhờ mẹ chăm sóc rồi lại tiếp tục vào chiến trường.
Bắt đầu từ đó, cơ duyên với trẻ cơ nhỡ, lang thang luôn đến với anh lính trẻ Hồ Mơ, dù trên chặng đường chiến đấu hay trong đời thường, đi đâu, làm gì hễ gặp trẻ bị bỏ rơi anh lại động lòng trắc ẩn, đưa về ngôi nhà nhỏ của mình để chăm sóc, yêu thương như con đẻ của chính mình vậy. Hơn thế nữa, khi nghe tin ở đâu có trẻ lang thang, bất hạnh là anh lại tìm đến, xin được đưa về để cho mấy đứa “có chị có em với nhau”.
7 năm trong quân ngũ, Hồ Mơ đã đưa về tổng cộng 10 đứa trẻ trên những chặng hành quân. Khi hòa bình lập lại, ông lại tiếp tục cưu mang thêm những đứa nhỏ khác, cộng với con đẻ của mình, vợ chồng cựu chiến binh này trở thành cặp vợ chồng đông con nhất của người Pa Kô ở Trường Sơn.
Kể lại những năm tháng nhọc nhằn “làm mẹ”, nhất là thời điểm chưa lập gia đình, ông Hồ Mơ cho biết, nhọc nhằn và vất vả vô ngần nhưng tình yêu thương đã vượt lên tất cả. “Gia đình vốn nghèo, đói ăn thiếu mặc trong điều kiện chiến tranh liên miên, song thấy những đứa trẻ đói rét, bơ vơ mình cầm lòng không đặng, không nỡ làm ngơ. Ai trong hoàn cảnh như tui cũng sẽ làm rứa”, lời ông Hồ Mơ.
Chiến tranh kết thúc, Hồ Mơ trở về quê nhà, cưới vợ khi đã có cả chục đứa con. Hai vợ chồng sinh thêm những đứa con khác, khiến cuộc sống của ông vô cùng khó khăn, mức trợ cấp chế độ thương binh 1/4 không đủ sống, buộc ông phải xoay đủ nghề để kiếm tiền nuôi đàn con đang tuổi ăn tuổi học. Một trong những nghề mưu sinh thời bấy giờ, là đưa các sản phẩm của quê hương sang Lào bán, và trong những chuyến vượt rừng ấy, ông Hồ Mơ lại có thêm những đứa con.
Chuyện bắt đầu từ 13 năm trước, khi ấy bản Tả Hun (Lào) xảy ra trận dịch bệnh lan rộng, dân làng người chết, người bỏ bản mà đi gần hết. Khi gùi hàng sang đến nơi, Hồ Mơ tìm quanh bản nhưng không thấy người, lúc định bỏ về thì phát hiện hai đứa trẻ vừa mới sinh, mình lở loét, đỏ hỏn, khát sữa đang khóc ngặt nghẽo, được bỏ trong cái thúng đầu suối, không biết người mẹ đã chết hay cố tình bỏ con lại mà đi. Nhìn cảnh ấy, ông đau lòng lắm, vội vứt cả gùi hàng, mang hai đứa trẻ vượt rừng về nhà mình để tìm cách cứu chữa. Với chút kinh nghiệm có được trong thời kỳ chiến tranh, ông vào rừng tìm lá thuốc về đắp, chữa lành bệnh cho cả hai đứa trẻ.
Ông Hồ Mơ và những đứa con của mình. |
Bây giờ, hai đứa trẻ là Hồ Thị Tun, 13 tuổi và Hồ Văn Tiêm, 9 tuổi. Cả hai em đều đang được học hành đầy đủ, thi thoảng ông Hồ Mơ lại đưa hai con về lại quê hương bản xứ để thắp hương cho tổ tiên, ông bà. Chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Mơ cho biết, ông thương hai đứa vô ngần, Việt Lào ngàn đời nay là anh em cùng tắm chung dòng nước đầu nguồn, nên tình cảm luôn keo sơn gắn bó thắm thiết.
Do vậy, mỗi năm ông đều dành một ngày đưa các con về lại đất nước của mình để gắn kết tình cảm giữa hai dân tộc. Trong số 12 đứa trẻ được ông Hồ Mơ đưa về chăm sóc và nuôi nấng, dạy dỗ từ mấy chục năm qua, đứa nhỏ nhất là em Hồ Văn Tiêm, khi mới khoảng 1 tuần tuổi và đứa lớn nhất là Hồ A Xát, 8 tuổi. Trong số đó, đã có 8 người khôn lớn, lập gia đình và đã sinh cho ông những đứa cháu kháu khỉnh, khỏe mạnh.
Cách đây hơn mười năm, chính Hồ Mơ cũng đã cứu sống một sinh mạng ở bản Póc, xã A Xing, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Nhiều người dân cho biết ngày đó ở bản này có hai vợ chồng bị chết bệnh. Theo tục cũ của người Pa Kô, đứa trẻ sơ sinh phải được chôn cùng cha mẹ. Nghe tin, Hồ Mơ tất tả chạy đến xin luôn đứa bé về làm con nuôi.
Cây đại thụ của người Pa Kô
Không chỉ được biết đến là người có tấm lòng nhân ái bao la, ông Hồ Mơ còn được người Pa Kô ở Hướng Hóa coi như cây đại thụ của buôn làng, khi ông luôn giành nhiều tình cảm, việc làm giúp đỡ bà con trong buôn. Ông Hồ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết, từ nhiều năm qua ông Hồ Mơ là người đã tiên phong đi đầu trong việc giúp dân chống lại giặc đói, giặc dốt. Già đã chỉ dẫn cho bà con cách trồng sắn, trồng khoai, làm lúa nước và trồng cả cây cao su để thoát khỏi cảnh đói nghèo liên miên.
Cách đây gần 10 năm, Hồ Mơ và các con đã tự huy động đào con đường dẫn vào rừng trồng sắn, sau đó bằng số tiền có được, ông đã thuê máy ủi về làm con đường dẫn vào rừng trồng cao su của cả thôn. Hiện kinh tế gia đình người thương binh Hồ Mơ đã ổn định với 5ha cây cao su 5 năm tuổi, 8ha sắn cao sản, cùng với đó là nhiều diện tích cây bời lời, cà phê, hồ tiêu và hơn 50 con trâu và bò.
Ngoài ra, ông nhận chăm sóc, bảo vệ hơn 20 ha rừng keo tràm của lâm trường. Mỗi người con nuôi lớn lên lập gia đình, đều được ông làm nhà cửa đàng hoàng, cho một ít tiền để làm vốn ban đầu. Ngôi nhà ông lại đầy ắp tiếng cười, con cháu tụ họp mỗi khi ngày lễ ngày tết đến. Năm nay, đã bước sang tuổi 76, ông Hồ Mơ vẫn ngày ngày cùng với chiếc nạng gỗ, đi kiểm tra rừng và phát triển kinh tế trang trại do các con quản lý.
Ông bảo, kinh tế giờ không còn phải lăn tăn như thời chiến tranh, nên càng có điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng. Do vậy, ông luôn khuyến khích con cháu, hễ thấy đâu đó có trẻ em lang thang, bất hạnh, bị bỏ rơi hoặc gia đình họ quá nghèo, không đủ điều kiện nuôi dưỡng cứ mạnh dạn đưa về, ông sẽ chăm lo ăn học tử tế.
Rời bản PrinC, chia tay với cây đại thụ của người Pa Kô, nơi có ngôi nhà hạnh phúc với gần 50 con, cháu của ông Hồ Mơ, chúng tôi cứ thấy vấn vương trên từng bước chân khi trở về thành phố. Những ánh mắt thơ ngây trong veo, những nụ cười rạng ngời hạnh phúc miền sơn cước và cả những ngôi nhà hạnh phúc được tạo dựng từ chính ngôi nhà của “người mẹ” vĩ đại, người thương binh tàn nhưng không phế, có tấm lòng nhân ái bao la biển trời: ông Hồ Mơ, đứa con ưu tú của bản làng Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ