Nghị lực của chàng trai 36 năm "ngồi xổm"
Từ Phủ Diễn (thị trấn Diễn Châu), men theo con đường quanh co tầm 7-8 cây số, tôi tìm về xóm 9, thôn Đông Thọ, xã Diễn Thọ gặp Hùng lúc anh đang bận bịu sửa xe máy cho khách. Phải chờ một lúc lâu, Hùng mới có thời gian sẻ chia câu chuyện về nghị lực vươn lên của chính mình.
Công việc hằng ngày của Cao Cự Hùng. |
Vươn lên số phận
Ngày ấy, bố mẹ Hùng sinh được 5 chị em, Hùng thứ tư và là con trai độc nhất của gia đình nhưng bản thân anh không được may mắn bởi phải mang cơ thể tật nguyền từ nhỏ. Lúc 3 tuổi, Hùng bị bệnh bại liệt. Thời ấy, do chạy chữa thuốc thang không đủ nên anh bị teo chân. Đến tuổi cắp sách tới trường, thấy bạn bè cùng trang lứa tíu tít tới lớp, Hùng cũng nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học.
Không đành lòng để con mù chữ, mẹ Hùng năm này qua năm khác đưa anh tới trường. Thấy mẹ vất vả và không cam chịu số phận, lên 8 tuổi Hùng bắt đầu tập đi bằng hai tay. Hùng cho biết, với anh đó là những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Lúc đó, Hùng dùng đôi tay cầm hai bàn chân lê từng bước một. Những ngày đầu, Hùng thường xuyên bị ngã, mặt mày trợt trạt, hai bàn tay sưng phù, chảy máu nhưng anh không bỏ cuộc. Phải mất 4 năm trời khổ luyện, Hùng mới có thể đi lại thành thạo với tư thế ngồi xổm.
"Người ta 3 tuổi biết đi, tôi thì 12 tuổi mới có thể bước được những bước đi đầu đời trong tư thế ngồi xổm, đó là điều không dễ dàng nhưng tôi đã làm được. Lúc ấy, tôi đã khóc vì hạnh phúc, có thể tự bước ra khỏi căn nhà chật hẹp của mình", Hùng trầm tư nhớ lại.
Cuộc sống của gia đình êm đềm trôi cho tới năm 1998, lúc Hùng đang học lớp 9 thì bố anh qua đời. Nhà nghèo, không đành thấy mẹ và các chị vất vả nên sau khi nghe đài có thông tin tuyển dụng dạy nghề cho người tàn tật ở TP Hồ Chí Minh, Hùng quyết định nghỉ học vào Nam học nghề. Thấy Hùng tàn tật, lại chưa đi ra khỏi làng bao giờ nên gia đình, anh em họ hàng ai cũng ngăn cản nhưng anh vẫn quyết tâm lên đường. Hành trang Hùng mang theo lúc ấy chỉ là 85 nghìn đồng, 2 quả trứng gà luộc và 2 chiếc bánh chưng.
Nơi Hùng tìm đến học nghề là Trung tâm dạy nghề cho người tàn tật ở số 215, đường Võ Thị Sáu (TP Hồ Chí Minh). Vào đến nơi, Hùng mới vỡ lẽ vì trung tâm chỉ nhận học nghề, chứ không nuôi ăn ở. Tiền mang theo trong người đã cạn và trong ngày đó, Hùng lê đôi chân của mình đi khắp các phố phường để tìm việc. Sau khi hỏi nhiều nơi chỉ nhận được cái lắc đầu vì cơ thể anh không lành lặn, cuối cùng Hùng được nhận vào làm ở một xưởng mộc cách nơi học nghề 6 cây số với mức lương 450 nghìn đồng/tháng. Tuy vậy, Hùng cho biết phải làm việc một năm anh mới được nhận lương một lần. Không một đồng dính túi, không chỗ ăn ở, Hùng đành tạm gác việc học nghề để mưu sinh, bám trụ trên mảnh đất này.
36 năm qua, Hùng luôn phải di chuyển trong tư thế ngồi xổm. |
Làm nghề mộc được 8 tháng, Hùng nghỉ việc và chuyển nghề ngày đi bán vé số, đêm về học nghề sửa chữa đồng hồ. Thấy tay nghề mình khá ổn, năm 2001, anh quyết định trở về quê thuê ki ốt sửa chữa đồng hồ. Tưởng chừng có được cái nghề, Hùng sẽ đỡ vất vả nhưng được một thời gian sau, dòng điện thoại giá rẻ tiện dụng ra đời, người ta ngày càng ít sử dụng đồng hồ. Khách hàng của Hùng thưa dần buộc anh phải đóng cửa tiệm vì không đủ tiền thuê ki ốt.
Thất nghiệp, Hùng nghĩ đến chuyện trở lại TP Hồ Chí Minh để làm lại từ đầu. Khi đang trên đường đi tìm việc, bỗng Hùng được một người lạ hỏi: "Anh đi đâu mà thẫn thờ vậy, nếu xin việc thì tôi giới thiệu cho". Khi ấy, như người sắp chết đuối vớ được cọc, chàng trai tật nguyền quê xứ Nghệ lập tức nhận lời. Và công việc người lạ tốt bụng giới thiệu cho Hùng đó là thêu vi tính cho một công ty Hàn Quốc. Suốt 6 năm trời làm lụng ở đây, nhờ sự chăm chỉ nên anh đã dành ra được một ít vốn liếng và tranh thủ thời gian rỗi, Hùng còn học thêm được nghề sửa chữa xe máy.
Chuyện tình "đôi đũa lệch"
Năm 2007, lúc đang đi tìm phòng trọ, Hùng gặp lại người con gái mà trước đó 3 tháng, anh tình cờ gặp trên đường về. Khi ấy, hai người dù không quen biết nhau nhưng Hùng vẫn nở nụ cười trìu mến rồi đi. Dường như số phận sắp đặt từ trước, lần gặp lại người con gái ấy, Hùng không hề xấu hổ trước vẻ bề ngoài của mình mà tiến tới làm quen. Hỏi ra Hùng mới biết cô gái ấy là Lê Thị Ngát, người Hà Nam và ít hơn anh 3 tuổi. Lúc ấy, Ngát đang vào nhà cậu chơi. Sau lần ấy, hai người thường xuyên gặp và trở nên gần gũi, thân thiết. Tuy Hùng không lành lặn nhưng những lúc ở bên anh, Ngát cảm nhận được ở anh sự chân thành, biết chăm lo cho gia đình nên sau mấy tháng qua lại, chị đã nhận lời yêu của chàng trai tật nguyền.
Khi biết con gái mình yêu và muốn lấy một người con trai tật nguyền làm chồng, gia đình chị Ngát phản đối kịch liệt. Ngày về ra mắt nhà người yêu, dù đã cố gắng thuyết phục nhưng Hùng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Thậm chí, bố mẹ Ngát còn nói dứt khoát sẽ từ con nếu như cô cưới Hùng. Từ giã người yêu, Hùng lại lên đường vào Nam và trước lúc rời xa, anh động viên Ngát hãy cố gắng chờ đợi mình. Sống cảnh "kẻ Nam, người Bắc", Hùng và Ngát vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại.
Không chỉ vậy, anh thường gọi điện về nhà hỏi thăm, thuyết phục bố mẹ Ngát đồng ý cho cuộc hôn nhân của hai người. "Lúc ấy, tôi tán nhà tôi (ý nói chị Ngát - vợ anh bây giờ) tốn nhiều tiền điện thoại lắm. Mỗi lần mua 1 cái sim, gọi nói chuyện được mấy cuộc là hết sạch tiền nhưng vì yêu cô ấy, tốn mấy tôi cũng chịu", Hùng nhớ lại.
Còn riêng về Ngát, dù có nhiều chàng trai trong làng để ý, gia đình cũng mấy lần “kết nối” anh nọ, chàng kia nhưng cô vẫn một mực chờ đợi Hùng. Biết không thể cấm đoán tình cảm của con gái, cuối cùng bố mẹ Ngát cũng phải chấp nhận để cô về làm vợ chàng trai tật nguyền. Tháng 3/2009, đám cưới của "đôi đũa lệch" Hùng Ngát được tổ chức.
Lấy nhau, vì mới làm căn nhà 80 triệu đồng chưa trả hết nên vợ chồng Hùng đành bán mấy chỉ vàng cưới của gia đình nội ngoại cho để trả nợ. Rồi Hùng bàn với vợ vào Nam mưu sinh. Vợ làm công nhân, chồng bán vé số. Tuy thu nhập không được nhiều nhưng chẳng bao giờ người trong khu trọ thấy vợ chồng anh cãi vã, to tiếng với nhau. Hơn một năm bám trụ ở thành phố này, Hùng đưa vợ về quê sinh đứa con đầu lòng và anh ra Hà Nội làm thợ sửa xe máy. 8 tháng trên đất Hà thành, anh vừa làm vừa học để nâng cao tay nghề. Khi đã thành thục và có ít vốn, Hùng về quê thuê ki ốt mở tiệm sửa chữa xe máy. Tháng 12/2013, tiệm sửa chữa xe máy Hùng Ngát chính thức được khai trương.
Ảnh cưới đơn sơ của vợ chồng Hùng. |
Hùng kể đến đây thì có người đến sửa xe, buổi nói chuyện của chúng tôi bị gián đoạn vì anh phải sửa xe cho khách. Vừa sửa xe máy, anh vừa bộc bạch: "Tui học được nghề sửa chữa xe máy và thấy nghề ni không khi mô hết việc nên muốn gắn bó với nó lâu dài, chỉ khi mô không có sức nữa mới thôi. Sắp tới tôi sẽ đầu tư thêm máy rửa xe cho vợ làm chứ hiện giờ vợ tôi vẫn phải ở Hà Nội làm nhân viên trong siêu thị. Để cô ấy xa mình, xa con mãi mình cũng không đành lòng".
Niềm hạnh phúc của vợ chồng anh là con trai Cao Cự Hiệp, SN 2010 là một cháu bé khỏe mạnh, giờ đang học lớp mẫu giáo lớn. Tiệm xe máy của anh không chỉ cho gia đình anh nguồn thu nhập đáng kể mà nhiều tháng nay là nơi dạy nghề cho 3 thanh niên ngoài xã. "Ông trời cho tôi một hình hài không lành lặn nhưng không vì thế mà tôi tự ti, chán nản. Dù trong hoàn cảnh nào tôi cũng luôn tự nhủ mình phải cố gắng để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội", Cao Cự Hùng khẳng định.