Nghệ nhân đất Kinh Bắc vực dậy tranh dân gian Đông Hồ

Thứ Hai, 10/04/2017, 11:28
Một thời, làng Hồ ở xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) nổi tiếng với nhiều loại vàng mã chứ không phải tranh dân gian như bây giờ. Hầu hết các hộ gia đình đều làm nghề vàng mã để mưu sinh và tranh Đồng Hồ như bị rơi vào quên lãng.


May mắn thay, trong số những người con sinh ra và lớn lên nơi đây lại có người  tâm huyết và khát khao phục hồi dòng tranh Đồng Hồ đang bị mai một. Ông là Nguyễn Đăng Chế (78 tuổi), nghệ nhân của làng tranh dân gian Đông Hồ.

Gian nan vực dậy tranh Đông Hồ

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế ở làng Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tranh lâu đời. Từ nhỏ, ông đã yêu thích nghề làm tranh và được ông nội và cha truyền nghề lại.

Khi đó, ông chỉ phụ giúp cha sơn hồ, quét điệp trên giấy dó, học cách in tranh cho đúng màu sắc, mang tranh ra sân phơi nắng. Tranh Đông Hồ gắn liền với tuổi thơ của ông Chế và tình yêu với nghề làm tranh đã trở nên sâu đậm từ lúc nào ông cũng không hay biết.

Tranh dân gian Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế có nhiều đề tài khác nhau: chiến tranh, sản xuất, thiên nhiên, quê hương…

Tuy nhiên, làng Hồ lúc bấy giờ lại rộ lên nghề làm vàng mã, nghề làm tranh gần như bị rơi vào quên lãng. Xe máy, xe tải vào làng nườm nượp để chở hàng đi khắp nơi buôn bán vàng mã.

Người dân làng Hồ nhận thấy nghề này làm ăn khấm khá hơn nghề làm tranh dân gian nên hầu như mọi người đều buôn bán và giàu lên nhanh chóng. Khi đó, những bức tranh "gà lợn nét tươi trong" hay "màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" được thay cho màu sắc nhộm nhoạm xanh đỏ của giấy hàng mã.

Nghỉ hưu sau khi dạy ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội hơn 30 năm, năm 1990, ông Nguyễn Đăng Chế về sống cùng con cháu tại làng Hồ. Ba mươi năm xa quê cũng là quãng thời gian dài để làng Hồ có nhiều thay đổi.

Đau đáu với nỗi lo mai một nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, đầu năm 1991, ông đã quyết định dốc hết số tiền dành dụm được trong quãng đời dạy học để vực dậy lại dòng tranh cổ. Những bản khắc gỗ, thứ được coi là kỷ niệm, thậm chí là đồ đổ bỏ của người dân trong làng thì ông đi tìm mua lại.

Không những thế, ông còn bỏ bao công sức, thời gian để sưu tầm, tìm kiếm được hơn 100 bản khắc cổ với tuổi thọ hàng trăm năm, hàng ngàn bản khắc mới và gần 200 mẫu tranh các loại, trong đó quý nhất là bộ tranh Thạch Sanh có từ vài trăm năm trước.

Mặc dù đã cao tuổi nhưng những nét vẽ của ông Chế trông vẫn rất sắc nét.

Theo ông Chế, khó khăn nhất là quãng thời gian 4 năm từ 1991 đến 1995. Những bức tranh dân gian Đông Hồ ông làm ra mang đi bán khá ít ỏi, tiền thu về cũng không đủ để đầu tư mua nguyên vật liệu làm tranh. Lúc này ông tính chuyện vừa làm tranh, vừa làm vàng mã rồi lấy tiền vàng mã để nuôi tranh.

Đây là cách "lấy ngắn nuôi dài" nhưng cũng phải nhanh chóng tìm đầu ra, thị trường cho tranh Đông Hồ. Cho đến đầu năm 1995, ông Chế đã đem tranh ra Hà Nội bán cho khách du lịch nước ngoài.

Ông đặt một cửa hàng tại 17 phố Chân Cầm và còn nhờ cậy bạn bè trong ngành Mỹ thuật giới thiệu, quang bá tranh giúp ông. Không ngờ, hiệu quả đến rõ rệt vì khách hàng đến với ông ngày một đông, nhất là các du khách nước ngoài.

Sau đó, ông mới quyết định sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo dựa trên chất liệu giấy dó cũng như cách làm truyền thống của dòng tranh Đông Hồ để tạo nét độc đáo, mộc mạc để thu hút khách hàng cũng như những người am hiểu và yêu nghệ thuật hội họa, nhất là tranh dân gian.

Người con trai đầu của ông Nguyên Đăng Chế theo nghiệp cha từ nhỏ.

Nhờ sáng tạo nhưng không làm mất đi bản sắc nên dòng tranh đã được nhiều người yêu thích và bán chạy.

Ông cho biết, thời gian đó có ngày ông còn bán được hơn 6.000 tấm tranh, lịch về các chủ đề, cảnh vật khác nhau như đám cưới chuột, hứng dừa, đàn cò, cấy lúa, những người phụ nữ bắt giặc... đã đem lại thu nhập đáng kể, thậm chí vào những ngày đông khách, ông thu được 20-30 triệu đồng/ngày chỉ nhờ việc bán tranh.

Giờ đây, gia đình ông đã làm chủ hơn 400 ván in với 180 loại tranh, 1 tuyển tập tranh dân gian Đông Hồ gồm 100 đề tài khác nhau, 17 loại tranh Tứ quý, Tứ bình và mảng tranh thờ cúng. Đặc biệt, ông đang sở hữu nhiều bộ in, bản khắc gỗ có tuổi đời hơn 200 năm và được coi là bộ khắc độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Tinh hoa tranh dân gian Đông Hồ

Từ lâu, chợ tranh làng Hồ đã nổi tiếng khắp nơi bởi sự độc đáo, đa dạng của những tác phẩm tranh của các nghệ nhân có tay nghề cao nên thu hút rất đông khách thập phương đến mua tranh. Chợ tranh nơi đây nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào tháng Chạp, họp 5 phiên vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26 mỗi năm.

Chợ không chỉ thu hút khách buôn, mua tranh mà còn lôi cuốn cả giới nghiên cứu và những những đam mê nghệ thuật tranh dân gian. Bởi thế, tự bao giờ đã xuất hiện và được nhân dân lưu truyền hai câu thơ "Dù ai buôn bán trăm nghề/Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh" để nói lên sự nhộn nhịp, trù phú của chợ tranh làng Hồ.

Công đoạn khắc gỗ đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, cẩn thận

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ: "Tranh Đông Hồ được khắc trên ván gỗ, trước hết là một bản nét, rồi tranh có bao nhiêu sắc thì thêm bấy nhiêu bản màu. Nền tranh là giấy dó làm bằng vỏ cây dó, phết lên một lớp điệp một màu óng bạc từ bột tán của vỏ sò.

Loại giấy này được sản xuất theo lối thủ công đưa từ làng Đông Cảo (Bắc Ninh) hay làng Bưởi ở Hà Nội về, sau đó mới cắt thành nhiều kích cỡ lớn nhau khác nhau. Để hoàn thiện một bức tranh Đông Hồ cần rất nhiều thời gian như nhất định phải có một vài người thợ thủ công chuyên làm mực vẽ và giấy.

Các màu thường lấy từ chất liệu thiên nhiên: màu đen lấy từ việc đốt lá tre để lấy than; màu xanh được làm từ vỏ với lá tràm; màu vàng lại lấy từ hoa hòe; màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ của cây vang; màu sơn lấy từ sỏi núi; màu trắng là điệp… Những nguyên liệu này được trộn lẫn với nhau, sau đó sẽ hoà với một lượng bột nếp khi chuẩn bị đem in nhằm tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô.

Sau khi in thành tranh, thật khó để phân biệt được điểm khác biệt khi chỉ nhìn vào màu sắc của tranh để biết đâu là tranh lúc khô và lúc còn ướt bởi màu của chúng đều tươi tắn như nhau. Các hình khối, mảng này đặt cạnh mảng kia có sự ăn ý hài hoà một cách tự nhiên.

Để hoàn thành một sản phẩm, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng công đoạn: Sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, lúc in tranh phải in lần lượt từng lớp màu…"

Ông Chế cho biết thêm, việc dùng màu sắc sao cho phù hợp với mỗi đề tài khác nhau như nền màu đỏ cho tranh đánh ghen; nền màu vàng, đỏ cho cảnh ấm áp, vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày Tết, nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê thanh bình, nền màu xanh cho sự hi vọng, thư thái...

Đôi khi những bức tranh Đông Hồ còn được nghệ nhân trang trí kèm theo những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn như trên bức tranh Hứng dừa "Trong như ngọc, trắng như ngà/Đây trèo đấy hứng cho vừa lòng nhau", còn trên tranh Đánh ghen là "Thôi thôi nuốt giận làm lành/Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta". Mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ cho thấy vốn liếng văn hóa Việt thuần khiết, trong sáng.

Bức tranh này được vẽ trên giấy điệp với các màu sắc được làm từ nguyên liệu thiên nhiên.

Không chỉ khôi phục lại được dòng tranh mà bao nhiêu năm ông ấp ủ và gia đình ông, cả ba thế hệ từ ông, con, cháu đang sống sung túc nhờ làm tranh. Cách đây ít năm, ông Nguyễn Đăng Chế đã thành lập Công ty TNHH Tranh dân gian Đông Hồ trên diện tích 5.500m2 chuyên khôi phục bản khắc cổ, sản xuất, dạy nghề cho con em địa phương và giới thiệu sản phẩm tới du khách trong và ngoài nước.

Nhiều khách công ty đã đặt tranh số lượng lớn với ông để xuất khẩu sang nước ngoài. Hiện bên cạnh thị trường trong nước, ông Chế còn xuất khẩu trực tiếp ra thị trường Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan…

Đối với những ai đã đến với làng Hồ, đã được ngắm tranh Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đều không thể quên những đường nét, sắc màu chân quê, đích thực Việt Nam.

Với những chất liệu nghệ thuật độc đáo, qua năng lực sáng tạo tài hoa tranh Đông Hồ đã thăng hoa thành nghệ thuật tạo hình dân tộc, làm giàu thêm kho báu mỹ thuật của nhân loại.

Nông Lưu Vĩnh
.
.
.