Người cựu chiến binh hơn 20 năm giúp người nghiện hoàn lương

Thứ Tư, 09/12/2015, 17:00
Ở phường Kim Mã, người dân quen gọi ông với cái tên thân thương là ông Vân "ma tuý". Đã gần 70 tuổi, cứ trở trời hai mảnh đạn trong đầu lại thường xuyên hành hạ, trong mình còn mang chất độc da cam nhưng chẳng mấy khi người ta thấy ông ngồi yên một chỗ. Lúc thì ông đến từng nhà, gặp từng đối tượng nghiện ma túy để vận động họ cai nghiện. Lúc lại thấy ông đến CLB B93 sinh hoạt cùng hàng chục đối tượng nghiện nặng được ông giúp đỡ hoàn lương trở về với đời thường. Ông bảo, đó là công việc cũng là tâm huyết của ông suốt hơn 20 năm qua.

Những năm 90 của thế kỷ trước, địa bàn phường Kim Mã được coi là điểm nóng về tệ nạn ma tuý. Người dân luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ các đối tượng nghiện trộm cắp, cướp giật manh động, liều lĩnh. Không đành lòng nhìn thấy cảnh ấy, ông đã nảy ra ý tưởng thành lập tổ công tác đẩy lùi tình trạng mua bán ma túy công khai và được Công an phường ủng hộ hết mình. Không những thế, để giúp người nghiện hoàn lương, tái hoà nhập với cộng đồng, ông còn tích cực thành lập các nhóm "Đoàn kết", "Bạn giúp bạn" để giúp người nghiện cai thuốc và tìm được công ăn việc làm ổn định, rời xa sự cám dỗ của ma tuý. Đó chính là cựu chiến binh Nguyễn Viết Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) B93 của phường Kim Mã.

Hơn 20 năm đương đầu với ma túy

Ở phường Kim Mã, người dân quen gọi ông với cái tên thân thương là ông Vân "ma tuý". Đã gần 70 tuổi, cứ trở trời hai mảnh đạn trong đầu lại thường xuyên hành hạ, trong mình còn mang chất độc da cam nhưng chẳng mấy khi người ta thấy ông ngồi yên một chỗ. Lúc thì ông đến từng nhà, gặp từng đối tượng nghiện ma túy để vận động họ cai nghiện. Lúc lại thấy ông đến CLB B93 sinh hoạt cùng hàng chục đối tượng nghiện nặng được ông giúp đỡ hoàn lương trở về với đời thường. Ông bảo, đó là công việc cũng là tâm huyết của ông suốt hơn 20 năm qua.

Ông Nguyễn Viết Vân và một trong số những tấm bằng khen được trao.

Năm 1991, rời quân ngũ trở về quê hương nhưng bản tính người lính ham làm, ham công việc không cho phép ông nghỉ ngơi. Ông tiếp tục tham gia vào tổ dân phố, rồi tham gia vào Hội Cựu chiến binh phường và trở thành Hội trưởng từ đó đến nay. Thời điểm những năm 90, phường Kim Mã có nhiều tụ điểm nhức nhối về nạn nghiện hút, tiêm chích ma túy như khu vực bến xe Kim Mã, khu nhà vệ sinh số 47, ngõ 17 phố Tây Sơn...

Nhìn cuộc sống của người dân luôn bị đe dọa, ông băn khoăn, trăn trở nhiều lắm: "Khi đó, ở một số khu vực, kim tiêm được vứt lăn lóc nhìn xa còn tưởng là giấy vụn. Nhiều kẻ nghiện ngập còn chích hút trên xe xong vứt kim tiêm xuống đường, ai thấy cũng phải lắc đầu. Lúc đó tôi nghĩ, trong chiến tranh, mình và đồng đội đã từng vào sinh ra tử chiến đấu để bảo vệ hoà bình, độc lập, vậy mà trong thời bình chẳng nhẽ lại khoanh tay đứng nhìn nhiều người lầm lỡ như vậy", ông Vân nói. Nghĩ là làm, ông đến cơ quan Công an trình bày về ý định thành lập tổ công tác đẩy lùi tình trạng mua bán ma túy công khai. Được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền, ông lập tức triển khai chốt bảo vệ ở nhiều điểm nóng, phát hiện và ngăn chặn tất các hành vi buôn bán và sử dụng ma túy.

Dùng tính mạng đánh cược

Sự mưu trí, dũng cảm của một người lính đặc công khiến ông không hề chùn bước khi đối mặt với các đối tượng buôn bán ma tuý đầy manh động. Nhờ có chốt bảo vệ mà tình trạng buôn bán ma tuý giảm hẳn trên địa bàn, nhưng cũng vì thế mà có nhiều kẻ thù hằn với ông khi địa bàn làm ăn của chúng bị phá vỡ. Năm 2004, khi đang đi kiểm tra ở chợ Thanh Cao thì bất ngờ ông thấy bà con ở chợ la lớn: "Bác Vân ơi, chúng nó cầm dao đấy". Quay lại, ông thấy hai kẻ đằng đằng sát khí xách dao chọc tiết lợn định lao vào, nhưng chẳng kịp để chúng trở tay, ông liền cởi phăng áo ra cuốn lại để bắt dao.

Thấy người ông chằng chịt đầy vết sẹo, thân thể nhanh nhẹn, hai kẻ côn đồ run sợ ném dao bỏ chạy. Người dân trong chợ thấy thế liền ném đồ vật ra đường cản chân chúng rồi tri hô mọi người cùng ông bắt gọn và giải về Công an phường. Tại đây, thay vì đề nghị cho hai kẻ này vào tù, ông Vân nhẹ nhàng cảm hóa và sau đó còn cho mỗi người 10 ngàn đồng để bắt xe về quê ở Quốc Oai. Hai kẻ này sau khi nghe được những lời chân tình đó như được thức tỉnh và hứa sẽ làm lại từ đầu, không bước chân vào con đường tội lỗi.

Ngoài vụ việc nói trên, nhiều thanh niên trước khi đi trại giáo dưỡng hay trại cai nghiện đều chỉ tay thẳng mặt ông mà nói: "Người đầu tiên sau khi trở về tao giết là mày". Thậm chí có lần ông còn bị đánh lén ngay trong đêm tối. Việc bị viết thư, gọi điện hay chỉ thẳng mặt đe dọa "sẽ giết chết" đối với ông là chuyện cơm bữa. Nhiều lần vận động đối tượng nghiện đi cai, ông còn bị nói kháy là "chỉ điểm" cho Công an, là kẻ thích nhúng mũi vào chuyện người khác và không ít lần họ bóng gió rằng sẽ có ngày "xử" ông. Gia đình ông cũng nhiều phen bị trả thù, bị đe dọa, xúc phạm. Thế nhưng mọi sự đe dọa đều không ngăn cản được việc làm của ông.

Khi tệ nạn buôn bán ma tuý được đẩy lùi ông Vân lại trăn trở khi thấy trên địa bàn tình trạng người nghiện vẫn còn phổ biến. Bị bắt rồi lại được thả, cai nghiện rồi lại tái nghiện, tái nghiện rồi lại phạm tội. Cái vòng lẩn quẩn khiến cuộc sống của họ bế tắc, còn cuộc sống của người dân xung quanh vẫn đầy bất ổn và hiểm nguy rình rập. Để giúp người nghiện hoàn lương không chỉ cần tình cảm, sự chân thành để thuyết phục mà quan trọng hơn là phải tạo được công ăn việc làm cho họ để sau khi cai nghiện trở về, họ có công việc để lao động, có tiền tiêu, không còn thời gian để chơi bời, bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Chính vì thế, ông đã thành lập ra các nhóm "Đoàn kết", "Bạn giúp bạn" để vận động, giúp đỡ những đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện.

Nơi từng là bến xe Kim Mã, điểm nóng về tệ nạn ma túy.

Năm 2001, CLB B93 phường Kim Mã được thành lập để giúp những người sau cai tái hòa nhập cộng đồng, ông được bầu làm chủ nhiệm. Nhớ lại thời kỳ đầu mới thành lập, CLB B93 còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, địa điểm, cơ sở vật chất để hoạt động. Dù cuộc sống gia đình cũng không dư giả gì nhưng vợ chồng ông đã bán chiếc xe máy duy nhất để mua máy ép nước mía giúp 3 - 4 thành viên mở cửa hàng bán nước mía giải khát, nhưng yêu cầu sau đó phải trả lại vốn để làm động lực cho họ phấn đấu. Đến nay, chiếc máy ép nước mía đã qua 3 thế hệ với khoảng 10 thành viên sử dụng để kiếm tiền chân chính. Và khi họ mang tiền đến trả là ông biết họ đã hoàn toàn cai được nghiện, hoàn lương trở về với cuộc sống đời thường.

Ông tâm sự, để giúp người nghiện hoàn lương, quan trọng nhất là phải coi họ như con cháu, người thân trong nhà, nhẹ nhàng khuyên bảo, dùng tình cảm, sự chân thành để thuyết phục, không bao giờ được miệt thị, phân biệt. Hơn 20 năm qua, ông Vân đã nhiều lần chạy đôn chạy đáo, kết nối, gặp gỡ tìm công việc giúp cho hàng chục người hoàn lương. Trong đó có nhiều người làm ăn phát đạt, vươn lên trở thành tấm gương cho nhiều hội viên khác noi theo.

Như trường hợp của anh Nguyễn Hùng Long là một trong số những người hoàn lương ở CLB B93. Long từng là đối tượng nghiện ma túy, tên được lưu trong danh sách đen của Công an nhiều năm. Nguồn lợi từ buôn ma túy khiến Long trở thành tay chơi, sa đà vào đủ các tệ nạn khác. Tuy nhiên, sức khỏe ngày mỗi yếu, Long mất tất cả sau một số lần bị trả thù, bị truy quét. Sau nhiều lần từ chối gặp ông Vân thì Long cũng bị ông Vân thuyết phục. Long đi cai nghiện, vật vã vì đói thuốc nhiều lần thì cũng cắt được cơn. Khi tái hòa nhập cộng đồng, thời gian đầu Long được tạo điều kiện bán nước mía, rồi kinh doanh dụng cụ câu cá. Công việc ngày càng tiến triển, giờ công việc của Lang tiến triển tốt, lại có được sức khỏe và sự quý trọng từ mọi người.

Một trường hợp khác đó là anh Phan Minh Tâm, một thành viên viên trong câu lạc bộ cũng từng một thời nghiện nặng. Sau khi cai nghiện trở về, anh luôn cảm thấy mặc cảm với xã hội, nhưng khi được chứng kiến những người giống như mình đã thoát khỏi ma túy, có việc làm ổn định khi tham gia CLB B93 của ông Vân nên anh quyết định xin tham gia. Anh được chính ông Vân đón tiếp niềm nở và giúp đỡ tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Điều hạnh phúc nhất với ông Vân là còn mai mối được 9 cặp đôi nên duyên vợ chồng từ chính CLB sau cai của mình. Trường hợp anh Lê Văn Thanh là một ví dụ. Ở phường Kim Mã, anh Thanh nổi tiếng là đối tượng giang hồ cộm cán. Nhiều lần vào tù ra tội, anh vẫn không từ bỏ được bản chất anh chị của mình, nhưng khi gặp ông Vân, được ông phân tích, khuyên nhủ, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Một lần tình cờ anh gặp được một cô gái đẹp người Tuyên Quang, hai người nhanh chóng đem lòng cảm mến. Nhưng quá khứ bất hảo của anh Thanh khiến gia đình người yêu e ngại. Hai ông bà cương quyết phản đối tình yêu của con gái và yêu cầu cô con gái phải từ bỏ người yêu nếu muốn ở lại với gia đình.

Buồn bã, chán nản, anh Thanh tâm sự với ông Vân và thật bất ngờ ông Vân không những động viên mà còn hứa với anh sẽ lên tận nhà gái để thuyết phục. Nhờ sự chân thành của ông mà nhà gái đồng ý cho đôi trẻ đến với nhau. Một đám cưới hạnh phúc diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên gia đình và bè bạn. Nhiều năm nay, gia đình anh sống vui vẻ, đầm ấm, anh Thanh không tái nghiện, có công ăn việc làm ổn định.

Dù tuổi cao, sức yếu, gia đình nhiều lần khuyên nghỉ ngơi nhưng ông Vân vẫn không muốn từ bỏ. Bởi với ông đó cũng là cách mà những người lính như ông được tiếp tục cống hiến hết mình cho đất nước, cho xã hội sau khi trở về từ hai cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Kim Mã, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Ông Vân là một người rất có tâm, hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của phường. Mặc dù bị nhiễm chất độc hóa học, sức khỏe bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng ông luôn nhiệt tình hết sức trong hoạt động chống ma túy và cải tạo người nghiện về với xã hội. Những gì ông làm đã đóng góp rất lớn cho trật tự trị an của phường Kim Mã, giữ vững và phát huy tốt phẩm chất của một người lính Cụ Hồ".
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Kim Mã.
Ngọc Trâm - Lê Phong
.
.
.