Nghị lực phi thường của nữ thi sĩ khuyết tật

Thứ Tư, 28/03/2018, 15:47
Bị liệt tới 90% cơ thể nhưng Nguyễn Phương Thúy, 33 tuổi (TP Việt Trì - Phú Thọ) đã không chịu đầu hàng số phận. Bằng tình yêu cuộc sống cháy bỏng, người phụ nữ ấy đã dệt nên những tác phẩm văn chương lấp lánh niềm tin yêu.


Bút danh Viên Nguyệt Ái của chị cũng dần dần trở thành cái tên quen thuộc với nhiều độc giả trẻ hiện nay.

Lúc mới sinh, cơ thể Thúy lành lặn bình thường như bao trẻ em khác, nhưng đến năm 12 tuổi, đôi chân của cô bé bắt đầu sưng lên và rất đau. Bố mẹ đã đưa Thúy tới bệnh viện khám. 

Tại đây các bác sĩ chẩn đoán Thúy bị khớp. "Người ta vẫn bảo khớp đớp tới tim nhưng đằng này tim của mình vẫn ổn. Một thời gian sau đó thì đôi chân của mình cứ teo dần và yếu đi. Khoảng nửa năm sau khi phát bệnh, mình đã không còn có thể cử động đôi chân được nữa" - chị Thúy nhớ lại.

Đang là một đứa trẻ năng động lại có học lực giỏi giờ cô bé Thúy phải nghỉ học ở nhà vì sức khỏe không cho phép. Những ngày đầu phải nằm một chỗ, sáng sáng nhìn các bạn tung tăng cắp sách tới trường, cô bé bất hạnh ấy chỉ biết khóc và đòi bố mẹ cho đi học trở lại. 

Xót con, bố mẹ Thúy cũng đành chiều con. Thế nhưng Thúy đến lớp được vài buổi thì chính các thầy cô giáo đã khuyên bố mẹ nên để em ở nhà vì sức khỏe em quá yếu. "Đến lúc đó thì mình nghĩ chuyện học hành của mình chấm dứt thật rồi. 

Để nói về cảm giác của mình lúc đó thì chỉ có thể gói gọn vào hai từ "khát khao" mà thôi. Khát khao sức khỏe được trở lại bình thường, khát khao được như các bạn cắp sách tới trường mỗi buổi sáng. Nhưng rồi mình cũng phải chấp nhận sự thật rằng đời mình sẽ chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường mà thôi" - chị Thúy bùi ngùi nhớ lại thời gian đầu khi bị bệnh.

Tác giả Nguyễn Phương Thúy (bút danh Viên Nguyệt Ái) trong buổi ra mắt tác phẩm “Bí mật đêm giáng sinh”.

Càng lâu ngày, các khớp lớn nhỏ trên người chị càng co cứng lại, các cơ teo tóp đi, mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Chị hài hước bảo cơ thể mình đã biến thành cái khung bất di bất dịch. 

Dù chẳng thể đến trường nhưng cô gái tật nguyền ấy vẫn nhất quyết không chịu đầu hàng số phận. Hằng ngày, cô bé ấy vẫn miệt mài luyện cầm bút trong đôi bàn tay cứng như đinh vít. 

Nhiều lúc Thúy đã phải bật khóc vì nét bút không theo ý của mình. Nhưng với sự quyết tâm không mệt mỏi, cuối cùng cô gái trẻ này cũng đã thành công. Khi đã cầm bút thành thạo, Thúy viết ra tất cả những điều mình nghĩ, mình cảm nhận về cuộc sống.

Việc viết lách đã không còn đơn thuần là sự rèn luyện hai ngón tay bị cứng khớp của Thúy nữa mà nó trở thành niềm yêu thích, say mê. Thúy đã nuôi trong mình ước mơ trở thành nhà văn tự bao giờ. Thúy tập trung  vào công việc sáng tác với bút danh là Viên Nguyệt Ái. 

Bước đầu, các sáng tác của Thúy đã được đăng trên một số tờ báo ở địa phương. Thế rồi, như có duyên với nghề chữ nghĩa, Thúy đã tham gia và đoạt được những giải thưởng ấn tượng trong các cuộc thi sáng tác văn chương.

Mới đầu cầm bút viết trong tư thế nằm ngửa, phải cố sức để hai bàn tay cứng khớp có thể vừa giữ cái bảng kê và tờ giấy vừa cầm bút để viết, Thúy không tránh khỏi vô số lần thất bại. Giấy bút, dụng cụ kê để viết rơi úp vào mặt đau điếng, tay không điều khiển được theo ý mình, Thúy lại khóc.

Năm 2008, thấy việc viết lách bằng tay của con quá vất vả nên bố mẹ đã cố gắng dành tiền mua cho chị một chiếc máy tính để bàn. Lần này, chị lại cặm cụi học đánh máy. Có vẻ, công việc này còn khó hơn nhiều so với việc sử dụng bút viết tay. 

Gọi là máy tính để bàn nhưng Thúy ngồi đâu có được, bàn phím luôn phải đặt trên bụng. Những ngón tay cứng đơ mổ từng nhát xuống bàn phím, vậy mà những tác phẩm văn, thơ của chị cứ lần lượt ra đời và thường xuyên được đăng tải trên các trang báo. Đó như một món quà ý nghĩa cho sự cố gắng vượt lên nỗi đau của Thúy. 

Đầu năm 2012, một niềm vui lớn đến với chị, khi tuyển tập truyện ngắn mang tên "Cho em một lần" được xuất bản thành sách và được nhiều bạn đọc đón nhận. 

Có bạn đọc viết: "Mình đang rất mong chờ cuốn sách tiếp theo của tác giả Viên Nguyệt Ái. Mỗi câu chuyện đều để lại cho mình cảm xúc và những suy nghĩ mới mẻ về tình yêu. Mình thấy trái tim như sống dậy những nhịp đập trìu mến khi nghĩ về người yêu của mình".

Giao lưu cùng sinh viên và độc giả trẻ.

Nhìn người phụ nữ mảnh mai, yếu đuối ấy, ít ai có thể tin rằng chị đã phải trải qua biết bao sóng gió trong đời. Nếu không có nghị lực phi thường rất có thể chị đã gục ngã từ lâu. 

Chị Thúy hài hước chia sẻ: "Mình vẫn thường tự trào về cuộc đời mình là "khổ quen rồi sướng không chịu được". Mà quả như thế thật, cứ vận hạn này chưa hết thì lại đến vận hạn khác. 

Có lần mình bị kẻ trộm mò vào nhà lấy đi chiếc máy tính để bàn, trong đó chứa hàng trăm bản thảo và nhiều tác phẩm khác. Lúc đó mình cảm giác như mất hết trọng lượng vậy, đau đớn vô cùng. Rồi không lâu sau đó lúc đang đi trên đường, xe lăn của mình bị rơi vào ổ gà khiến đôi chân đang thõng xuống bị quặt ra đằng sau. Kết quả là mình bị gẫy xương đùi".

Vết thương ảnh hưởng đến sức khỏe của chị quá nhiều. Nếu ngày trước, chị vẫn nằm ngửa để vẽ tranh, viết truyện và gõ bản thảo thì thời gian đó hầu như chị "định cư" trong bệnh viện. 

"Mình vẫn thường bị ám ảnh bởi cái cảm giác đau đến tê dại khi chiếc kim tiêm chọc vào cổ tìm lấy "ven" để tiêm và truyền nước. Vì cơ thể mình bị liệt đến 90 phần trăm nên khó tìm ra "ven" lắm. Mỗi lần phải truyền nước thì 9, 10 tiếng mới truyền xong một chai vì các bác sĩ sợ mình bị sốc" - chị Thúy nhớ lại.

Do cơ thể bị liệt và sức khỏe yếu nên chị Thúy hầu như rất ít khi ra khỏi nhà. Mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày của chị đều dựa cả vào bố mẹ. Mấy năm trước trong một lần đi khám bệnh, các bác sĩ phát hiện mẹ chị bị ung thư vú. 

Chị Thúy kể rằng: "Đó là cái tin khủng khiếp với mình. Nhiều đêm nằm không ngủ được mà nước mắt cứ rơi. Thương mẹ và lo cho sức khỏe của mẹ đã đành nhưng mình cũng nghĩ tới chuyện cuộc đời mình sẽ thế nào nếu không có mẹ ở bên. Từ chải tóc, tắm gội, thay quần áo… mình đều dựa cả vào mẹ". 

Thời gian sau khi phát hiện bệnh, mẹ chị đã phải xạ trị và sau đó thì tiến hành cắt bỏ khối u. Cứ tưởng như thế là gia đình đã "tai qua nạn khỏi" nhưng ngờ đâu chỉ một thời gian ngắn sau bố của chị sức khỏe cũng đột nhiên suy giảm hẳn. 

Khi được gia đình đưa tới bệnh viện khám thì tại đây các bác sĩ kết luận bố chị bị ung thư thận giai đoạn cuối. Và chỉ 5 tháng sau khi phát hiện bệnh, bố chị qua đời. Chị Thúy tâm sự rằng, đó là những ngày tháng đau đớn nhất trong cuộc đời chị. Mãi chị vẫn không sao quen được với sự thiếu hụt ấy.

Mẹ (ngoài cùng bên phải) là người đã đồng hành cùng Phương Thúy trong mọi khó khăn.

Có vẻ như cuộc đời càng nghiệt ngã với chị thì chị càng mạnh mẽ vươn lên. Chính vì thế mà những sáng tác văn chương của chị cứ mỗi ngày một dày lên. 

Độc giả biết đến chị qua những tác phẩm như: "Cho em một lần" (tuyển tập truyện ngắn, 2012, NXB Thời Đại); "Hôn thầm trong mơ" (tuyển tập thơ, 2013, NXB Hội Nhà văn); "Đi qua cơn mơ yêu" (tuyển tập thơ, 2015, NXB Hội Nhà văn); "Bí mật đêm giáng sinh" (Truyện dài, 2016 NXB Văn học); "Có một điều em giấu" (tuyển tập thơ, 2016 NXB Văn học)… 

Tháng 4 tới đây, chị sẽ trình làng một tác phẩm mới có tên "Tình trong cõi vô thường". Trong đó nhiều tác phẩm của chị đã đoạt được giải thưởng như: Giải ấn tượng nhất cuộc thi "Alatxan - Chiến thắng nỗi đau", giải nhất cuộc thi "Vượt lên số phận"… 

Cũng không ít lần Nguyễn Phương Thúy được bầu là tấm gương tiêu biểu của thanh niên vượt khó được vinh dự gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. 

Tinh thần "không tật nguyền" của chị vẫn hằng tâm niệm: "Ta sẽ vươn lên như loài xương rồng trên triền cát trắng. Ta tự hào vì ta được sống với niềm tin, và trí tuệ của một con người. Ta không từ bỏ hy vọng vào cuộc đời, dẫu ta sinh ra không mang số phận bình an, may mắn... Ta vẫn ngẩng cao đầu bước đi trên con đường chông gai nhức vào tận cùng thân thể...".

Khi được hỏi về chuyện tình cảm riêng tư, chị Thúy cười đáp rằng: "Mình từng trải qua một mối tình kéo dài gần 10 năm. Anh ấy làm trong ngành Công an, lại là con một nên mình nghĩ mình không thể ích kỷ chỉ vì tình yêu của bọn mình mà khiến bố mẹ anh ấy phải đau lòng. 

Thế nên khi anh ấy cầu hôn thì cũng là lúc mình quyết định 2 đứa sẽ phải dừng lại. Bởi với một người khuyết tật và yếu ớt như mình thì đâu có thể trở thành hậu phương vững chãi cho anh ấy được".

Luôn nghĩ cho người khác đấy là điều dễ nhận thấy ở người phụ nữ bé nhỏ vốn chịu nhiều thiệt thòi này. Chị Thúy bảo, ông trời không lấy của ai tất cả. Chị có thể không có được một đôi chân khỏe mạnh để đi như bao người bình thường khác nhưng chị lại được bay bổng trong trí tưởng tượng của mình. 

Và chị tự tin vào điều ấy: "Em không gót ngọc, chẳng trang đài/ Nào xinh đến nỗi rợp lòng ai/ Chỉ có tim em tràn mỹ lệ/ Son đẹp với đời chẳng phôi phai/ Đừng nhìn vào thân dáng của em/ Mong manh như nắng rọi qua rèm/ Ngồi trong lặng lẽ trông nhân thế/ Em vẫn mỉm cười ai cũng khen".

Phong Anh

.
.
.