NSƯT Diệu Hương: Cuộc đua chỉ có mẹ và con gái

Thứ Hai, 28/01/2013, 12:01
Từ miền quê nghèo Quảng Trị đến bằng thạc sĩ âm nhạc và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cao quý, Diệu Hương từ tốn từng bước một. Và khi về đích người đàn bà ấy cũng bình tâm gặt hái thành công, chậm rãi đủ để ngẫm lại cả quá trình cắp con nhỏ vượt qua đủ gian nan. Cuộc chạy đua có những phút giây tưởng chừng ngã gục nơi đất khách quê người, cũng chỉ có người mẹ trẻ và cô con gái nhỏ…

Tôi gặp Diệu Hương một buổi sáng mùa đông rét mướt. Trời chưa sáng, người mẹ trẻ cùng đứa con gái nhỏ đã dung dăng dung dẻ dắt nhau đi tập thể dục. Đường phố Thủ đô những ngày cuối năm heo hút, vắng vẻ như cuộc đời người đàn bà đẹp người, đẹp nết nhưng mang phận đa đoan.

Từ miền quê nghèo Quảng Trị đến bằng thạc sĩ âm nhạc và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cao quý, Diệu Hương từ tốn từng bước một. Và khi về đích người đàn bà ấy cũng bình tâm gặt hái thành công, chậm rãi đủ để ngẫm lại cả quá trình cắp con nhỏ vượt qua đủ gian nan. Cuộc chạy đua có những phút giây tưởng chừng ngã gục nơi đất khách quê người, cũng chỉ có người mẹ trẻ và cô con gái nhỏ…

Phận đa đoan

Diệu Hương đích thị là phụ nữ miền Trung! Không hẳn là tiếng nói nặng âm, cũng không phải là từ ngữ địa phương mô, tê, răng, rứa... Buổi sáng hôm ấy gặp Diệu Hương, nghe chị cất tiếng hát, chỉ một câu dân ca Bình Trị Thiên thôi đã toát ra cả gốc rễ quê quán. Lòng lạnh lẽo bỗng nhiên ấm lại bởi mấy câu hát và người phụ nữ mặn mà trước mặt. Diệu Hương vừa mới kết thúc khóa học thạc sĩ âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia cách đây đúng hai hôm.

Căn nhà nhỏ xíu chừng hai mươi mét vuông của chị ngập trong những lẵng hoa chúc mừng lễ bảo vệ luận văn đạt kết quả xuất sắc. Vậy là bao nhiêu năm học tập của chị cũng gặt hái được thành quả. Ui cha là sung sướng…Trở về căn nhà nhỏ hai mẹ con chị lên kế hoạch cho mấy ngày nghỉ lễ, vui chơi cùng con gái, bù lại cho những ngày vất vả…

Diệu Hương sinh năm 1977, so với tuổi 36 gương mặt chị vẫn trẻ lắm, đẹp nhất là lúc mắt hồng môi đỏ vận áo dài hát dân ca. Nhưng có lẽ càng xinh càng khổ, càng duyên càng lắm gian truân. Chị giống mẹ ở gương mặt hiền, đôi môi chúm chím, giống cả phận đàn bà tình duyên lận đận.  Mẹ chị là người nhan sắc một vùng, bà đi bước nữa sau cái chết của chồng năm 1979 ở chiến trường Campuchia, khi đó Diệu Hương mới tròn 2 tuổi.

Năm Diệu Hương 18 tuổi, cha dượng và mẹ chị chia tay nhau. Đang học dở cấp 3, chị quyết định nhập ngũ đi bộ đội, làm trong Đội Thông tin tuyên truyền văn hóa lưu động tỉnh Quảng Trị. Vừa đi biểu diễn khắp nơi, Diệu Hương vừa quyết tâm hoàn thành cấp 3, rồi học thêm 2 năm trung cấp ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Năm 2000 khi quyết định lấy chồng, chị chuyển về Sở Văn hóa Thông tin Quảng Trị làm việc và tiện chăm sóc con cái.

Năm 2002 sau khi bé Bim cai sữa, Diệu Hương thi vào Đại học Âm nhạc Huế quyết tâm tiếp tục con đường học tập và nghiên cứu về âm nhạc dân gian - những điệu hát Bình Trị Thiên quê hương chị. Cũng chính trong thời gian này tình cảm vợ chồng của chị rạn nứt. Tôi cho rằng Diệu Hương không may mắn, ít nhất vào những lúc khó khăn đủ đường.

Cứ hai tuần chị vào Huế một lần đi học đại học. Đi đi về về giữa Quảng Trị và Huế không biết mệt mỏi, Diệu Hương luôn muốn chu toàn mọi việc, ít nhất là không để ai phải chê trách điều gì. Nhiều người nói chị tham lam quá khi vẫn lao đầu vào học lúc đã yên phận gia đình. Những người phụ nữ có gia đình vẫn tiếp tục học tập để nâng cao kiến thức, phải chăng chị không được làm điều đó?! Giá như chồng chị có thể chia sẻ…

Ngày hai mẹ con Diệu Hương ra đi, căn nhà hai vợ chồng chị từng gây dựng vẫn đó, 2 túi hành lý một to một bé... chỉ có mẹ và con. Năm 2007 sau khi học xong chương trình đại học hệ tại chức tại Học viện Âm nhạc Huế, Diệu Hương nộp đơn xin vào giảng dạy thanh nhạc tại trường. Bấy giờ cái tên Diệu Hương đã trở nên quen thuộc đối với những người yêu nhạc dân gian ở Huế. Tham gia hầu hết các chương trình ca múa nhạc lớn nhỏ, nhắc đến Diệu Hương là nhắc đến lớp nghệ sĩ cứng cựa ở đây.

Đất khách quê người

Chưa bằng lòng với bản thân, năm 2010 hai mẹ con Diệu Hương lại dắt nhau ra Hà Nội thi cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Năm đó Học viện Âm nhạc Huế có 6 người đi thi, chị nằm trong top chắc chắn sẽ trượt vì cái mác sinh viên tại chức. Ấy thế mà, vượt qua cả những thí sinh đại học chính quy Diệu Hương đỗ cao học luôn năm đầu tiên thi, với quyết tâm không còn con đường nào khác là phải học lên cao nữa. Quyết định nhanh chóng, hai mẹ con chị ra Thủ đô rộng lớn ngập ngừng bắt đầu một cuộc sống mới, không tên tuổi, không chỗ dựa… chỉ có hai mẹ con.

NSƯT Diệu Hương.

Cùng lúc đó, Diệu Hương chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam phụ trách thu thanh mảng dân ca Bình Trị Thiên. Vừa đi học, vừa đi làm lại vừa nuôi con, những ngày đầu tiên luôn là ngày khó khăn nhất. Hai mẹ con sống tại Ký túc xá Học viện Âm nhạc thiếu thốn đủ đường. Người ta thường nói phụ nữ không nên quá mạnh mẽ, sẽ chịu nhiều khổ cực. Nhớ lại những ngày đầu sống cuộc sống bộn bề nơi đất khách quê người, nếu chị không mạnh mẽ thì không thể nào lo toan nổi cho cuộc sống của bản thân và cô con gái nhỏ với đủ nhu cầu sống và học tập.

Hà Nội không như Huế mộng mơ, không yên bình và trầm lặng. Hà Nội lịch thiệp nhưng cuộc sống cứ như một guồng quay, nếu không vững vàng sẽ không trụ vững nổi. Ngoài công việc ở Đài, việc học chị tìm thêm các sự kiện, các show diễn để tham gia, cũng là kiếm thêm ngoài để đủ tiền cho Bim uống sữa.

Đối với Diệu Hương có bé Bim là chị đã có đủ một gia đình trọn vẹn. Kí túc xá không phải là môi trường để một gia đình sống bình yên. Chị quyết tâm tìm thuê một căn nhà nhỏ, tổ chức cuộc sống riêng của hai mẹ con. Nhờ hết bạn bè tìm nhưng không có kết quả, Diệu Hương tự mình lặn lội những ngày rét lang thang khắp ngõ ngách Hà Nội, bây giờ căn nhà cũ trong hẻm nhỏ của ngõ Lý Thường Kiệt là tổ ấm riêng của mẹ con chị.

Bim đi học ở trường Trưng Vương, vậy là bé có thể tự đi bộ không cần mẹ phải đưa đón. Bé Bim 10 tuổi đã sống cuộc sống tự lập không như những đứa trẻ cùng lứa khác. Em tự làm hết mọi việc cá nhân mà không bao giờ phiền đến mẹ. Có lần ngã xe đạp chân rướm máu cũng không nói với mẹ. Khi chị thấy vết thương, Bim cười xòa: "Con tập ngã thôi mà"…

Mẹ và con gái

Buổi sáng hôm nay cũng như thường ngày, Diệu Hương chạy thể dục từ sớm. Hàng hoa trước ngõ 5h30 đã lục đục xếp những bó hoa tươi đầu tiên ra bày bán. Hôm nay Bim sẽ thi môn kĩ thuật ở trường, chị tranh thủ chạy thể dục về sớm mua hoa cho con vì tối qua bận đi diễn không kịp chuẩn bị. Vừa đi làm, vừa đi diễn và quyết tâm học tập nhưng Diệu Hương chưa bao giờ để Bim thiếu thốn bất cứ thứ gì con cần. Hằng tháng bố vẫn ra thăm Bim, vẫn thấy hai mẹ con chăm sóc nhau thật tốt. Mọi người thường nói mẹ Diệu Hương là nghệ sĩ không có thời gian chăm con, nhưng nhìn Bim lớn và ngoan từng ngày đủ biết rằng mẹ đã lo cho con gái đến nhường nào. Những khi mẹ bận việc, con vẫn tự chăm sóc mình, tự đi học và nấu cơm ăn.

NSƯT Diệu Hương

Và đối với cuộc đời mẹ Diệu Hương, bé Bim chính là nguồn sống, là động lực, là mục tiêu của cuộc đời chị. Người phụ nữ ai cũng cần một bờ vai để chia sẻ nhưng suốt 8 năm nay người đàn bà đẹp vẫn lủi thủi một mình, hi sinh tất cả những tình cảm riêng tư vì con. Trong mắt bé Bim, mẹ Hương luôn là tấm gương mẫu mực. Chị chăm chỉ học tập, chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao, lao đầu vào làm việc cật lực. Mọi nỗ lực của mẹ đều được Bim trông thấy. Bốn lần Diệu Hương thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc là bốn lần chị giành giải vàng và được công nhận Nghệ sĩ ưu tú, lần nào bé Bim cũng có mặt động viên chị.

Đã nhiều lần Diệu Hương có cơ hội phát triển sự nghiệp của mình, sau cuộc thi Sao Mai năm 2001 được nhận vào học tập tại Trường Nghệ thuật Quân đội nhưng chị từ chối vì Bim còn nhỏ. Những cơ hội đến và đi Diệu Hương không hề tiếc nuối. Chị chỉ tiếc rằng cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình đã làm cho Bim thiếu thốn tình cảm người cha như chị. Còn nhớ ngày xưa chị có một tấm hình nhỏ của cha trong ví, ấy thế mà đánh mất ví chị làm mất luôn hình ảnh duy nhất của người cha chị chưa bao giờ gặp mặt.

Những ngày cuối năm Diệu Hương đang tất bật cho một CD mới toanh sắp sửa phát hành đánh dấu con đường ca hát. Mọi người chúc mừng và tán thưởng, riêng Diệu Hương cho rằng đơn giản là chị đã hoàn thành được một việc lớn trong đời. Ngẫm lại, rõ ràng quyết định cắp con nhỏ ra Hà Nội phồn hoa với ước mơ tạo dựng cuộc sống quả là đúng đắn.

Cái tên Diệu Hương giữa lòng Thủ đô nhỏ bé lắm nhưng có lẽ sức sống trong con người chị không hề mỏng manh. Mơ ước bây giờ của chị là tìm mua một căn nhà nho nhỏ để đón mẹ ra ở cùng sum vầy bà cháu. Còn việc riêng tư sẽ thuận theo duyên số. Có lẽ người đàn bà thất bại trong tình duyên thường có tâm lý hơi cực đoan, Diệu Hương cũng vậy. Chị nói rằng với một người phụ nữ tự sửa điện, vá xe như chị có nhất thiết phải cần thêm một người đàn ông để chia sẻ. Người đàn ông đó sẽ phải thương yêu cả bé Bim của chị… Đó là điều người đàn bà hàng mi cong rớm nước đang ngồi trước mặt tôi thấy lo ngại!

NSƯT Diệu Hương sắp ra CD mới

Nghệ sĩ Diệu Hương sinh năm 1977 tại một vùng quê nghèo Quảng Trị. Chị hoạt động nghệ thuật từ năm 1995 tại Đoàn nghệ thuật Quảng Trị. Trong 7 năm liền tham gia hội diễn Chuyên nghiệp toàn quốc Nghệ sĩ Diệu Hương đạt 4 Huy chương Vàng. Năm 2001 dành được giải ca sĩ trẻ trong chương trình Sao Mai. Sau 15 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, Diệu Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú tháng 5 năm 2012 vì sự nghiệp phát triển nghệ thuật dân tộc.

Hiện nay Diệu Hương phụ trách mảng dân ca Bình Trị Thiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Album sắp ra mắt của chị đánh dấu bước quan trọng trên con đường ca hát. Album chưa kịp đặt tên nhưng hứa hẹn là những ca khúc dân ca miền Trung, ca khúc trữ tình ngợi ca quê hương đất nước, tri ân vùng đất Quảng Trị đã sinh ra tiếng hát Diệu Hương, cũng là lời cảm ơn tới tất cả những người thân yêu, những người đã giúp đỡ chị trên con đường sự nghiệp. Để thành công như ngày hôm nay Diệu Hương luôn nhớ đến công lao dìu dắt của nghệ sĩ Hoàng Công Nghê-Học viện Âm nhạc Huế, là người có ảnh hưởng rất lớn đối với giọng ca mượt mà rất Huế của nghệ sĩ Diệu Hương.

Cẩm Huyền
.
.
.