Nghị lực phi thường của người nông dân khiếm thị mê tiếng Thái Lan

Thứ Bảy, 10/12/2016, 16:36
Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng anh Hoàng Quốc Việt (xã Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên) không chịu đầu hàng số phận. Anh đã tự mình học tiếng Thái Lan chỉ bằng một chiếc radio nhỏ. Với vốn tiếng Thái học qua đài, anh đã sang tận đất nước Chùa Vàng để học hỏi cách làm ăn. Nghị lực phi thường ấy cuối cùng đã được đền đáp…


1. Chúng tôi thực sự bất ngờ khi tiếp xúc với người nông dân khiếm thị chân chất này. Bởi lẽ đến phát âm tiếng Việt, âm "n" với âm "l" anh Việt nói còn chưa chuẩn. Vậy mà theo nhiều người đánh giá thì anh Việt nói tiếng Thái không sai dù là nửa chữ..

"Hồi mình sang Thái Lan, đi làm thuê không ai nhận ra mình là người Việt Nam đâu. Nếu biết, người ta đã trục xuất mình về nước rồi. Bởi vì visa của mình là visa du lịch nên chỉ có thời hạn là 3 tháng thôi. Đi làm bên đó, ai hỏi mình quê vùng nào mình đều bảo mình ở miền bắc Thái Lan" - anh Việt kể về những tháng ngày sống trên đất Thái Lan.

Nói đến cái cách mà anh Việt học tiếng Thái Lan cũng thật lạ kỳ. Ở cái nơi mà cả đời người dân chỉ biết đến đồng ruộng, con trâu, cái cày thì học một thứ tiếng nước ngoài là điều ít ai dám nghĩ đến. Hơn nữa thứ tiếng mà anh học lại là tiếng Thái Lan, quá đỗi lạ lẫm!

Chia sẻ về sở thích đặc biệt này, anh Việt cười tươi nói: "Quê mình nghèo lắm, quanh quẩn cũng chỉ biết tới ruộng đồng thôi. Mình lại bị khiếm thị nên cuộc sống lại càng tẻ nhạt hơn. Lúc đó mình chỉ nghĩ nên học một thứ tiếng gì cho khuây khỏa thôi". 

Khởi đầu từ ý nghĩ đơn giản đó, Hoàng Quốc Việt bắt đầu hành trình tự học tiếng nước ngoài. Đó là vào khoảng thời gian năm 1998, trong một lần vô tình nghe chương trình dạy tiếng Thái Lan trên radio, anh Việt bỗng thấy thích thú với thứ tiếng xa lạ ấy.

Hằng ngày cứ đến giờ dạy tiếng Thái trên radio là anh lại chăm chú lắng nghe, ghi chép bằng chữ nổi hoặc cắm cúi viết bằng chữ thường vào một tờ giấy rồi dán lên tường. Hồi đó, chương trình dạy tiếng Thái trên sóng radio chỉ khoảng 10, 15 phút mỗi ngày nên anh Việt phải rất tranh thủ thời gian. Cho dù là đang đi đâu, làm việc gì, cứ căn đến giờ học là anh gác lại hết để kịp giờ học.

Chỉ với chiếc Radio cũ, anh Việt đã học thành thạo tiếng Thái Lan.

Anh Việt kể: "Người ta dạy trên đài cũng kỹ lắm, từ cách phát âm đến cách đánh vần, phiên âm bằng giọng mũi… Chuyện phát âm thì không khó lắm với mình, nhưng chuyện viết thì khó quá, vì mình không nhìn thấy gì. Hơn nữa cũng chả có sách mà tham khảo thêm nên tiến độ học cũng không được nhanh cho lắm". 

Học nhiều anh Việt thành ra mê mẩn cái thứ ngôn ngữ xứ Chùa Vàng. Trong tâm trí của anh Việt khi đó luôn ấp ủ sẽ có một ngày được đặt chân tới đất nước xinh đẹp này.

Thế rồi, cơ hội biến ước mơ thành hiện thực của anh Việt cũng đã đến. Năm 2001, một bà chị họ của Việt chuyên nghề bôn ba từ Thái Lan về Việt Nam cần một người làm và biết tiếng Thái. Ở miền quê nghèo thì tìm đâu ra một người biết tiếng Thái. Khi đó anh Việt lại trở thành ứng cử viên sáng giá nhất.

Khi quyết định sang Thái Lan làm thuê, hai vợ chồng anh Việt đã gửi con lại cho ông bà nội. Nơi đất khách quê người, vốn tiếng Thái khi đó lại chưa đáng là bao nên anh Việt đã phải cố gắng rất nhiều. 

"Mình biết, để tồn tại được nơi này chỉ có cách duy nhất là phải thông thạo tiếng của họ. Thế nên hễ có cơ hội là mình học lấy học để. Đi đâu cũng giắt một mẩu giấy và một chiếc bút bi ở quai mũ. Hễ cứ học được chữ gì từ người ta là lại vội vàng ghi vào. Vợ mình cũng thế. Về nhà vợ dạy chồng, chồng dạy vợ".

Với tinh thần học mọi lúc mọi nơi, anh Việt nhanh chóng trở thành trợ thủ đắc lực của người chị họ. Anh bảo, cho đến bây giờ nếu xem phim kênh Thái Lan anh có thể tự tin thuyết minh nội dung cho cả nhà nghe.

Anh Việt kể lại những ngày bươn chải trên đất Thái Lan.

2. Nhiều người nói anh Việt tuy bất hạnh vì bị khiếm thị bẩm sinh nhưng lại may mắn hơn người vì lấy được một người vợ đẹp người, đẹp nết. Trước đó, chị Thảnh vợ anh là một góa bụa cho dù chị còn chưa biết mùi vị của đêm tân hôn ra sao. Chuyện là, cách ngày cưới 3 ngày, trong lúc đi mời cưới, chồng chị đã bị tai nạn giao thông và qua đời.

Nỗi bất hạnh tột cùng đổ lên đầu cô dâu trẻ. Chịu tang chồng 100 ngày, gia đình chồng chị đã "bắt" chị phải trở lại nhà đẻ để sau này còn cơ hội lập gia đình. Bản thân là một cô gái có nhan sắc nên chỉ một thời gian sau đó đã có rất nhiều đàn ông đến tán tỉnh chị. Nhưng, tâm trạng chị lúc ấy chẳng khác nào "chim trúng nỏ sợ cành cây cong" nên chị từ chối tất cả. Vậy mà duyên số thế nào, khi bố anh Việt tới nhà một bệnh nhân khám rồi bốc thuốc cho họ lại vô tình gặp chị Thảnh qua chơi.

Biết được hoàn cảnh đáng thương của cô gái, ông đã mạnh dạn mai mối cho người con trai mình. "Mình cũng chẳng ngờ cô ấy lại chấp nhận mình. Cô ấy còn bảo từ giờ sẽ là đôi mắt đưa đường dẫn lối cho mình đi tới cuối cuộc đời" - anh Việt tự hào kể lại.

Anh Việt may mắn vì lấy được người vợ đẹp người, đẹp nết.

Khi đôi vợ chồng trẻ lấy nhau, họ được bố mẹ đẻ cho 50kg thóc, bố mẹ vợ cho một tạ thóc và một đôi lợn giống. Anh Việt đã bàn với vợ lấy chính số thóc đó xát ra để bán hàng sáo. Có chút tiền lãi họ lại mua thóc xát thành gạo rồi đem bán. Cứ thế hai vợ chồng anh chở nhau đi khắp các ngóc ngách của làng quê rồi sang cả làng khác để hành nghề hàng xáo. Cuộc sống khi ấy tuy còn nhiều khó khăn nhưng đong đầy hạnh phúc.

Khi chị Thảnh sinh con đầu lòng, vợ chồng phải gác lại nghề hàng xáo và chuyển sang nghề nấu rượu và chăn nuôi. Vừa ăn xong bữa cơm trưa anh Việt và vợ lại tất bật lao vào bếp nấu những mẻ rượu người ta đặt cho dịp Tết. Nghiêng tai nghe từng giọt rượu nhỏ vào can anh biết vơi hay đầy, đưa tay sờ vào bỗng rượu anh đoán định được rượu đã ngấu hay chưa. 

Và, cái cách mà anh khám bệnh cho lợn cũng thật kỳ diệu, anh nhờ vợ nói cho những biểu hiện của lợn. Mắt có đỏ không? Da có sáng không? Mùi phân ra sao? Từ đó anh Việt sẽ biết lợn có bệnh gì và phải mua thuốc gì chữa trị.

Năm 2011 với nhiệm vụ làm đôi mắt cho chồng, chị Thảnh lại cùng chồng lặn lội sang Thái Lan những mong có cơ hội đổi đời. Những tháng ngày biết bao là cơ cực nơi đất khách quê người, hai vợ chồng bươn chải đủ mọi nghề kiếm sống. 

Lúc thì họ đi mò cá thuê, chồng mắt kém thì mò cá dưới ao, vợ hì hục khênh cá trên bờ. Mỗi đêm kiếm được vài trăm nghìn tiền Việt gửi về quê nuôi con. Giữa trời nắng chang chang anh Việt leo lên từng ngọn dừa, làm cỏ, trẩy dừa, vợ thì hái me, quả thốt nốt...

Nhiều lúc vợ chồng chỉ biết ôm nhau mà khóc, khóc vì nhớ nhà khóc vì thương con. Thế rồi họ lại động viên nhau, cùng vượt qua khó khăn, cùng vươn lên. "Ở nơi đất khách quê người, có những đêm nằm nhớ con phát khóc. Có lần vợ mình đã gấp quần áo định về rồi nhưng mình lại động viên cố gắng thêm một thời gian".

Anh Việt có thể hát Karaoke bằng tiếng Thái Lan.

Sau khi từ Thái Lan trở về Việt Nam, anh Việt đã tìm được hướng đi cho mình. Hiện cuộc sống gia đình anh khá ổn định. Với đàn bò hàng chục con, gần chục con lợn nái, cộng với công việc nấu rượu và ao cá… hằng năm gia đình thu nhập tới hàng trăm triệu đồng. Anh Việt còn chia sẻ những dự định mà mình đang ấp ủ. Nếu có vốn nhiều anh sẽ làm mô hình theo những gì anh học được từ Thái Lan đó là nuôi ba ba và cá sấu.

Chia tay chúng tôi anh Việt còn tự hào khoe: "Hai thằng con trai của nhà mình thằng nào mắt cũng sáng bình thường. Mấy năm trước vợ chồng mình bán đàn bò mua được mảnh đất cho thằng lớn ở Quảng Ninh rồi đấy".

Hiện nay anh Hoàng Quốc Việt đang là thành viên của Hội Người mù huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Là thành viên tích cực trong mọi phong trào của hội, hiện anh đang là chủ nhiệm CLB văn nghệ của thôn (thuộc xã Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên). Năm 2011 anh đạt Huy chương Bạc tại Hội diễn văn nghệ do Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức. Anh cũng đã tốt nghiệp lớp đào tạo Cán bộ nguồn do Trung tâm phục hồi chức năng cho người mù tổ chức.
Ngọc Anh
.
.
.