Nghị lực phi thường của chàng trai khiếm thị

Thứ Hai, 05/11/2018, 11:10
Những người khiếm thị bẩm sinh như tôi mặc dù thiệt thòi hơn người bình thường, chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng hoặc bất cứ thứ gì trên đời nhưng sử dụng trí nhớ ghi lại những kiến thức mà thầy cô ở Hội Người mù chỉ dạy, sử dụng đôi bàn tay thay cho đôi mắt vẫn có thể tự nhận biết đồ vật xung quanh.


"Những người khiếm thị bẩm sinh như tôi mặc dù thiệt thòi hơn người bình thường, chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng hoặc bất cứ thứ gì trên đời nhưng sử dụng trí nhớ ghi lại những kiến thức mà thầy cô ở Hội Người mù chỉ dạy, sử dụng đôi bàn tay thay cho đôi mắt vẫn có thể tự nhận biết đồ vật xung quanh. 
Xa hơn nữa, có thể tự lao động kiếm tiền nuôi thân, hoặc tự học hỏi để làm những việc như cuốc đất, sửa ống nước, lắp ổ cắm điện, nấu cơm, sửa chữa bàn ghế…Và đặc biệt phải luôn tươi cười vì cười sẽ làm cho ta vơi đi những mệt nhọc…"- anh Đặng Văn Minh chia sẻ về cuộc đời của mình. 

Tôi tình cờ gặp anh Đặng Văn Minh vào một buổi chiều mưa cuối tháng 10-2018 khi vào tiệm bán đồ điện trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Dự định mua nhanh vài cái bóng đèn mang về thay gấp, nhưng vừa bước chân vào cửa hàng, tôi như bị "thôi miên" bởi một chàng trai khiếm thị, nách kẹp xấp vé số chuẩn bị cho ngày hôm sau đi bán, đôi tay nhẹ nhàng cầm từng món đồ điện gia dụng sờ, nắn, đưa lên tai lắc nhẹ rồi nói với người bán hàng: "Cái ổ điện này không tốt, vỏ bằng nhựa tái sinh, lá đồng quá mỏng nên khi sử dụng dễ bị nóng chảy gây chập điện… Cái bóng đèn này xưa rồi, không đủ sáng mà phải dùng bóng đèn led kiểu mới để vừa có đủ độ sáng, vừa tiết kiệm điện…".
Chàng trai khiếm thị Đặng Văn Minh.

Anh Minh kể, không biết mình có mồ côi hay không, nhưng suốt 35 năm qua chưa từng ai đến nhận là con, cháu hoặc họ hàng thân thích. Tất cả những thông tin cá nhân đều được nghe qua lời kể của ''ma-sơ'' tên Minh trong cô nhi viện ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. 

Đó là vào sáng sớm một ngày đầu tháng 3-1983, khi ra mở cổng cô nhi viện, ma-sơ nhìn thấy một đứa trẻ còn đỏ hỏn, được quấn bởi chiếc áo công nhân màu xanh đã cũ đang nằm thoi thóp thở, kế bên là tấm giấy carton viết mấy chữ xô lệch: "Cháu bị khuyết tật ở mắt, gia đình quá nghèo không có tiền chạy chữa. Xin cô nhi viện cứu giúp đời cháu". 

Thấy đứa trẻ sắp bị lả vì đói khát, ma-sơ bế ngay vào trong cho uống nước cơm, thay quần áo ấm và chăm sóc y tế rồi đặt cho anh cái tên Nguyễn Văn Minh với hy vọng sau này lớn lên sẽ trở thành người có tâm hồn trong sáng, lối sống ngay thẳng, có nghị lực vươn lên, không ỷ lại vào người khác. Do muốn Minh được ăn học đến nơi đến chốn, năm 12 tuổi, cô nhi viện đã liên hệ chuyển anh sang Hội Người mù TP. Hồ Chí Minh.

Đến môi trường mới, Minh được thầy giáo bên Hội Người mù chỉ bảo cho anh học cách nấu cơm, xào rau, kho cá thịt… còn dạy thêm cách nhận biết chữ nổi, sau đó còn dạy anh cách viết tên mình bằng bút mực, nhưng tập mãi không viết được chữ Nguyễn, chỉ viết được chữ Đặng nên cuối cùng anh quyết định chọn họ tên cho mình là Đặng Văn Minh.

Những ngày tháng được sống và học tập trong Hội Người mù đã cho Minh tiếp cận được nhiều kiến thức về cuộc sống, xã hội nên anh nghĩ mình không thể cứ ăn bám mãi được, mà phải học cách tự kiếm tiền   nuôi sống bản thân để Hội có thêm điều kiện chăm lo cho những người cùng cảnh ngộ khác. 

Anh Minh tự lắp ráp ổ cắm điện.

Năm 2003, khi vừa tròn 20 tuổi, Minh xin thầy cô ở Hội Người mù cho bán bánh kẹo. Thu nhập từ công việc này chẳng đáng là bao, nhưng lại giúp Minh gom góp thêm kinh nghiệm cuộc sống và hơn một năm sau, anh chuyển sang nghề bán vé số.

Ngày đầu tiên đi bán vé số, Minh mò mẫm đến tận huyện Bình Chánh. Khi xấp vé số trên tay vừa hết thì cũng là lúc trời đổ cơn mưa dông kéo dài nên anh phải lần mò tìm một chỗ để trú (hình như là dưới một tấm bạt rách của người bán nước mía căng bên đường). 

Đến khi tạnh ráo thì có lẽ đã là đêm khuya nên không thấy có người đi đường qua lại để hỏi thăm đường về nên đành ngồi một mình chờ trời sáng. Bụng đói, rét và đêm ấy một trận mưa khác tiếp tục đổ xuống khiến Minh bị cảm lạnh và xỉu đi lúc nào không biết. Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm trên giường nệm và hỏi bác sỹ điều trị mới biết được hai người bảo vệ tổ dân phố đưa vào lúc mờ sáng.

Rút kinh nghiệm, sau khi xuất viện, Minh tiếp tục đến đại lý lấy vé số đi bán, nhưng anh dặn lòng: "Đường đi lối về là ở miệng, đi đến đâu phải hỏi đến đó để tránh đi quá xa, tránh làm phiền người khác". Nhưng được mấy hôm, Minh lại vấp phải một cú sốc khác. 

Hôm ấy khoảng 5 giờ sáng, anh lần mò đến khu vực chợ Xóm Chiếu, quận 4, đang cất tiếng rao thì nghe tiếng một nam thanh niên gọi lớn từ phía trước: "Zô đây tui mua giúp cho". Nghĩ mình là người khiếm thị thì không ai lừa, Minh đưa cả xấp vé số cho khách chọn, nhưng ngay lập tức người thanh niên kia lao lên xe gắn máy của đồng bọn chờ sẵn rú ga chạy mất để lại Minh ngơ ngác chống gậy đứng như trời trồng giữa đường.

Mất hết cả vốn lẫn lãi, Minh dò đường trở về Hội Người mù, leo lên giường trùm kín chăn nằm khóc tức tưởi. Biết Minh gặp nạn, người quản lý ký túc xá cùng những bạn cùng cảnh ngộ đến bên an ủi rồi đưa anh đến gặp chủ đại lý vé số cho anh được khất nợ để tiếp tục được nhận vé đi bán.

Được chủ đại lý vé số tặng cho một chiếc ruột tượng quấn ngang bụng rồi căn dặn, kể từ đó mỗi khi đi bán, Minh thường cất vé số trong một ngăn ruột tượng, chỉ cầm khoảng chục tờ trên tay và khi nhận tiền thì nhét vào một túi nhỏ giấu dưới lưng quần.

Cũng nhờ sự chỉ bảo ấy nên từ đó về sau, thỉnh thoảng Minh cũng bị đám ma cô nghiện hút giật tiền, cướp vé số nhưng mỗi lần chỉ khoảng chục tờ nên mất lãi mà vẫn bảo toàn được vốn.

Thấy Minh chịu thương, chịu khó, một cô gái cùng cảnh ngộ quê ở Long An đem lòng yêu thương và đến năm 2005 thì hai người quyết định kết duyên vợ chồng. Cuối năm 2006, vợ anh sinh một cháu trai kháu khỉnh, không bị khiếm thị. Để có tiền thuê nhà, mua sữa cho con và chăm lo cuộc sống cho vợ, Minh đã bỏ bữa ăn sáng, đồng thời tăng thêm thời gian đi bán vé số. 

Thu nhập mỗi ngày dao động từ 300-400 ngàn đồng, tuy vẫn có lúc thiếu hụt chút ít nhưng cũng làm cho vợ anh cảm thấy yên tâm ở nhà chăm sóc con nhỏ. "Nói thật lòng, người khiếm thị như mình, có vợ đã khó, có con lành lặn mà lại là con trai nối dõi thì lại càng khó hơn. Mỗi ngày phải dậy từ lúc 4 giờ sáng, về đến nhà cũng 9-10 giờ đêm, nhưng cứ nghe vợ cười rổn rảng cùng tiếng bi bô của thằng con trai thì tất cả mọi nỗi vất vả, bực dọc tan biến, chỉ còn lại niềm hạnh phúc không thể tả nổi…"- anh Minh kể. 

Hai tay anh Minh thoăn thoắt tháo ốc vít, tước vỏ nhựa dây điện trước khi lắp hoàn chỉnh bộ ổ cắm.

Những ngày hạnh phúc kéo dài chưa được bao lâu thì Minh lại đổ bệnh nặng về mắt và tiêu hóa phải vào bệnh viện điều trị dài ngày. Không thể để cho con, cháu mình thiếu thốn, bố mẹ vợ Minh đã đến phòng trọ đón vợ con về chăm sóc và đến khi Minh được xuất viện trở về thì chị cũng nói lời chia tay anh với một lý do: "Không có tương lai".

Quá sốc với quyết định bất ngờ của vợ, Minh lại trở về Hội Người mù. Trong lúc nằm tủi thân một mình, Minh chợt nhớ đến lời ma-sơ năm xưa khi đặt tên cho mình là mong muốn anh trở thành người có tính cách trong sáng, lối sống ngay thẳng, có ý chí vươn lên, không phụ thuộc vào người khác. Minh bung chăn đứng dậy đến đại lý tiếp tục lấy vé số đi bán và tự nhủ lòng mình lúc nào cũng phải nở nụ cười trên môi, không được nản chí trong bất cứ điều kiện nào. 

"Trong thời gian đi bán có không ít người tốt bụng thương tình đã mời về nhà để họ chăm lo cuộc sống cho mình đỡ vất vả. Trước những tấm thịnh tình ấy, mình chỉ cảm ơn và nghĩ là con người mà, chỉ bị khiếm thị thôi, không khiếm khuyết chân tay thì vẫn có thể tự kiếm được cái ăn, cái mặc cho mình, để họ cứu giúp cho những mảnh đời cơ nhỡ khác…"- anh Minh kể.

Trở lại với cuộc đời của Minh, nhờ chịu thương, chịu khó, lại biết dành dụm nên đến năm 2015, anh đã gom đủ tiền mua một mảnh đất vườn rộng trên 200m2 ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Thấy Minh mua được đất, chính quyền địa phương đã tìm gặp anh đề nghị làm đơn trình bày hoàn cảnh để họ quyên góp xây tặng nhà tình thương, bà con chòm xóm cũng tình nguyện mỗi hộ gia đình tặng anh một ít để cất nhà, nhưng một lần nữa anh lại lựa lời từ chối khéo và vẫn với suy nghĩ cũ là để họ chăm lo cho những hoàn cảnh cơ nhỡ khác. 

Bà con chòm xóm cùng bạn bè chuyển sang kế hoạch cho Minh vay không lãi suất, không thời hạn và cùng với số tiền tiết kiệm gần 60 triệu đồng, Minh đã quyết định xây căn nhà rộng 60m2 trị giá trên 100 triệu đồng.

Với nghị lực phi thường, cho đến nay, ngoài việc đi bán vé số kiếm cuộc sống hàng ngày, trả nợ tiền xây nhà tất cả những công việc thường ngày cơm nước, cuốc đất trồng rau cho đến sửa chữa điện, câu ống nước, trét xi măng nền nhà, Minh đều tự làm mà không cần thuê thợ. Ngoài ra, anh còn tự biết mở radio trên điện thoại để nghe cho khuây khỏa sau những giờ phút lao động mệt nhọc. 

Để khẳng định mình không nói sai, trước khi chia tay, Minh đề nghị tôi mua cho anh một bộ linh kiện ổ cắm, phích cắm và dây điện và thật kinh ngạc khi chỉ mất chưa đến 5 phút tự tháo ốc vít, tước vỏ nhựa dây điện, anh đã lắp hoàn chỉnh, chắc chắn không thua kém bất cứ người sáng mắt nào.

Đức Cương
.
.
.